Phóng sự- ký sự

Quảng Trị: Nuôi trồng thủy sản xen canh cho hiệu quả cao và sạch bệnh

Thứ ba, 06/09/2016 07:55 lượt xem: 933

Nhằm cải thiện điều kiện nuôi tôm sú, hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, từ năm 2015, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Quảng Trị đã tập trung nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp nuôi thuận theo tự nhiên và dựa vào đặc tính sinh học của từng loài để xây dựng một quy trình nuôi trồng thủy sản xen canh an toàn và bền vững. Mô hình nuôi xen ghép giữa cá đối mục, tôm sú và cua là một trong những mô hình được đánh giá thành công sẽ được trung tâm nhân rộng trong những vụ nuôi tới.

nuôi xen canh

Thu hoạch cua ở mô hình nuôi xen ghép tôm, cua, cá tại Triệu Phong


(QT) - Nhằm cải thiện điều kiện nuôi tôm sú, hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, từ năm 2015, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Quảng Trị đã tập trung nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp nuôi thuận theo tự nhiên và dựa vào đặc tính sinh học của từng loài để xây dựng một quy trình nuôi trồng thủy sản xen canh an toàn và bền vững. Mô hình nuôi xen ghép giữa cá đối mục, tôm sú và cua là một trong những mô hình được đánh giá thành công sẽ được trung tâm nhân rộng trong những vụ nuôi tới.

Tiếp tục thành công những mô hình thử nghiệm tại thôn Lưỡng Kim, xã Triệu Phước, Triệu Phong, năm 2016, Trung tâm KNKN tỉnh tiến hành nuôi thử nghiệm tại 4 hộ là ông Hoàng Ngọc Quýnh xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh), ông Lê Văn Lâm ở xã Gio Mai (Gio Linh) và 2 hộ Nguyễn Hữu Tuấn, Nguyễn Văn Mừng ở xã Triệu Phước (Triệu Phong) với tổng diện tích 16.000 m2. Trước khi thực hiện mô hình, trung tâm tổ chức các lớp tập huấn trực tiếp cho nông dân. Tại các lớp tập huấn, nông dân được tìm hiểu đặc điểm sinh học của các đối tượng nuôi trong ao nuôi xen ghép; được hướng dẫn quy trình cải tạo ao nuôi; cách cấp nước, xử lý nước, gây màu nước trước khi thả giống; kỹ thuật chọn và thả giống; kỹ thuật chăm sóc và quản lý thức ăn trong quá trình nuôi; được hướng dẫn một số biện pháp phòng và trị bệnh trên đối tượng nuôi; biện pháp quản lý các yếu tố môi trường trong ao nuôi và nội dung ghi chép, lưu giữ hồ sơ. 

Gia đình anh Nguyễn Hữu Tuấn ở thôn Hà La, xã Triệu Phước, Triệu Phong sau nhiều vụ liên tục nuôi tôm sú bấp bênh, hiệu quả thấp do thường xuyên bị dịch bệnh, năm 2016, anh đăng ký với Trung tâm KNKN tỉnh thực hiện mô hình thí điểm nuôi cá đối mục kết hợp với tôm sú và cua trong cùng một ao. Anh Tuấn được trung tâm hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn công nghiệp. Với diện tích ao nuôi thử nghiệm 8 sào, anh Tuấn thả 2.000 con cá đối, 20.000 con tôm sú và 2.000 con cua. Gia đình anh Tuấn đầu tư thêm phần thức ăn 70% đạt chuẩn của mô hình. Quá trình thả nuôi tương đối thuận lợi, 3 loài con này sống chung với nhau, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.

Anh Tuấn cho biết: Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật thường xuyên về hướng dẫn tận tình các bước kỹ thuật nuôi. Nhờ đó, các đối tượng nuôi tỷ lệ sống cao, đạt khoảng 80- 90%. Nhìn chung các đối tượng nuôi thích hợp với khí hậu, thời tiết của vùng này và phát triển khá tốt. Trọng lượng sau 3 tháng nuôi, tôm đạt 50- 60 con/kg, cá khoảng 15- 20 con/kg và cua khoảng 6- 8 con/kg.

Mô hình nuôi thủy sản xen canh được thả nuôi ở mật độ thưa, đối tượng nuôi được nghiên cứu thử nghiệm là không cạnh tranh nhau mà mỗi loài ở các tầng nước khác nhau trong ao nên hỗ trợ tốt cho nhau làm sạch môi trường nước. Dịch bệnh của các loài được kiểm soát, không lây chéo cho nhau. Hiệu quả kinh tế đưa lại khá cao như hộ ông Hoàng Ngọc Quýnh ở Vĩnh Giang, Vĩnh Linh đầu tư 59,1 triệu đồng sau 4 tháng nuôi thu được gần 115 triệu đồng, lãi hơn 55 triệu đồng.

Chị Hoàng Thị Thùy Trang, cán bộ kỹ thuật Trạm KNKN huyện Triệu Phong cho biết: Mô hình nuôi kết hợp tôm, cua và cá đối mục trong cùng một ao nuôi bước đầu thích hợp với điều kiện nuôi ở địa phương và mang lại hiệu quả khá. Điều kiện môi trường ao nuôi ổn định, không có biến động khi thời tiết thay đổi. Sau 3 tháng thả nuôi không có dịch bệnh xảy ra, các loài phát triển tốt, tăng trọng nhanh. Qua đó cho thấy mô hình nuôi này là giải pháp thích hợp để triển khai trong các ao nuôi tôm kém hiệu quả trước đây.

Hình thức nuôi kết hợp cá đối mục, tôm sú và cua trong cùng một ao đã đem lại “lợi ích kép” cho nông dân vì vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa tác động rất tích cực đến môi trường nuôi nói chung. Nông dân thu hoạch nhiều lần và chủ động thu hoạch loại nào khi thị trường bán được giá. Ông Trần Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh cho biết: Mô hình triển khai nhận được sự thuận lợi là các cấp chính quyền địa phương và Trung tâm KNKN tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các hộ thực hiện mô hình hưởng ứng tích cực, chịu khó tìm tòi học hỏi và có trách nhiệm trong việc đón nhận đối tượng nuôi mới. Kết quả, mô hình ở các xã đều đạt khá, phù hợp với điều kiện thời tiết và tập quán canh tác của nông dân ở địa phương. Sau thời gian nuôi 4 tháng, cá đối mục đạt 4 con/kg, tôm 40 con/kg, cua 4 con/kg, nông dân thu hoạch dần theo từng lứa và có thu nhập ổn định. Kết quả của mô hình đã duy trì tính ổn định của vùng nuôi, hạn chế những rủi ro vì dịch bệnh do điều kiện tự nhiên, môi trường không thuận lợi, tạo hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thuỷ sản tại những vùng thường xuyên bị dịch bệnh, góp phần giảm bớt khó khăn cho người nuôi tôm.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là nông dân chưa chủ động được nguồn giống, giá thành lại cao do phải chi phí thêm phần vận chuyển. Thời tiết trong giai đoạn thực hiện mô hình gặp nắng hạn kéo dài, gây khó khăn trong việc quản lý chăm sóc ao nuôi, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của các đối tượng nuôi. Sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua cũng gây khó khăn cho việc cấp nước vào ao nuôi. Các hộ thực hiện tuy đã có quá trình nuôi tôm sú và cua từ nhiều năm nay nhưng chủ yếu là thả nuôi quảng canh, ít đầu tư nên khi thực hiện mô hình có cá đối mục là đối tượng mới nên kỹ thuật nuôi còn bỡ ngỡ và thiếu kinh nghiệm...

Từ những bước đi đầu tiên này, mô hình nuôi xen ghép giữa cá đối mục, tôm sú và cua đã tạo sự cân bằng sinh thái, hạn chế ô nhiễm trong quá trình nuôi tôm, giảm dịch bệnh, tăng sản lượng thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển nghề nuôi tôm theo hướng ổn định, bền vững.

05/09/2016

Bài, ảnh: VÕ THÁI HÒA

BÁO QUẢNG TRỊ ĐIỆN TỬ,

 

Cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500đ tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ (08) 6260 0412 - 0946.705.238  cam kết chất lượng. Ngoài ra còn có Bột xương thịt, bã điều, bột đầu tôm, bột gan mực.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện