Tin Tức Nông Sản

Đối phó với nông sản " bẩn "

Thứ năm, 26/12/2013 11:03 lượt xem: 898
Cuối năm là dịp để “thượng vàng hạ cám” các loại nông sản, thực phẩm "bẩn" từ nước ngoài - đặc biệt là từ Trung Quốc (TQ) tràn vào Việt Nam. Người dân từ thành thị tới nông thôn lại bắt đầu lo ngay ngáy khi mua hàng hóa mà không rõ hàng sạch hay “bẩn”...
Rau củ Trung Quốc “át” rau củ nội
 
Chợ Long Biên (Hà Nội) những ngày này bắt đầu nhộn nhịp hơn một chút, vì các chủ mối hàng đang lo nhập các mặt hàng nông sản phục vụ Tết. Đây cũng là một trong những chợ đầu mối nông sản lớn nhất Hà Nội từ lâu đã trở thành chợ tập kết nông sản, thực phẩm TQ. Có mặt tại đây, chúng tôi không quá khó để tìm được hàng của TQ. Chị Nguyễn Thị Hà- chủ một cửa hàng chuyên đánh đồ TQ cho biết, rau, củ quả TQ ngập tràn trong chợ vì hình thức bắt mắt hơn hẳn rau củ quả trong nước. Từ nhánh tỏi, củ gừng cũng to và bóng hơn, đến hoa quả thì căng mọng, tươi rói... 
 
Một điểm buôn bán nông sản Trung Quốc tại chợ đầu mối Long Biên.
 
Không chỉ bắt mắt về hình thức, so với nông sản trong nước, giá rau củ TQ rẻ hơn nên khắp chợ đâu cũng thấy tiểu thương bán hàng TQ. Chị Lê Thị Mai - tiểu thương chuyên chạy chợ “cóc” đang lúi húi chọn khoai tây, cà rốt… ở đây cho hay: “Tâm lý của người tiêu dùng nước mình vẫn thích hàng hóa phải đẹp, bắt mắt một chút, nhưng giá phải rẻ. Vì thế, hầu như ngày nào tôi cũng sang đây lấy hàng”. Khi được chúng tôi hỏi, chị có biết hàng TQ khó kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP), chị Mai chỉ nói: “Mình cũng chỉ đi lấy lại hàng của chủ khác thôi, chứ có biết nó độc hay bẩn thế nào đâu”.
 
Theo nhận định của Ban quản lý chợ Long Biên, dù còn hơn tháng rưỡi nữa mới đến Tết, song từ bây giờ, hàng nông sản nhập khẩu sẽ tăng mạnh, chủ yếu là từ TQ vào VN, trong đó không loại trừ việc lợi dụng tâm lý ham hàng rẻ, nhiều đối tượng đã tuồn nông sản kém chất lượng vào VN. Ông Chu Mạnh Hà- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (tỉnh Lạng Sơn) cho biết: “Phần lớn nông sản kém chất lượng, dư thừa hóa chất độc hại được chở từ các tỉnh của nước bạn ra biên giới và bán với bất kể giá nào. Nhiều xe hàng kém chất lượng bị nước bạn cấm sử dụng thì cư dân biên giới đã mua lại với giá rất rẻ để mang vào nội địa tiêu thụ”. 
 
Phải siết từ biên giới
 
Một thực tế hiện nay là, các trạm kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu, sân bay hay bến cảng, lực lượng kiểm định từ con người cho đến máy móc đều chưa đủ khả năng và trình độ để giám sát theo từng lô hàng nông sản, thực phẩm TQ nhập vào VN. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đã từng thừa nhận việc kiểm tra ATTP nông sản vẫn dựa vào cảm tính, cảm quan. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường mới lấy mẫu gửi về Hà Nội và TP.HCM để kiểm tra. 
 
Theo thống kê của Bộ Công Thương, các mặt hàng rau củ nhập khẩu của VN có nguồn gốc từ TQ chiếm hơn 50% tổng lượng rau quả nhập từ các thị trường. 
 
Trong khi đó, Thông tư 13 về kiểm soát ATTP nông sản nhập khẩu đã có hiệu lực từ hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, các chính sách cũng như máy móc, thiết bị, con người chưa thể đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát ATTP nông sản nhập khẩu. 
 
Theo nhận định của Cục Bảo vệ thực vật, một ngày ở các tỉnh biên giới giáp TQ có hàng trăm tấn nông sản, thực phẩm nhập khẩu, việc lấy một vài mẫu ra phân tích, xét nghiệm không thể kiểm soát được hết. Lực lượng quản lý thị trường cũng chỉ rõ, một trong những thủ đoạn gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra là trà trộn hàng lậu vào hàng có hóa đơn chứng từ. Một số đối tượng khác lại sử dụng hóa đơn bán hàng thông thường của cơ quan thuế cấp, sang VN viết hóa đơn lập bảng kê thu của cư dân biên giới, bán cho dân bản địa. 
 
Trước sự việc thực phẩm TQ vào nước ta ngày càng nhiều mà thiếu sự kiểm soát nên tiềm ẩn những nguy hại khó lường, VN đã nâng kiểm soát từ 25 lên gần 30 hoạt chất có nguy cơ trên hàng nông sản từ TQ để kiểm tra. Bà Nguyễn Việt Chi- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đang phối hợp với các Bộ, ngành chuyên môn tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, hàng rào kỹ thuật với nhóm hàng nhập khẩu như máy móc, thiết bị, rau củ... ngay từ biên giới.
 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện