BQT website tintucnongnghiep.com
Ngay sau khi chúng tôi đăng lại bài viết này từ báo Nông nghiệp Việt Nam. Bộ phận marketing của "Tập Đoàn CON CÒ VÀNG HI-TECH" đã liên lạc với chúng tôi và yêu cầu "gỡ ngay bài viết xuống" vì lý do báo nông nghiệp đã gỡ xuống từ lâu do đăng sai thông tin.
Chúng tôi đã cố tìm bài viết đính chính thông tin của báo Nông nghiệp Việt Nam nhưng không tìm thấy link bài viết gốc từ báo này (tại website nongnghiep.vn).
Sau đó, chúng tôi có nhận được file hình (chụp lại) bài viết đính chính từ báo Nông nghiệp Việt Nam (báo giấy) của bộ phận marketing "Tập Đoàn CON CÒ VÀNG HI-TECH". Chúng tôi đăng kèm theo để các bạn tiện theo dõi.
Nội dung chủ yếu của bài viết " CTY TNHH CON CÒ VÀNG HOẠT ĐỘNG ĐÚNG PHÁP LUẬT""
- Công ty Con Cò Vàng có đăng ký kinh doanh rõ ràng, logo Con cò vàng đã được đăng ký tại Cục bản quyền tác giả và được cấp giấy chứng nhận.
- Công ty có năng lực về tài chính, có cơ sở vật chất.
- Giải thích mối liên quan giữa Con cò vàng và Con nai vàng.
- Logo của Con cò vàng và Baconco khác nhau.
- Công ty Con Cò Vàng có nhiều thành tích trong quá trình hoạt động kinh doanh.
- Giám đốc Công ty Con Cò Vàng tham gia nhiều chương trình từ thiện.
(Thông tin chi tiết tại bài báo file hình đính kèm).
Chân thành cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc, cũng như những phản hồi từ "Tập Đoàn CON CÒ VÀNG HI-TECH".
Tuy nhiên, từ sự việc trên, chúng tôi có 03 vấn đề muốn chia sẻ với tất cả các bạn quan tâm đến nông nghiệp nói chung và quan tâm đến trang tintucnongnghiep.com như sau:
Thứ nhất, báo Nông nghiệp Việt Nam là một tờ báo lớn, có uy tín trong ngành, tại sao lại có bài viết nhận được sự quan tâm của rất nhiều đọc giả, rồi sau đó lại có bài viết đính chính như vậy?
Thứ hai, bộ phận marketing của "Tập Đoàn CON CÒ VÀNG HI-TECH" có yêu cầu chúng tôi "off trang này đi" ( đóng trang tintucnongnghiep.com lại). Mục đích của chúng tôi là kết nối - chia sẻ - phi lợi nhuận. Chúng tôi mong muốn chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới với những người quan tâm đến nông nghiệp, và sứ mạng này vẫn chưa hoàn thành nên chúng tôi chưa thể "off" được.
Thứ ba, thông qua việc này, chúng ta cần quan tâm đến marketing hơn, đặc biệt là "marketing để xử lý khủng hoảng" của các "tập đoàn lớn". Hãy làm marketing một cách đúng nghĩa!
BQT tintucnongnghiep.com
Một số bài viết liên quan:
Phạt 2 cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng
Sở Công Thương Tây Ninh cho biết ngày 25/10, Chi cục Quản lý thị trường đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh xử phạt hai cửa hàng kinh doanh phân bón không đạt mức công bố tiêu chuẩn trên địa bàn.
Đó là cửa hàng Nguyễn Trí Hưng (xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu) và cửa hàng phân bón Bảy Hạnh (xã Tân Thành, huyện Tân Châu).
Ngày 1/9/2011, Đội Quản lý thị trường số 4 tổ chức kiểm tra đột xuất tại cửa hàng Nguyễn Trí Hưng do nghi ngờ kinh doanh phân bón không đạt chất lượng. Tại đây, lực lượng chức năng thu được 4,8 tấn phân bón do công ty cổ phần phân bón Mỹ Việt (đóng gói tại địa chỉ ấp 12, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) sản xuất.
Sau khi Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 giám định thì phát hiện phân NPK 20-20-15 TE và phân trung lượng bón rễ ba con gà không đạt chất lượng như công bố.
Trước đó, ngày 26/8, Đội Quản lý thị trường số 5 đã kiểm tra đột xuất tại cửa hàng phân bón Bảy Hạnh, phát hiện nhiều mặt hàng phân bón có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc hàng hóa: Nhãn ghi không rõ tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, không xuất trình được chứng từ có liên quan.
Quản lý thị trường đã thu giữ 28,3 tấn phân bón do công ty cổ phần Mỹ Việt và công ty Trách nhiệm hữu hạn Con cò vàng (phường Phú Thuận, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) sản xuất.
Sau khi giám định tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 thì phát hiện bốn mẫu phân bón không đạt chất lượng gồm phân bón trung lượng bón rễ UVF, phân bón tiết kiệm đạm URCA Silic 30N (công ty Mỹ Việt); Phân bón NPK 16-16-8-13S+SiO2+TE, phân bón hữu cơ đậm đặc khoáng+Silic+TE (công ty Con cò vàng).
Cả hai cửa hàng trên đã có hành vi kinh doanh phân bón không đạt mức công bố tiêu chuẩn áp dụng.
Chi cục Quản lý thị trường Tây Ninh đã đề nghị phạt cửa hàng Nguyễn Trí Hưng 40 triệu đồng và cửa hàng Bảy Hạnh 50 triệu đồng, đồng thời buộc hai cửa hàng này phải tái chế lại số phân bón không đạt chất lượng theo chỉ tiêu đã công bố./.
Vũ Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+) (25/10/2011)
Lập lờ chất lượng phân lân
Không nói đến cả chục sản phẩm “thấy biết liền” là hàng giả bởi kiểu ghi ngoài bao bì “lân tổng số: 75%; Ca, Mg: 1%” hoặc “carbonatte 3,9% và CaCO3: 10%” thì nhiều sản phẩm phân lân thuộc hàng chính chủ, chính danh cũng lập lờ chất lượng…
KIÊN QUYẾT KHÔNG CHO VÀO
Ngày 29/11, trong vai một chủ trang trại có 40 ha cao su kinh doanh đi tìm một nguồn phân lân thích hợp, tôi ghé Cty Phân bón Con Nai Vàng trên quốc lộ 22, địa phận huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Thật bất ngờ, bên ngoài thì bảng hiệu là Con Nai Vàng nhưng bên trong lại là phân bón Con Cò Vàng. Bên ngoài các cửa kính dán đầy các áp phích quảng cáo chương trình “Khuyến mãi cực sốc chỉ có ở Con Cò Vàng” với “hàng nghìn chiếc xe máy SH sành điệu”. Hai cán bộ phòng kinh doanh tên Hải và Trình tiếp tôi khá niềm nở nhưng khi tôi thắc mắc vì sao sản phẩm supe lân của họ mà lại chỉ có 10% P2O5 tổng số và 8,5% P2O5 hữu hiệu thì không giải thích được. Với lý do tôi mua số lượng lớn lại mua cho chính mình nên phải xem kỹ và đề nghị được tham quan xưởng sản xuất nhưng hai cán bộ trên dứt khoát không cho vào. Cuối cùng họ chỉ đồng ý lấy cho tôi một mẫu supe lân dạng bột.
Theo chỉ dẫn, tôi xuống nhà máy nằm trong Khu công nghiệp Nhị Xuân. Sau nhiều cuộc điện thoại xin ý kiến cấp trên, cán bộ nhà máy khước từ tôi một cách kiên quyết nhưng trên gương mặt vẫn tiếc nuối vì bỏ lỡ một khách hàng lớn.
PHÂN GIẢ, KHÔNG PHẢI PHÂN GIẢ, MÀ LẠI LÀ…
Tại sao nhà nước có thể cho phép sản xuất phân supe lân mà lại có hàm lượng lân thấp như thế? TS Trương Hợp Tác, Trưởng phòng Quản lý Đất, Phân bón của Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT khẳng định "phân giả", bởi theo TS Tác thì hàm lượng lân hữu hiệu tối thiểu của phân supe lân phải đạt 16%. Tuy nhiên khi nghe tôi nói rõ tên tuổi, địa chỉ của nhà sản xuất thì TS Tác lại khất tôi 1 tiếng đồng hồ để tra cứu. Đúng hẹn, TS Tác khẳng định lại "phân thật".
Theo hướng dẫn của TS Tác, tôi vào mạng Vinanet của Bộ Công thương và tra cứu được thông tư số 02/2007/TT-BCN ngày 22/3/2007 của Bộ này. Thì ra từ tháng 3/2007 trở về trước, người dân VN và cả thế giới chỉ biết có mỗi loại phân supe phosphate có hàm lượng P2O5 hữu hiệu tối thiểu từ 16% trở lên, nhưng từ ngày thông tư trên có hiệu lực thì Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) bắt người Việt Nam phải biết thêm một loại phân supe phosphate nữa có hàm lượng P2O5 hữu hiệu tối thiểu 8%.
Hàm lượng ghi trên bao bì của supe lân Con Cò Vàng: P2O5 tổng số 10%, P2O5 hữu hiệu 8,5%; Ca tổng số 15%; SiO2 tổng số 15%; kết quả phân tích của Phòng Kiểm nghiệm Đất, Phân bón Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam trên mẫu supe lân Con Cò Vàng do chính cán bộ công ty này lấy và trao cho nhà báo như sau: P2O5 tổng số 7,97%; P2O5 hữu hiệu 7,12%, pH (KCl) 5,26.
Có thể tự sản xuất nên loại phân tương đương bằng cách trộn các nguyên liệu sau (cho 100 kg): Supe lân Long Thành: 15 kg + MAP Trung Quốc: 10 kg + dolomite: 50 kg + cao lanh: 25 kg + màu công nghiệp. Thời giá sản xuất nên loại phân trên khoảng 2.400 đ/kg.
Đối chiếu với tiêu chuẩn bổ sung của Bộ Công nghiệp và thời điểm công bố chất lượng của Con Cò Vàng thì loại phân supe lân của họ là hợp pháp. Tuy nhiên theo lịch sử phân bón thế giới, thì supe phosphate là một công nghệ sản xuất phân phốt pho bằng cách dùng axít sunphuric công phá quặng phốt phát. Bằng sáng chế của công nghệ này đã được Chính phủ Anh cấp cho doanh nghiệp John Bennet Lawes từ năm 1842 và sản phẩm đã được thương mại hóa vào năm 1843. Từ đó đến nay, tiêu chuẩn phân supe phosphate vẫn không thay đổi, hàm lượng P2O5 hữu hiệu tối thiểu 16%. Với cách hiểu như trên của toàn thế giới và cả người Việt Nam, trừ một số người ở Bộ Công nghiệp, thì phân supe lân Con Cò Vàng đúng là… phân giả.
CẦN RÕ RÀNG TRONG TIÊU CHUẨN
Vai trò của phân lân với cây trồng, nhất là với các vùng đất chua phèn tại VN đã được khẳng định cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Nhu cầu và sản lượng tiêu thụ phân lân ngày một tăng, nhất là những năm ĐBSCL không có lũ lớn như năm nay. Ngoài 1,8 triệu ha đất nhiễm phèn nguyên thủy (chiếm 88% diện tích đất nhiễm phèn của cả nước) thì diện tích nhiễm phèn mặn đang có xu hướng tăng. Theo khảo sát năm 2008, chỉ riêng 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, diện tích đất bị nhiễm mặn nặng đã tăng từ 35.763 ha (năm 1995) lên 163.983 ha (năm 2008). Mấy năm liền nuôi tôm bị thất bát và người dân đang có nguyện vọng tái cải tạo vùng đất nhiễm phèn, mặn để trồng lúa và như vậy nhu cầu về phân lân càng lớn.
Với đặc thù trên, ĐBSCL cũng là nơi tiêu thụ phân phốt pho nhiều nhất của cả nước (từ nhiều nguồn: supe phosphate, lân nung chảy, DAP, MAP, lân hữu cơ) và cũng là trà trộn nhiều loại phân lân giả, phân kém chất lượng, nơi xảy ra nhiều hoạt động quảng cáo “nổ văng miệng” vua trị phèn, vua chống độc… Để giúp nông dân lựa chọn được đúng sản phẩm, thiết nghĩ trước hết nhà nước phải chuẩn hóa tên gọi và tiêu chuẩn phân lân.