Tin Tức Nông Sản

Phòng trị bệnh đốm trắng nội tạng cho cá lóc từ lá ổi và cỏ mực

Thứ hai, 22/10/2018 09:00 lượt xem: 28858

 

Chiết xuất từ lá ổi và cỏ mực phòng trị bệnh cho cá lóc

Cỏ mực - thảo dược tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Internet​

Nghiên cứu mới đây đã xác định hoạt tính kháng khuẩn và nồng độ thích hợp của chất chiết xuất từ cỏ mực và lá ổi kháng lại vi khuẩn gây bệnh đốm trắng nội tạng trên cá lóc.

Nghề nuôi cá lóc (Channa striata) đã được hình thành và phát triển từ lâu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều hình thức nuôi đa dạng như: nuôi kết hợp, thâm canh, bán thâm canh, nuôi trong ao, vèo ao, vèo sông, bể lót bạt, đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, để đạt được sản lượng và lợi nhuận cao nhất, mức độ thâm canh hóa càng được tăng lên, dẫn đến nhiều dịch bệnh phát sinh gây thiệt hại lớn cho nông dân.  Kháng sinh được sử dụng trong thời gian dài và không đúng cách sẽ dẫn đến hiện tượng kháng thuốc làm giảm hiệu quả phòng và trị bệnh về sau. 

Hiện nay, việc sử dụng các chiết xuất thảo dược như một xu hướng trong công tác kiểm soát dịch bệnh trên cá. Sử dụng thảo dược sẽ hạn chế được sử dụng kháng sinh, giảm được sự kháng thuốc, tránh được sự tồn dư kháng sinh trong sản phẩm, tốt cho sức khỏe con người và giảm được rào cản trong xuất khẩu (Huỳnh Kim Diệu, 2010). Hơn nữa, các loại thảo dược còn thúc đẩy quá trình tăng trưởng.

Cỏ mực - thảo dược trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Agropack

Bổ sung cỏ mực (Eclipta alba) giúp tăng khả năng đề kháng trên cá trê (Clarias batrachus) (Mishra and Gupta, 2017) và cá rô phi đen (Oreochromis mossambicus) (Christybapita et al., 2007). Chiết xuất từ lá ổi (Psidium guajava) có thể kiểm soát bệnh do A. hydrophila gây bệnh trên cá trôi Ấn Độ (Labeo rohita) (Giri et al., 2015), tăng kích thích miễn dịch và khả năng tăng trưởng cho cá rô phi (Oreochromis niloticus) (Yin et al., 2006).

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định nồng độ thích hợp của chiết xuất từ cỏ mực và lá ổi khi bổ sung vào thức ăn cho hiệu quả tốt nhất lên sự tăng trưởng, tỉ lệ sống (TLS) và khả năng đề kháng bệnh của cá lóc lên bệnh đốm trắng nội tạng. 

Mỗi loại thảo dược (cỏ mực và lá ổi) sau khi thu được rửa sạch, sấy khô ở 50oC, xay nhuyễn, thảo dược được ngâm trong ethanol 96o với tỉ lệ 1:2 trong 7 ngày, lọc dịch chiết bằng giấy lọc và cô-quay loại bỏ ethanol, thu được cao chiết thô ở dạng sệt (Nguyễn Văn Đàn và Nguyễn Viết Tựu, 1985). 

Hoạt tính kháng khuẩn của các thảo dược từ lá ổi và cỏ mực bằng phương pháp khuếch tán qua giếng thạch đã được kiểm tra. Hoạt tính kháng khuẩn của chiết xuất cỏ mực và lá ổi mạnh nhất là ở nồng độ 250 mg/mL với đường kính vòng kháng khuẩn lần lượt là 20,83±0,76 mm và 23,17±0,29 mm.

 Hai nhóm cá lóc thí nghiệm được bổ sung vào thức ăn chất chiết xuất từ cỏ mực hoặc lá ổi với có cùng nồng độ 1, 5 và 10 g/kg thức ăn, cho ăn liên tục trong 45 ngày.

Kết quả sự tăng trưởng và hệ số FCR (Feed Conversion Ratio) cao hơn so với nghiệm thức không bổ sung thảo dược (p<0,05). Mặt khác, chỉ tiêu số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu ở ngày thứ 2 và 7 sau khi cảm nhiễm vi khuẩn Aeromonas schubertii phân lập, đều tăng đáng kể với nghiệm thức đối chứng (p<0,05). 

Tỉ lệ cá chết tích lũy khi cảm nhiễm ở các nghiệm thức bổ sung chiết xuất cỏ mực (30-40%) và lá ổi (30-36,67%) thấp hơn so với nghiệm thức đối chứng không bổ sung chiết xuất (p<0,05). 

Bổ sung chiết xuất cỏ mực ở mức 5 g/kg và lá ổi 1 g/kg thức ăn,  giúp kích thích sự tăng trưởng, gia tăng mật độ hồng cầu và bạch cầu, khả năng đề kháng bệnh của cá được nâng cao làm giảm tỉ lệ tử vong của cá lóc khi nhiễm vi khuẩn A. schubertii

Tác giả: Lê Minh Khôi, Lê Nguyễn Thu Dung, Huỳnh Huy Cẩm Tú, Nguyễn Bảo Trung, Từ Thanh Dung

Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018) 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện