Phóng sự- ký sự

"Nhập nhằng" giữa trồng trọt và nuôi tôm

Thứ năm, 19/04/2018 10:00 lượt xem: 1340

 

"Nhập nhằng" trồng trọt và nuôi tôm

Huyện Tân Phú Đông đang xem xét ý kiến của người dân về Dự án 230 ha nuôi thủy sản ở xã Phú Đông.​

Sau khoảng 15 năm triển khai, Dự án 230 ha nuôi thủy sản ở xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông) vẫn còn “nhập nhằng” giữ trồng trọt và nuôi thủy sản.

Về khu vực thuộc Dự án 230 ha nuôi thủy sản ở xã Phú Đông vào những ngày đầu tháng 4, chúng tôi ghi nhận nhiều người dân thuê kobe đào ao để nuôi tôm.

Dẫn chúng tôi đi “thị sát” tại khu vực trên, lãnh đạo UBND xã Phú Đông cho biết, trước đây, huyện dự kiến điều chỉnh quy hoạch dự án chia làm 2 vùng trồng trọt và nuôi thủy sản riêng biệt nhưng do chậm điều chỉnh đã khiến hiện trạng vùng dự án bị thay đổi.

Sau khoảng 15 năm triển khai, Dự án 230 ha nuôi thủy sản ở xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông) vẫn còn “nhập nhằng” giữ trồng trọt và nuôi thủy sản.

Huyện Tân Phú Đông đang xem xét ý kiến của người dân về Dự án 230 ha nuôi thủy sản ở xã Phú Đông.

Ông Nguyễn Văn Cưng (ấp Gảnh) cho biết, khi triển khai dự án, 1 ha đất của gia đình ông trồng lúa cho năng suất thấp và rất bấp bênh. Do không có tiền đầu tư nuôi thủy sản nên ông đã cho người khác thuê. Sau khi hết thời hạn cho thuê, ông sử dụng diện tích trên nuôi tôm theo hình thức quảng canh.

Ông Cưng bày tỏ: “Giữa trồng trọt và nuôi tôm thì nuôi tôm cho lợi nhuận kinh tế hơn mặc dù khá bấp bênh. Từ đó, tôi cho rằng, Nhà nước nên giữ nguyên hiện trạng như bây giờ, không nên điều chỉnh quy hoạch. Ở đây, 10 hộ dân thì đã có đến 9 hộ muốn giữ nguyên hiện trạng của dự án”.

Theo UBND xã Phú Đông, năm 2003 tỉnh cho triển khai Dự án 230 ha nuôi thủy sản trên địa bàn ấp Gảnh và Lý Quàn 2 theo định hướng sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ thủy sản (chủ yếu nuôi tôm quảng canh).

Dự án triển khai, vùng gần đê sông Cửa Đại được người dân chuyển đổi sang nuôi tôm (chủ yếu nuôi tôm công nghiệp), trái lại khu vực gần tỉnh lộ 877B có rất ít hộ nuôi tôm.

Sở dĩ nhiều người “ngại” chuyển sang nuôi tôm do vốn đầu tư tương đối lớn, thêm vào đó nuôi tôm khá bấp bênh, thường xảy ra dịch bệnh nên nhiều hộ không dám đầu tư. Kết quả sau thời gian dài triển khai thực hiện, dự án đã không đạt như mục tiêu đã đề ra.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Tân Phú Đông đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho huyện đề xuất tỉnh chuyển đổi sản xuất trong vùng dự án theo hướng phân định thành 2 vùng trồng trọt và nuôi thủy sản riêng biệt.

Trong đó, vùng trồng trọt (nước ngọt) có diện tích 136,5 ha, vùng nuôi thủy sản (nước mặn, lợ) trên 77 ha. Đối với vùng trồng trọt, huyện dự kiến sẽ tách thành 2 tiểu vùng gồm vùng ấp Gảnh khoảng 71 ha và vùng ấp Lý Quàn 2 khoảng 65,5 ha. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn chưa thể điều chỉnh quy hoạch, khiến người dân nơi đây vẫn “nhập nhằng” giữa trồng trọt và nuôi tôm.

Thực tế cho thấy, qua khảo sát ý kiến của 142 hộ dân trong vùng dự án, có 129 hộ đề nghị giữ nguyên hiện trạng (chiếm 90,85%), 13 hộ đề nghị dự án chuyển sang trồng trọt (chiếm 9,15%).

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải cho biết, cái khó trong việc điều chỉnh quy hoạch dự án là hiện trạng đã thay đổi nhiều so với 2 năm trước.

Cụ thể, ở vùng huyện dự kiến sẽ chuyển sang trồng trọt đã thay đổi hiện trạng rất nhiều. Nhiều người từ nơi khác đến thuê đất đào ao nuôi tôm nên dẫn đến tình trạng “da beo” (xen lẫn giữa trồng trọt và nuôi tôm), từ đó rất khó trong việc điều chỉnh quy hoạch.

Vừa qua, Sở kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với địa phương về điều chỉnh quy hoạch dự án. Về phía huyện, sau khi khảo sát ý kiến người dân trong vùng dự án, huyện đang xem xét, nghiên cứu để điều chỉnh Dự án 230 ha nuôi thủy sản này cho phù hợp.

Minh Thành Báo Áp Bắc

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện