Trong thông tin gửi đến báo chí hôm 14-10, ITPC cho biết đang thực hiện chương trình kết nối trực tiếp nhu cầu của các nhà phân phối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, và hộ sản xuất có khả năng làm nhà cung cấp.
Theo đó, khi liên hệ các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, như BigC, Metro, Aeon, Lotte, Fairprice Singapore, để chuẩn bị cho buổi kết nối vào ngày 23-10, ITPC nhận được phản hồi của các nhà bán lẻ với nhu cầu hết sức cụ thể chứ không chung chung như trước đây. Điều đáng chú ý là hầu như các nhà bán lẻ đều nhấn mạnh nhu cầu mua những hàng rau củ quả, trái cây, thủy sản, thực phẩm mang tính đặc sản của Việt Nam.
Dự kiến, các nhà bán lẻ này sẽ tham gia chương trình kết nối cung – cầu do ITPC tổ chức vào ngày 23-10 tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và Lương thực thực phẩm lần thứ ba (Hi-tech Agro 2014) diễn ra từ 22-10 đến 26-10-2014 (tại công viên Lê Văn Tám, đường Hai Bà Trưng, Q.1, TPHCM).
Cũng nằm trong chương trình kết nối giữa nhà cung ứng và nhà phân phối, bán lẻ, hôm 14-10, 50 đơn vị gồm các doanh nghiệp sản xuất, hiệp hội, các nhà phân phối – bán lẻ, công ty thương mại, dịch vụ hậu cần,… đã tham gia chương trình “Kết nối cung - cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu” do ITPC tổ chức. Hai nhà phân phối chính trong chương trình kết nối này là hệ thống siêu thị BigC và Công ty TNHH thương mại dịch vụ Uy Tín - chủ quản siêu thị online Golmart.
Được trích lời trong thông cáo từ ITPC, ông Lê Thành Trung, phụ trách điều phối và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của BigC, cho biết hệ thống siêu thị BigC đang tập trung phát triển các sản phẩm địa phương ở mọi miền Việt Nam, nhất là những đặc sản địa phương được ưa chuộng. BigC quan tâm từ các hộ sản xuất hàng nông sản hoặc thực phẩm tươi sống, các doanh nghiệp đã thành công tại thị trường địa phương và mong muốn phát triển mở rộng thị trường, đến các doanh nghiệp muốn hợp tác và phát triển các nhãn hàng riêng với BigC.
Theo đó, bước đầu nhà cung cấp sẽ đưa hàng vào một siêu thị BigC ở địa phương gần nơi sản xuất nhất, bán thử nghiệm 6 tháng nhằm ổn định đầu ra để nhà cung cấp phát triển sản phẩm và chuẩn hóa quy trình sản xuất. Bước tiếp theo, khi năng lực cung cấp lớn hơn, BigC sẽ đưa sản phẩm bày bán tại hệ thống 29 siêu thị BigC trên toàn quốc, ông Trung nói.
Ngoài ra, với những mặt hàng đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, BigC sẽ hỗ trợ nhà cung cấp xuất khẩu thông qua Tập đoàn Casino (Pháp) hiện có 25 đối tác tại 20 quốc gia.
Ông Lê Thành Trung cho biết yêu cầu quan trọng đối với nhà cung cấp là có những chứng nhận chất lượng tương ứng với mặt hàng. Với nông sản là giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm vi sinh hoặc kim loại nặng, kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc kháng sinh.