Tin Tức Nông Sản

Ðể ngành hồ tiêu phát triển bền vững

Thứ sáu, 10/10/2014 03:54 lượt xem: 807
Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) Ðỗ Hà Nam cho biết: "Những năm gần đây hồ tiêu Việt Nam không chỉ mở rộng tiêu thụ trong nước còn xuất khẩu sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chất lượng hồ tiêu ngày càng được nâng cao gắn liền với đời sống nông dân vùng trồng tiêu ngày càng ổn định". Năng suất, chất lượng cao

Ðưa đoàn khảo sát doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh vào các hộ trồng tiêu ở huyện Chư Sê, vùng chuyên canh lớn trồng hồ tiêu ở tỉnh Gia Lai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê Hoàng Quốc Bình vui vẻ cho biết: 'Nhờ hồ tiêu, đời sống bà con nhất là người dân tộc đã khá hơn trước. Năm nay do thời tiết mưa nhiều cho nên diện tích trồng có giảm song nhờ năng suất cao, cho nên sản lượng có thể cao hơn năm 2011'. Ở Chư Sê gần như nhà nào cũng trồng tiêu, nghèo thì vài chục, trường vốn thì vài trăm đến vài nghìn cây. Hồ tiêu trồng bốn năm mới thu hoạch, tuổi thọ cây kéo dài từ 10 đến 15 năm. Ở Việt Nam do điều kiện khí hậu và đất đai hết sức phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây tiêu trong đó, Tây Nguyên là nơi có năng suất hồ tiêu cao nhất nước đạt 31,3 tạ/ha/vụ, đặc biệt tại tỉnh Gia Lai nhờ ứng dụng KHKT, có đầu tư, chăm sóc cho nên năng suất đạt 45,2 tạ/ha/vụ cao hơn 82,3% năng suất bình quân cả nước. Ông Nguyễn Văn Quéo, một hộ nông dân trồng tiêu giỏi ở Gia Lai có chín ha tiêu, năng suất đạt 10 tấn/ha/vụ cao nhất nước 'bật mí': 'Phải có con giống tốt, chịu đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, ứng dụng KHKT bài bản mới có thu hoạch cao'. Số hộ có năng suất cao như ông Quéo không nhiều, đa số đạt từ năm đến bảy tấn/ha/vụ với giá tiêu mua vào dao động từ 115 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí ban đầu, nhiều hộ nông dân trồng tiêu ở Gia Lai có lãi từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng. Phó Chủ tịch huyện Chư Sê Lê Ðình Huấn cũng cho biết: 'Nhờ sản xuất, chế biến xuất khẩu tiêu phát triển cho nên năm 2011, huyện có 300 tỷ đồng tiền thuế để đầu tư, xây dựng, phát triển huyện'.

Cũng theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong 39 nước sản xuất hồ tiêu trên thế giới, Việt Nam là một trong bốn nước có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất (sau Ấn Ðộ, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a) đồng thời là nhà cung ứng hồ tiêu lớn nhất thế giới với sản lượng 110 nghìn tấn tiêu, năm 2011 nhờ Ðảng, Chính phủ quan tâm, ban hành các chính sách kinh tế khuyến khích nông dân làm giàu, nhiều hộ nông dân trồng tiêu ở các tỉnh dùng vốn nhàn rỗi, vốn vay ngân hàng đầu tư, ứng dụng KHKT cộng với khí hậu thiên nhiên ưu đãi, lại một nắng hai sương, vất vả đưa năng suất bình quân đạt bốn đến năm tấn/ha/vụ, gấp hơn hai lần năng suất hồ tiêu thế giới.

 

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Sản lượng hồ tiêu Việt Nam luôn ở mức cao, chiếm 1/3 sản lượng hồ tiêu thế giới và chiếm 50% sản lượng giao dịch thế giới, hồ tiêu Việt Nam là một trong những nông sản bước đầu làm chủ thị trường giá cả trong và ngoài nước. Các hộ nông dân trồng tiêu ở huyện Chư Sê, Chư Pạ, Chư Pưh (Gia Lai) cho biết: Ba năm trở lại đây nhất là năm 2011 đến nay giá tiêu khá cao, tiêu đen nội địa có thời điểm lên 152 nghìn đồng đến 153 nghìn đồng/kg, tiêu trắng lên đến 200 nghìn đồng/kg bám sát mặt bằng giá thế giới, cho nên thu nhập của người trồng tiêu trong đó các hộ kinh doanh và các DN vốn lớn 'chịu' trữ hàng đầu vụ, bán ra thời điểm giá cao cho nên đạt lợi nhuận lớn. Hiện, giá tiêu đang ở mức 120 nghìn đồng/kg cho nên nhiều hộ nông dân trữ hàng, chờ mức giá cao mới bán. Theo Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Ðỗ Hà Nam: 'Thời gian gần đây tuy lưu thông mua bán giá tiêu trong nước có biến động nhẹ nhưng nhìn chung nhiều bà con trồng tiêu, thương lái, đại lý, DN cung ứng đã làm chủ hàng hóa, bình tĩnh không bán tháo khi giá tăng hoặc giảm đã chủ động điều phối thị trường, bình ổn giá cả ít bị lệ thuộc, chi phối bởi các nhà xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế'. Chất lượng hồ tiêu xuất khẩu ngày càng cải thiện, tiêu chất lượng cao chiếm 30%, tiêu trắng chiếm từ 10 đến 15% sản lượng xuất khẩu. 95% sản lượng tiêu sản xuất dành cho xuất khẩu. Do giá trị ứng dụng của hạt tiêu lớn: có thể làm ra hơn 100 sản phẩm từ tiêu trong đó có nước hoa, mỹ phẩm...  Nhu cầu sử dụng của các nước nhất là các nước Trung Ðông, Mỹ, châu Âu, châu Á... ngày càng tăng. Cả nước hiện có gần 200 DN thu mua, chế biến và xuất khẩu hồ tiêu. Có 60 DN tham gia chế biến xuất khẩu hồ tiêu trực tiếp trong đó có 13 DN nước ngoài như Mỹ, Hà Lan, Xin-ga-po đầu tư xây dựng nhà máy trực tiếp sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.

Cần những giải pháp lâu dài

Ðến nay, vị thế quốc gia của mặt hàng hồ tiêu Việt Nam đã được khẳng định trên thị trường quốc tế. Năm 2011 chỉ với trên dưới 50 nghìn ha trồng tiêu xuất khẩu đã mang về cho Việt Nam hơn 800 triệu USD. Năm 2012, dự đoán kim ngạch xuất khẩu có thể đạt tương đương năm 2011 hoặc xấp xỉ một tỷ USD. Bảy tháng đầu năm 2012 xuất khẩu hồ tiêu đạt 80 nghìn tấn, giá trị kim ngạch đạt 546 triệu USD, giảm 3,2 % so cùng kỳ năm trước về lượng, nhưng giá trị tăng 20,3%. Giá tiêu xuất khẩu bình quân sáu tháng đầu năm 2012 đạt 6.814 USD/tấn, tăng 26,4% so cùng kỳ năm trước. Hàng chục nghìn nông dân trồng tiêu trong đó có nhiều đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên thoát nghèo, tiến tới làm ăn sung túc ổn định.

Tuy nhiên, do ngành hồ tiêu mang đến nguồn thu nhập cao cho người trồng tiêu cho nên diện tích tiêu ở nhiều địa phương không ngừng mở rộng. Nhiều vườn tiêu mới được trồng ở những nơi điều kiện sinh thái, đất đai chưa phù hợp, việc đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Ðã xuất hiện hiện tượng cây tiêu chết hàng loạt trong khi việc sản xuất giống chủ yếu do các cơ sở nhỏ lẻ cung cấp hoặc người sản xuất tự nhân giống. Chưa hình thành được hệ thống sản xuất giống hồ tiêu ở các vùng tiêu trọng điểm dẫn đến năng suất bình quân 10 năm gần đây không tăng, trong khi cây tiêu cần nhiều vốn, suất đầu tư trồng mới một ha tiêu gấp tám, chín lần cây cao-su; ba, bốn lần cây cà-phê cho nên không dễ trồng. Việc mở rộng trồng tiêu thiếu định hướng làm phá vỡ cơ cấu cây trồng trong từng vùng. Tại nhiều địa phương thuộc các tỉnh Tây Nguyên việc đốn chặt hàng loạt vườn cà-phê, điều, cao-su... để trồng tiêu hiện đang diễn ra khá mạnh và vẫn đang tiếp diễn.  Xuất khẩu hồ tiêu hiện vẫn ở dạng thô trong khi các nước có truyền thống xuất khẩu tiêu đã chuyển sang các sản phẩm  chế biến với chất lượng cao và được tổ chức chặt chẽ trong xuất khẩu trong khi ở nước ta có quá nhiều DN xuất tiêu, dễ dẫn đến cạnh tranh ép giá lẫn nhau.

Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Hiệp hội tiêu Phú Quốc, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thành lập phân viện nghiên cứu, chuyển giao, bán sản phẩm, sáng chế... áp dụng cho ngành hồ tiêu đồng thời tiến hành rà soát lại quy hoạch, đề ra chỉ tiêu phát triển cây hồ tiêu trong năm đến mười năm tới, có so sánh lợi thế và xu hướng phát triển của các cây khác, giúp cây hồ tiêu cũng như các cây công nghiệp khác phát triển bền vững. Nông dân vùng trồng tiêu mong muốn tiếp cận, học tập trồng tiêu đúng kỹ thuật tiên tiến nhất.

Ðề nghị Bộ Công thương hỗ trợ ngành hàng trong công tác xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, trong xây dựng và quảng bá thương hiệu hồ tiêu các tỉnh và thương hiệu hồ tiêu quốc gia trên thế giới nhằm tăng giá trị và kim ngạch hồ tiêu.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện