Tin Tức Nông Sản

Hành, tỏi Lý Sơn gặp khó vì khan hiếm đất badan

Thứ bảy, 11/10/2014 06:14 lượt xem: 714
Để có được củ hành, củ tỏi mang hương vị đặc trưng riêng có của đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đất đỏ badan không thể thiếu trong khâu canh tác hai loại cây trồng này. Tuy nhiên, hiện nay nguồn đất này trở nên khan hiếm khiến việc canh tác hành, tỏi của người dân nơi đây gặp vô vàn khó khăn.
Theo anh Nguyễn Văn Thạnh (thôn Đông, An Vĩnh), khoảng 5-7 năm trước, loại đất này không thiếu, chỉ cần lên các chân núi của huyện đảo lấy về trải một lớp dày dưới lớp cát biển để canh tác hành, tỏi. Nhưng vài năm gần đây chính quyền địa phương đã nghiêm cấm, nhằm tránh sạt lở tại các chân núi của huyện đảo. 

 

Ông Nguyễn Hoằng (thôn Đông, An Hải) than thở: “Chuẩn bị bắt tay vào cải tạo 3 sào đất để trồng tỏi rồi, nhưng giờ đất thịt mua không có, có cát trắng nhưng thiếu đất thịt thì năng suất cũng không đạt”. Theo ông Hoằng, vụ tỏi đông xuân tới gia đình ông sẽ cải tạo 3 sào đất, cần khoảng 30 khối đất thịt, nhưng hiện nay gia đình ông chỉ mua được chưa đầy 1 khối, tình thế này ông Hoằng đã tính đến chuyện tái sử dụng lại nguồn đất cũ để trồng tỏi, tuy phải đối mặt với nguy cơ giảm năng suất.
 
Để có được nguồn đất thịt canh tác, nhiều người dân trên đảo đã đào hầm ngay tại ruộng đất canh tác của mình, bất chấp những hệ lụy tương lai, dẫu biết rằng việc đào hầm lấy đất thịt như hiện nay giúp người dân tiết kiệm được không ít chi phí mua và vận chuyển. 
 
Riêng cánh đồng ruộng, cánh đồng trũng ở xã An Vĩnh có hơn 100ha đất canh tác hành, tỏi, nhưng hầu hết trên các diện tích này đều được người dân tận dụng đào hầm lấy đất thịt. Trung bình mỗi vụ tỏi, người dân đào 1 hầm rộng từ 3 - 4m2, sâu chừng 2m ngay chính ruộng canh tác của mình, việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kết cấu đất, trong tương lai không xa, kết cấu đất có nguy cơ sẽ bị phá hủy.
 
“Chúng tôi nghĩ là cần có phương pháp khác để thay thế phương pháp canh tác truyền thống này, đây là vấn đề khoa học, chúng tôi mong rằng có đề tài, khoa học sáng kiến nào đó mà có thể áp dụng để thay đổi phương thức canh tác thay cho phương thức cổ truyền và áp dụng khoa học công nghệ, để nâng cao năng suất hành, tỏi tốt hơn” - ông Phạm Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - nói.
 
Hiện cát biển đã hiếm, nay đất thịt càng khan hiếm hơn, bên cạnh phát triển ngư nghiệp thì hành và tỏi là nguồn thu nhập chính cho người dân đảo Lý Sơn. Huyện đảo đã có điện lưới quốc gia là điều kiện thuận lợi để người dân canh tác, nhưng để nâng cao giá trị canh tác cây hành, cây tỏi, huyện Lý Sơn cần sự hỗ trợ từ giải pháp và định hướng lâu dài từ những cơ quan chuyên môn.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện