Một trong những nội dung quan trọng, điểm nhấn của Festival trà Thái Nguyên – Việt Nam 2015 được nhiều người quan tâm là hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trà Thái Nguyên” vừa được tổ chức. Những tồn tại, hạn chế Báo cáo đề dẫn của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên - cơ quan chủ trì tổ chức hội thảo cho biết, với danh hiệu “Đệ nhất danh trà”, sản phẩm trà Thái Nguyên đã đạt kỷ lục Quốc tế “Top các đặc sản quà tặng có giá trị ở Châu Á”. Thái Nguyên có 20.800 ha chè, trong đó có trên 17.600 ha chè đã cho thu hoạch với năng suất bình quân 110 tạ/ha, sản lượng đạt 193.000 tấn. Mặc dù được coi là sản phẩm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế nhưng việc phát triển cây chè ở Thái Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là những diện tích sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt còn quá ít. Hiện toàn tỉnh mới có 350 ha chè được cấp chứng nhận VietGAP. Việc đầu tư phát triển cây chè, chế biến chè phần lớn vẫn là kinh tế hộ, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, chế biến. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chè chưa thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, do đó giá chè nguyên liệu xuất khẩu chỉ đạt từ 2,2 - 3,2 USD/kg. Đặc biệt các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, xúc tiến đầu tư còn hạn chế. Hiến kế Với việc gợi mở về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm chè Thái Nguyên, tham luận của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) chỉ ra rằng, sản lượng chè nội tiêu của Thái Nguyên chiếm 86,32%, còn lại 13,68% sản lượng dành cho xuất khẩu. Để đẩy mạnh tiêu thụ, nhiệm vụ trước mắt là phải quy hoạch lại vùng chè một cách khoa học. Thực hiện sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP, UTZ Certified, Organics hoặc Rainforest Alliance..
Qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu sống còn của việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhìn nhận từ mô hình tổ chức sản xuất, TS Nguyễn Hữu Tài (Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam) nhận xét, Thái Nguyên là tỉnh đứng đầu trong cả nước về diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm chè. "Nếu không tổ chức các nông hộ sản xuất, kinh doanh chè nhỏ lẻ vào HTX, không có doanh nghiệp chè thì không thể sản xuất chè hàng hóa với tư cách là thực phẩm an toàn và không thể phát triển bền vững được". - TS Nguyễn Hữu Tài (Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam) Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất và kinh doanh chè chủ yếu là theo nông hộ nhỏ lẻ đã và đang bộc lộ nhiều bất cập như trình độ chuyên môn hóa không cao, năng suất lao động thấp; sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm... Ông Tài cho rằng, Thái Nguyên phải mạnh dạn tạo cơ chế hình thành, xây dựng các mô hình HTX, doanh nghiệp chè. Tham luận nâng cao giá trị cho sản phẩm chè Thái Nguyên thông qua chuỗi giá trị gia tăng của bà Anje Regitz (chuyên gia, Giám đốc Dự án hỗ trợ phát triển HTX CHLB Đức tại Đông Nam Á) được nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao về các nội dung và gợi mở hướng đi. Theo đó, Việt Nam là một trong 5 nước xuất khẩu nhiều chè trên thế giới nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đứng khoảng thứ 10. Chè Thái Nguyên nói riêng (Việt Nam nói chung) được biết đến nhiều trên thế giới vì chè có giá rẻ chứ không phải là chè có chất lượng. Nói đến chất lượng không phải chỉ đòi hỏi chè phải ngon mà yêu cầu ngặt nghèo là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều quan trọng là những người trực tiếp làm chè lại được hưởng tỷ lệ rất thấp giá trị làm ra. Thực tế đó làm giảm động lực cải thiện ngành chè theo hướng gia tăng chất lượng. Nói cách khác, đa phần nông dân chưa tham gia hay tham gia chưa nhiều, chưa sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm chè. Từ đó, giá trị chè bị kéo xuống thấp gây thiệt hại cho quốc gia, cho ngành chè và trước tiên là cho người trực tiếp làm chè. Tham luận đã đưa ra các giải pháp: Trước hết, về quy hoạch chè phải theo hướng kiểm soát sản lượng để điều tiết cung cầu, tăng chất lượng sản phẩm; không nên bán sản phẩm thô, sản phẩm sơ chế, song hành với việc tăng chất lượng và thương hiệu chè phải bắt đầu từ nguyên liệu đầu vào của chè. Hai giải pháp nói trên sẽ tự nhiên đưa người trực tiếp làm chè tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm chè. Cuối cùng là hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp chè tự xây dựng các chuỗi giá trị gia tăng...