Ở Đà Lạt, cả hai phương pháp thủy canh này đều được nông dân áp dụng thành công và cho năng suất cao.
Với các quốc gia hiện đại, trồng rau thủy canh đã không còn xa lạ, nhất là với những loại rau ăn lá ngắn ngày. Có hai phương pháp trồng thủy canh thường được sử dụng là thủy canh tĩnh và thủy canh hồi lưu. Ở Đà Lạt, cả hai phương pháp thủy canh này đều được nông dân áp dụng thành công và cho năng suất cao.
Rau xà lách trồng thủy canh hồi lưu
Trang trại của gia đình anh Mai Văn Khẩn, Hòn Bồ, phường 12, Đà Lạt là nơi trồng rau thủy canh tĩnh với số lượng lớn. Thủy canh tĩnh với trang trại của anh được ứng dụng trong các thùng xốp bình thường. Trong thùng lót nilon đen, được chứa đầy dung dịch pha sẵn các dưỡng chất cần thiết. Rau được đưa vào các hộp nhựa nhỏ đã nhồi sẵn giá thể, đặt trong các lỗ nhỏ khoét sẵn trên nắp thùng xốp. Trong dung dịch đầy nước đó, những cây lô lô xanh, Romance lớn hàng ngày. Mỗi khi có tình trạng cây chậm phát triển hay có biểu hiện lạ, người chăm sóc cần đo lại độ chuẩn của dung dịch, tăng hoặc giảm lượng dưỡng chất cung cấp cần thiết.
Anh Khẩn cho hay: “Trồng rau thủy canh này cây phát triển tốt, năng suất cao, hầu như không có sâu bệnh. Cây sạch tuyệt đối vì không dính đất cát, khi thu hoạch chỉ việc nhấc cây lên, cắt gốc và đóng bao bì là có thể xuất hàng”.
Khác với trang trại của anh Khẩn, trang trại của ông Vương Đình Phi, Thánh Mẫu, phường 7 lại áp dụng hệ thống canh tác thủy canh hồi lưu. Thủy canh hồi lưu hiện đang là phương pháp canh tác tiên tiến nhất và đồng thời đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao. Hệ thống ống bằng polime được đặt trên các giá cách mặt đất khoảng 80cm, trên thân ống khoét các lỗ nhỏ đủ đặt hộp nhựa chứa cây. Các ống đều được nối thông với nhau đồng thời thông với một bể chứa dung dịch nước và dưỡng chất nuôi dưỡng cây. Một mô tơ nhỏ đưa nước luân lưu qua hệ thống ống nuôi dưỡng cây. Do có luồng nước kích thích bộ rễ, cây trồng bằng phương pháp thủy canh hồi lưu phát triển nhanh hơn, thời gian thu hoạch được rút ngắn từ 3-5 ngày so với trồng rau trên đất.
Gia đình ông Phi đã trồng liên tiếp 3 vụ rau ăn lá, chủ yếu là xà lách các loại. Ông Phi cho biết:“Rau trồng bằng thủy canh hồi lưu lớn nhanh, cây đẹp, gia đình tôi hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng nước sạch và chất dinh dưỡng hòa tan. Có điều trồng bằng phương pháp này dễ mà khó vì phải đảm bảo kỹ thuật tuyệt đối do hệ thống nước hồi lưu, chỉ cần một cây có bệnh là tất cả các cây khác sẽ ngã bệnh theo. Ngoài lý do kinh tế, trồng cây thủy canh hồi lưu cũng giúp nông dân chúng tôi nâng cao ý thức về kỹ thuật canh tác an toàn”.
Cả hai mô hình trồng rau thủy canh tĩnh và hồi lưu nêu trên đều do Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đầu tư. Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm khẳng định: “Trồng rau bằng phương pháp thủy canh là phương pháp hiện đại, phù hợp với nhu cầu rau sạch của thị trường cũng như giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần giải quyết là chi phí đầu tư cho trồng thủy canh khá cao và do đó, cần có hệ thống phân phối theo hướng rau cao cấp với giá bán cao hơn. Giải quyết được vấn đề đầu ra, tôi tin nông dân Đà Lạt sẽ tiếp cận được với việc trồng rau thủy canh không quá khó khăn”.