Chè là cây trồng có "niên đại” lâu đời trong các loại cây trồng của Việt Nam. Sự tồn tại của cây chè gắn liền với bà con nông dân.
Chè là cây trồng có "niên đại” lâu đời trong các loại cây trồng của Việt Nam. Sự tồn tại của cây chè gắn liền với bà con nông dân. Chè có mặt ở khắp mọi nơi, trước hết và nhiều nhất thuộc vùng miền núi và trung du. Nghệ An là một trong những địa phương tạo nên " vựa chè” khu vực Bắc Trung Bộ.
Sản phẩm chè hiện thời chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Đời sống người trồng chè cũng như thực lực kinh tế những địa phương tạo ra vùng chè nguyên liệu phần lớn phụ thuộc cây chè. Thuộc tính cây chè không có gì thay đổi nhưng ngành chè công nghiệp lại đang trong tình trạng sa sút toàn diện. Đành rằng có ảnh hưởng của yếu tố khách quan nhưng sự sa sút toàn diện của ngành chè trước hết thuộc về nguyên nhân chủ quan.
Diện tích thâm canh cũng như sản lượng chè đang trong đồ thị liên tục đi xuống. Từ 2009 đến nay, bình quân mỗi năm diện tích trồng chè trên địa bàn cả nước sụt giảm hơn 1500ha. Tổng diện tích trồng chè hiện chỉ còn 124.000 ha, giảm sút gần 6.100 ha so với 4 năm trước đó. Theo đó, như là hệ lụy tất yếu, sản lượng chè liên tục giảm sút. Riêng 2013, giảm sút khoảng 20% so với năm trước. Nguyên liệu cũng như sản phẩm chè xuất khẩu của Việt Nam liên tục đi xuống (thậm chí giảm sút mạnh) trong khi nhu cầu tiêu dùng chè của thế giới không ngừng tăng lên.
Sản phẩm chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt bình quân 1.450 USD/tấn, mức thấp nhất của thế giới. Nên biết rằng, trong cùng thời điểm và cùng thị trường như nhau, sản phẩm chè xuất khẩu của Kenya có mức giá xuất khẩu gấp hơn 3 lần so với Việt Nam. Thật xót xa khi phải đối diện sự thật gắn liền thiệt hại lớn: Trong thang bậc giá chè xuất khẩu của thế giới, Việt Nam luôn ở hàng thứ nhất từ dưới lên. Lợi ích người trồng chè cũng như hiệu quả của doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chè hoàn toàn không tương xứng với công sức bỏ ra.
Phát triển sản xuất hàng hóa phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó thị trường đầu ra giữ vai trò cực kì quan trọng (thậm chí là yếu tố quyết định). Ngành chuyên trách, các địa phương cùng với hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu chè luôn kêu gọi và cùng phối hợp tìm kiếm mở rộng thị trường đầu ra. Thực tế trên thương trường trở thành câu trả lời ngược lại, thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam không những không tăng mà còn giảm mạnh. Năm 2012, sản phẩm chè Việt Nam xuất khẩu đến 77 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến cuối 2013, chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ được chấp nhận tại 61 thị trường, sau 1 năm "bị âm” 16 thị trường. Nhiều năm trước đây EU liên tục nằm trong TOP 10 thị trường chủ lực nhập khẩu chè Việt Nam, hiện thời EU đã ra khỏi danh sách này.
Diện tích trồng chè cũng như sản lượng giảm sút liên tục trong nhiều năm. Giá xuất khẩu thuộc loại thấp nhất thế giới. Thị trường đầu ra không những không tăng mà còn giảm mạnh. Đó là những chứng cứ mang tính khẳng định ngành chè đang trong tình trạng sa sút toàn diện. Để tồn tại và phát triển, ngành chè nhất thiết phải sớm ra khỏi tình trạng bi đát ấy. Không thể thiếu hỗ trợ từ phía ngoại lực, tuy nhiên trước mắt cũng như lâu dài, nhân tố nội lực của ngành chè giữ vai trò quyết định. Xin cung cấp thông tin này để ngành chè tham khảo: diện tích trồng chè gấp gần 3 lần diện tích trồng hồ tiêu nhưng tổng giá trị xuất khẩu hồ tiêu gấp gần 4 lần xuất khẩu chè.