Tin Tức Nông Sản

Nông dân Campuchia mất ruộng

Thứ hai, 23/12/2013 11:56 lượt xem: 986
Mỗi năm, các tập đoàn nông nghiệp nước ngoài đã đuổi hàng ngàn nông dân Campuchia ra khỏi cánh đồng của mình - với sự giúp đỡ của chính phủ.
Mỗi năm, các tập đoàn nông nghiệp nước ngoài đã đuổi hàng ngàn nông dân Campuchia ra khỏi cánh đồng của mình - với sự giúp đỡ của chính phủ.
 
Theo báo Spiegel của Đức, các nhóm nhân quyền cho rằng tiền thuế của dân Đức được sử dụng để tài trợ cho một chương trình có lợi cho những kẻ chiếm đoạt đất.
 
Mọi người trong làng Chouk ở Campuchia đều nhớ những gì đã xảy ra vào sáng ngày 19-5-2006, khi xe ủi đất xuất hiện trên quốc lộ 48 cắt ngang qua thị trấn. Những người đàn ông từ công ty Thái Lan Khon Kaen Sugar Industry PCL tự giới thiệu với các dân làng Campuchia những tập tài liệu và nói: “Đất này bây giờ thuộc về chúng tôi”.
 
Hàng chục nông dân đã cố gắng ngăn chặn các xe ủi đất khi họ bắt đầu san lấp ruộng lúa. Cảnh sát đến hiện trường, bắn súng khiến một phụ nữ bị thương. Một hàng rào kẽm gai bao quanh các ruộng lúa, biến đồng lúa của nông dân thành một đồn điền mía. Nông dân Teng Kao, 53 tuổi, lách qua hàng rào, nhảy qua mương và cuối cùng chỉ vào một vị trí xa xa: “Đó là nơi từng là ruộng của tôi”.
 
Hai trăm gia đình làng Chouk đã mất sinh kế của họ vào ngày hôm đó. “Chúng tôi không nghèo - chúng tôi rất nghèo. Tôi không còn có đủ ba bữa ăn một ngày”, nông dân Chea Sok nói. Nhiều người trẻ đã rời khỏi Chouk, một số trở thành lao động nhập cư ở Thái Lan và Malaysia.
 
Hàng chục ngàn nông dân không còn được cày trên mảnh đất của mình như thế này nữa
 
Nhiều người Campuchia đã phải chịu chung số phận như dân làng Chouk. Các công ty và giới quyền lực, thường là các thành viên của Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen, đang sở hữu các cánh đồng và các khu rừng.
 
Các công ty, thường là công ty nước ngoài, nhận được quyền “sang nhượng đất đai vì lý do kinh tế” từ chính phủ khi họ cần đất trồng rừng và xây nhà máy. Các tổ chức phi chính phủ Campuchia ước tính khoảng 400.000 người đã bị đẩy ra khỏi đất đai của họ do tình trạng này từ năm 2003.
 
Quá bất công
 
Chiếm đất của nông dân là một hiện tượng trên toàn thế giới, nhưng Campuchia khá khác biệt bởi vì chính phủ Đức đóng một vai trò trong việc gây tranh cãi đó. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, tiền thuế của dân Đức đang được sử dụng để tài trợ cho một chương trình có lợi cho những người chiếm đoạt đất.
 
”Chúng tôi đang trên đường trở thành một xã hội của các địa chủ” - Lao Mong Hay, một nhà hoạt động dân quyền Campuchia kỳ cựu, nói. Với bộ râu trắng, ông giống như một học giả Khổng giáo. “Các tầng lớp cầm quyền liên minh với các doanh nghiệp lớn, và họ cùng nhau kiếm tiền nhanh chóng”, ông nói. Ông nhấn ngón tay vào nhau để minh họa cho liên minh kinh khủng. “Tất cả họ cần là đất, một vài máy cưa và một vài máy kéo, và chẳng bao lâu rừng bị thu hẹp”.
 
Các công ty đang lợi dụng tình trạng pháp lý không rõ ràng ở Campuchia. Không ai biết chính xác đất nào thuộc sở hữu tư nhân và đất nào thuộc về chính phủ, một phần vì các tài liệu liên quan đã bị biến mất nhiều năm trước. Khmer đỏ, những người cai trị đất nước từ 1975-1979, tuyên bố từng centimet vuông trên lãnh thổ Campuchia là tài sản của chính phủ.
 
Nhưng Quốc hội đã thông qua luật cho phép mỗi người dân Campuchia được sở hữu vùng đất mình đã trồng trọt ít nhất năm năm. Nếu đất bị giải tỏa, chủ sở hữu sẽ được bồi thường. “Nhưng có bất công lớn. Luật pháp đã yếu, lại còn thực hiện kém”, theo Lao Mong Hay.
 
Bức màn bí mật
 
Christina Warning của tổ chức German Agro Action (Welthungerhilfe) nói: “Trong một ngôi làng, bọn chiếm đất chuốc người ta say rượu rồi đặt dấu vân tay của người đó ở dưới hợp đồng. Tất cả bồi thường nông dân nhận được chỉ là quần áo, thuốc men và điện thoại di động. Và họ bị đuổi ra khỏi ruộng đồng của mình”.
 
Năm ngoái, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về tình hình nhân quyền tại Campuchia cho biết chỉ có một thiểu số nhận được lợi ích từ việc sang nhượng đất đai, trong khi các doanh nghiệp hoạt động “đằng sau một bức màn bí mật”.
 
Tình hình ở Campuchia cũng đặt ra câu hỏi về mức độ mà nhân viên cứu trợ nước ngoài có thể làm việc cùng với một chế độ độc tài. Lấn chiếm đất có thể sẽ là một chủ đề của các cuộc đàm phán Đức - Campuchia tại Phnom Penh vào đầu tháng 12. Chính trị gia Đảng Xanh của Đức - Thilo Hoppe - muốn Berlin “đình chỉ hợp tác chính phủ” nếu cần thiết. Ngân hàng Thế giới đã đi một bước tương tự như khi hủy bỏ khoản vay năm 2011 cho Campuchia do tình trạng đuổi người nghèo ra khỏi đất khỏi nhà.
 
Chính phủ Campuchia ít nhất đang hứa hẹn sẽ thiết lập cơ sở pháp lý cao hơn. Theo kế hoạch, tất cả công dân sẽ có thể đăng ký tài sản của họ, và cơ quan đăng ký đất đai đang được thành lập. Khoảng 2 triệu người đã có quyền sử dụng đất vào cuối năm 2012.
 
Vai trò người Đức
 
Đức đang hỗ trợ chính phủ Campuchia trong việc phát triển cơ quan đăng ký đất đai. Các chuyên gia đăng ký đất đai của Hiệp hội Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã cố vấn các quan chức Campuchia từ năm 2002. Nhưng bây giờ “người Đức đã trở thành một phần của vấn đề”, Eang Vuthy của tổ chức phi chính phủ Equitable Cambodia nói. Nhưng những nhà hoạt động dân quyền và các nhân viên cứu trợ người Đức buộc tội GIZ đang che giấu thực tế là Thủ tướng Hun Sen chỉ đơn thuần muốn sử dụng dự án để tạo ra ấn tượng rằng việc chiếm đất là hợp pháp, và họ cho rằng ông Hun Sen không có ý định phân phối ruộng đất một cách công bằng.
 
Ví dụ, người Đức không được phép đi vào các vùng nông thôn để xác minh rằng việc phân bổ quyền sử dụng đất được thực hiện trong thực tế. Theo Vuthy, Thủ tướng Hun Sen sẽ xem rằng người Đức can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước Campuchia nếu người Đức xem xét từng trường hợp để đảm bảo rằng dự án của họ thực sự công bằng. “Nhưng người Đức nên biết những gì đang được thực hiện bằng tiền thuế của họ”, Vuthy nói.
 
Văn phòng giám đốc khu vực Adelbert Eberhardt của GIZ nằm trong một tòa nhà gần Tượng đài Độc lập tại Phnom Penh. Ông đã quen thuộc với những lời chỉ trích đối với chương trình của mình. Tuy nhiên, ông nói: “Nếu bạn muốn thay đổi, bạn phải làm việc cùng với các cơ quan chính phủ. Điều này làm cho bạn dễ bị tổn thương. Đó là một hành động cân bằng, chúng ta phải chấp nhận”. Nhưng Eberhardt lưu ý rằng những lợi ích của chương trình lớn hơn nhược điểm của nó. “Chúng tôi sẽ tạo ra sự chắc chắn pháp lý cho 6 triệu người”, ông nói. ”Hai triệu người đã có”.
 
Bộ Ngoại giao ở Berlin cũng bảo vệ sự hợp tác với Hun Sen. Trong một cuộc thảo luận kín về chương trình đất đai với các chuyên gia tại Phnom Penh, một nhà ngoại giao đã chỉ ra rằng Chính phủ Đức không thể ép buộc thủ tướng phải làm bất cứ điều gì. “Cam kết mang tính xây dựng là tốt hơn so với chấm dứt hợp tác được với Hun Sen. Chúng ta không thể đạt được tất cả mọi thứ ở khắp mọi nơi cùng một lúc”, nhà ngoại giao cho biết.
 
Giải pháp của EU
 
Manfred Hornung của Heinrich Böll Foundation, người làm việc cách một vài ký lô mét từ văn phòng của Eberhardt, nói: “Người của GIZ không có bằng chứng về quyền sử dụng đất của 2 triệu dân Campuchia. Nói cho cùng, họ không được ra vùng nông thôn, nên không thể hay biết những gì đang xảy ra ở đó”.
 
Cách tiếp cận của Liên minh châu Âu thậm chí còn gây nhiều tranh cãi, bởi vì nó gián tiếp tạo điều kiện cho việc chiếm đoạt đất đai. Trong năm 2009, Brussels cấp cho Campuchia quyền xuất khẩu đường miễn thuế vào EU. Nhưng điều đó chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề, theo Evi Schueller, một luật sư người Mỹ của tổ chức nhân quyền Campuchia Licadho. “Hàng ngàn người đau khổ khi họ bị mất đất để mở đường cho các đồn điền mía”, cô nói.
 
Năm 2012, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết về kinh doanh đường, phê phán những gì họ gọi là “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng liên quan đến sang nhượng đất đai”. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu từ chối đình chỉ đặc quyền miễn thuế đối với Campuchia cho tất cả mặt hàng xuất khẩu. “Họ không công nhận báo cáo của các báo cáo viên đặc biệt của LHQ”, Schueller nói. “Thay vào đó, họ muốn một báo cáo từ Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva. Thật vô lý”. 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện