Phóng sự- ký sự

Đời thực ở lòng hồ Thác Mơ

Chủ nhật, 29/12/2013 08:48 lượt xem: 1351
Những ước mơ nhỏ nhoi và đơn giản. Người lớn mơ ngày nào cũng được dăm ký cá, tôm. Trẻ con mơ cuốn truyện tranh, mơ được tới trường. Người già mơ có mảnh đất, không đủ để cất nhà cũng đủ để họ an nghỉ sau một đời lênh đênh trên sóng nước.

Hồ thủy điện Thác Mơ (tỉnh Bình Phước) chênh vênh giữa những cánh rừng thượng nguồn sông Bé. Nơi đây, hàng trăm hộ gia đình sống tập trung ở thôn Bình Đức 1 (xã Đức Hạnh, Bù Gia Mập) ngày ngày vất vả mưu sinh.

Trôi nổi đời thực

Trò chuyện cùng anh Nguyễn Văn Phan, 43 tuổi, một cư dân nhiều năm ở lòng hồ này, chúng tôi được biết, gia đình anh sinh sống bên kia hồ, gần trại cai nghiện Bình Đức; nhưng hằng ngày, anh cùng vợ ra đây, đi ghe quanh lòng hồ, tới các khu vực đảo Ông, đảo Bát để đánh bắt cá, tôm. Phương tiện đơn giản là một chiếc ghe nhỏ có gắn máy đuôi tôm, công suất dăm mã lực và lưới tơ mành dùng để giăng cá. Anh Phan bảo: "Vợ chồng mình làm nghề cá ở lòng hồ 14 năm rồi, ngay từ khi đứa con gái lớn mới tròn một tuổi. Cứ khoảng 5 giờ sáng là vợ chồng tôi lên ghe, giăng lưới một vòng, đến lúc lưng lửng mặt trời là chạy về đây bán cá, rồi gửi ghe lại ven bờ, về nhà. Mỗi ngày trung bình được 6 - 8 kg cá, chủ yếu cá cơm, cá tạp với rô phi. Với giá bán tại đây 18.000 - 20.000 đồng/kg, trừ tiền dầu, còn dư hơn 100.000 đồng để nuôi con. Tuy nhiên, khi mùa mưa đến như hiện nay, hồ Thác Mơ vào giai đoạn tích nước, diện tích lòng hồ rộng gần gấp đôi mà lượng cá tôm vẫn thế, khiến cuộc mưu sinh nơi đây khó khăn hơn nhiều. Chị Ái, vợ anh Phan rầu rĩ: "Trước, mỗi ngày vợ chồng tôi còn kiếm được trăm ngàn, chứ nay, có hôm chạy không đủ tiền dầu, bởi phần lớn tôm cá đều ngược lên thượng nguồn hoặc xuôi về hạ lưu. Nhưng ở nhà không biết làm gì, lại không có tiền nuôi con".

Đập tràn hồ thủy điện Thác Mơ

Hầu như tất cả gần 100 hộ dân nơi đây đều trong tình cảnh tương tự. Ông Năm Thiện, Trưởng thôn Bình Đức 1 cho biết: Vùng hồ Thác Mơ là một địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng đời sống người dân, nhất là dân chài, ở đây rất khó khăn. Mùa mưa càng khó khăn hơn, vì lượng thủy sản khai thác được giảm nhiều. Lúc đó, đàn ông lênh đênh kiếm ăn phập phù; đàn bà, con nít có khi dắt díu nhau xuống thị xã Phước Long bán vé số qua ngày, kiếm tiền mua gạo. Nỗi khổ nữa là dân chài ở đây đều là dân nhập cư, sống tạm bợ trên những chiếc lồng bè nên mùa mưa bị gió, lốc quật tơi tả. Nhiều nhà dột tứ tung nhưng cũng không có tiền sửa, rất tội. Vừa nghe ông Thiện nói, tôi vừa nhìn ra mặt hồ mênh mang gợn những con sóng, xa xa là đỉnh núi Bà Rá nổi tiếng mà bất giác thở dài. Ông Thiện bảo, ở đây đa phần là dân tứ xứ, đến hồ Thác Mơ tìm kế sinh nhai nên chính quyền địa phương khó giải quyết chế độ cho họ. Họ chủ yếu là ngư dân miền Tây, lưu lạc qua nhiều vùng sông ngòi, có khi sang cả Biển Hồ (Tonlé Sap Campuchia), khi cụt đường mới về đây định cư. Họ hầu hết đều không có chứng minh thư, không có hộ khẩu, ruộng đất hay tài sản gì đáng giá ngoài con thuyền neo trên lòng hồ, vừa là nơi ở vừa là để kiếm sống.

 

Mơ giữa Thác Mơ

Những mảnh đời ở Thác Mơ

Nghèo đói đi liền với thất học. Cái công thức buồn bã ấy dường như đã gắn với bao lứa trẻ em thôn Bình Đức 1 này rồi. Các em, đa phần chỉ học hết tiểu học rồi nghỉ ở nhà, phần vì giúp cha mẹ làm việc, phần nữa vì không có tiền, phần lại vì trường học ở xa mà lại phải có thêm nhiều loại giấy tờ thủ tục khiến cha mẹ đành ngậm ngùi cho con nghỉ học. Em Nguyễn Thị An, 14 tuổi, cho biết: "Hồi lâu lâu con có được đi học nửa năm với các bạn ở dưới thôn; nhưng sau đận Tết, ba mẹ bảo nhà xa nên nghỉ, khi nào rảnh thì mới cho đi học tiếp. Sách vở con vẫn giữ lại, cất trong khoang kia, nhưng ba cứ hẹn sang năm hoài mà chưa cho con đi học lại. Bây giờ các bạn học hết rồi cũng nên, mà con thì chẳng biết bao giờ mới được đến lớp nữa". Nghe cô bé nói, tôi thấy hai khóe mắt cay cay. Nhìn sang bên, thấy ông Năm, ông nội của An cũng ầng ậng nước mắt. Lão ngư ngoại lục tuần này bảo: "Bố mẹ nó suốt ngày lênh đênh trên hồ mà vẫn không đủ nuôi cả nhà thì lấy tiền đâu cho nó học. Trước đây tôi cũng thương, phụ tụi nó đặt lờ cua, tôm càng ven bờ; nhưng từ hồi bị thấp khớp gối, không chạy ghe được nữa. Ở nhà, nhìn con An với thằng Lẫm em nó đang tuổi đến trường mà không được đi học, xót lòng lắm nhưng chẳng biết làm sao. Ngày bé, tôi theo cha mẹ lênh đênh khắp miệt sông hồ, có biết chữ nào đâu mà giờ dạy cho các cháu được. Trước, nhà có cái xe máy thì còn đưa chúng đi học được, chứ hồi bão năm kia, nhà bè chìm xuống hồ, xe mất thì bây giờ làm gì có phương tiện mà đưa chúng tới trường...

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện