Nhập viện vì tiêu chết
Trên nền đất ẩm ngổn ngang xác cây hồ tiêu, bà Nhữ Thị Doanh (trú tổ 3, thôn 2, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) đưa tay ngắt một chùm tiêu chi chít quả từ một gốc hồ tiêu bằng trụ bê tông cao vút và sum suê lá nhưng đã ngả vàng héo quắt. Lau những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt hốc hác, bà kể: “Năm 2000, giá cà phê xuống thấp nên chúng tôi chuyển sang trồng tiêu. Gia đình tôi trồng thử nghiệm 100 gốc hồ tiêu bằng trụ gỗ, lấy giống tại huyện Chư Sê. Sau một năm, cây hồ tiêu bén rễ và phát triển nhanh. Nhận thấy cây hồ tiêu hợp với thổ nhưỡng và cho thu nhập cao, tôi phá bỏ vườn cà phê để trồng tiêu. Đến nay, gia đình đã có 1.600 gốc hồ tiêu, trong đó có 1.300 gốc đã thu hoạch. Nhưng chỉ trong vòng 1 tháng, vườn tiêu gần 2 ha ồ ạt chết. Nhìn vườn hồ tiêu trị giá hàng trăm triệu đồng mất trắng trong chớp mắt, tôi đổ bệnh phải nằm viện điều trị. Mấy đứa con cũng chán nản không thiết làm việc. Nợ nần đầm đìa”.
Cách vườn hồ tiêu bà Doanh khoảng hai trăm mét là vườn hồ tiêu của ông Dương Văn Thanh. Hơn 1 ha hồ tiêu của ông Thanh cũng đã nhiễm bệnh, thiệt hại khoảng 800 triệu đồng. Đã hơn 10 năm trồng hồ tiêu, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến cảnh tiêu chết vì bệnh. “Cây hồ tiêu nhiễm bệnh thì chết rất nhanh. Tôi quan sát và nhận thấy cây tiêu chết vì hai loại bệnh: 1 loại là khi cây hồ tiêu đang xanh tốt bỗng nhiên rũ lá và chết; loại bệnh thứ 2 là cây hồ tiêu xuất hiện một vài chiếc lá có màu vàng, dưới gốc xì mủ có mùi hôi, các khớp héo và rụng… Trong khoảng 3 ngày kể từ khi phát bệnh thì cây hồ tiêu sẽ chết hoàn toàn. Tôi đã dùng các loại thuốc hóa học và chế phẩm sinh học nhưng không hiệu quả”-ông Thanh cho hay.
Ông Phạm Đình Huế-Trưởng thôn 2 (xã Ia Krái, huyện Ia Grai) cho biết: Cả thôn có 112 hộ dân, đa phần trồng hồ tiêu, hộ trồng ít nhất là khoảng 50 gốc, hộ trồng nhiều khoảng 2.000-3.000 gốc. Nguồn hồ tiêu giống được cung cấp từ các huyện Chư Sê, Chư Pưh… với các loại giống Vĩnh Linh, Lộc Ninh và Ấn Độ… Hiện có khoảng 6.000 gốc bị chết do nhiễm bệnh. Trưởng thôn Phạm Đình Huế có 1.200 gốc tiêu, trong đó có 800 trụ đang trong thời kỳ thu hoạch. Hiện tại, vườn tiêu của ông đã nhiễm bệnh và có 500 gốc tiêu bị chết. Bà Hồng (vợ ông Huế) than thở: “Chúng tôi đã mua hơn 20 triệu đồng tiền thuốc để cứu chữa nhưng không có thuốc đặc trị. Cứ đà này tiêu sẽ chết thêm nữa. Chúng tôi đã thiệt hại gần 500 triệu đồng”.
Ông Ksor Loan-Chủ tịch UBND xã Ia Krái xác nhận: Từ đầu tháng 9-2014, tại xã Ia Krái xuất hiện dịch bệnh gây hại cây tiêu. Đến nay, toàn xã có khoảng 8.000 gốc tiêu chết vì bệnh.
Giải pháp nào cứu cây tiêu?
Báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho thấy, toàn huyện hiện có hơn 380 ha hồ tiêu do người dân trồng tự phát. Xã Ia Krái có diện tích tiêu bị chết nhiều nhất huyện.
Trước tình trạng cây hồ tiêu nhiễm bệnh và chết ồ ạt, huyện đã tiến hành kiểm tra, thống kê và triển khai biện pháp phòng trừ. Qua kiểm tra đã phát hiện cây hồ tiêu mắc bệnh chết nhanh, chết chậm và úng nước. Nguyên nhân là do nguồn cung cấp cây giống hồ tiêu không đảm bảo. Nhiều loại giống đã nhiễm bệnh từ trước hoặc không hợp thổ nhưỡng. Trong quá trình canh tác, người dân không làm hệ thống thoát nước dẫn đến úng nước gây thối rễ. Mặt khác, trong quá trình làm cỏ, dọn vệ sinh vườn đã có những tác động tổn hại đến rễ và thân, do đó các loại nấm tấn công làm thối rễ…
Theo đó, Phòng đã khuyến cáo người dân không nên tự ý chặt bỏ cây trồng truyền thống để trồng hồ tiêu. Đối với những vườn tiêu chưa nhiễm bệnh cần tăng cường các biện pháp dọn vệ sinh, khử độc; hạn chế làm tổn thương rễ và thân. Với những vườn tiêu đã nhiễm bệnh phải mạnh dạn chặt bỏ, thu gom và đốt; không vội vàng trồng mới hồ tiêu trên vùng đất đã nhiễm bệnh, cần có thời gian để xử lý và làm vệ sinh đất.