Nhưng thành quả này vẫn không phải tốt nhất do nhiều yếu tố chủ quan chưa khắc phục được, trong khi trước mắt là những hiệp định thương mại đã được ký, Cộng đồng kinh tế ASEAN sắp khởi động vào cuối năm và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vừa kết thúc đàm phán, mở ra một thời cơ mới cho xuất khẩu của chúng ta với tư cách một quốc gia thành viên.
Tiềm năng đáng kể
Thông tin từ Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay thời gian tới, nhiều loại trái cây Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc… với quy mô lớn, khi mà các quy trình kỹ thuật song phương đã được hoàn tất.
Thật ra chương trình xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính đã được triển khai từ nhiều năm nay, như thanh long vào được thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc; chôm chôm, nhãn xuất sang Mỹ; xoài xuất sang Hàn Quốc và New Zealand. Trái vải cũng đã được xuất sang Mỹ, Úc vào tháng 6 vừa qua với số lượng đáng kể và đang xúc tiến để đưa xoài, vú sữa, măng cụt vào các thị trường này.
Năm 2013 trái cây xuất khẩu sang các thị trường khó tính được hơn 2.614 tấn, đến năm 2014 tăng lên hơn3.662 tấn và 4 tháng đầu năm 2015 đã xuất được gần 1.559 tấn các loại.
Đơn cử như thị trường Mỹ, dù mới mở cửa từ cuối năm 2014 nhưng tính đến ngày 15/4/2015 đã có 2 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nhãn với số lượng 51 tấn, chủ yếu bằng đường hàng không và một số nhỏ bằng đường biển.
Việc mở rộng thêm không gian xuất khẩu như vừa nói sẽ giúp giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam nhờ ưu thế về địa lý và kim ngạch xuất khẩu tăng đều trong nhiều năm qua.
Một dẫn chứng cụ thể, cả năm 2014 Việt Nam xuất khẩu được 700.000 tấn thanh long, nhưng chỉ riêng 8 thángđầu năm 2015 đã xuất được cùng số lượng như vậy sang thị trường Trung Quốc.
Việc các nước khó tính mở cửa thị trường cho một số trái cây Việt Nam trước mắt cho thấy nông sản Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật của các quốc gia này. Tuy nhiên, việc trái cây có trụ được lâu dài tại các thị trường ấy hay không thì lại là một, liên quan đến kỹ năng thương mại, marketing, quảng bá… trong tình hình chúng ta phải cạnh tranh gay gắt ở thị trường mới.
Ta làm, người khác hưởng
Ghi nhận của một số thương nhân Việt Nam qua nhiều chuyến đi nghiên cứu thực tế cho thấy, tại một siêu thị khá sôi động ở California (Mỹ), các sản phẩm nước ngoài bày bán ở đây chủ yếu là hoa quả, gạo hầu hết đều xuất xứ từ Mexico, Thái Lan, trong đó có cả trái cây Việt Nam, nhưng lại mang nhãn hiệu và đóng gói tại... Trung Quốc.
Chẳng hạn trái nhãn tươi tại đây giá 6,99 USD/pound (tính ra là hơn 15 USD, tương đương 330.000 đồng/kg). Loại nhãn này được bán tại cửa khẩu của chúng ta, như Tân Thanh (Lạng Sơn) ở mức khoảng 30.000 đồng/kg, sau đó đi đường vòng sang Trung Quốc trước khi được xuất khẩu, tức chưa đến 10% mức giá khi đến tay người tiêu dùng Mỹ.
Tại một số cửa hàng ở New York có khá nhiều quả mận ghi nguồn gốc Việt Nam nhưng chủ hàng cho biết nhập từ Thái Lan, Trung Quốc. Ngay cả thanh long được xuất khẩu thẳng sang Mỹ khá nhiều, nhưng theo một chủ doanh nghiệp Việt kiều chuyên phân phối hàng nông sản, hoa quả vào chuỗi khách sạn ở San Francisco, thì hầu hết đều nhập từ Trung Quốc, lý do đơn giản là hàng được bảo quản tốt hơn và vận chuyển nhanh hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 Việt Nam vẫn xuất khẩu tới 80% sản lượng thanh long sang Trung Quốc, chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Từ đó, thanh long được xử lý nhanh (bằng chiếu xạ) để kéo dài tuổi thọ rồi lại tiếp tục lên tàu sang Mỹ và nhiều thị trường khác.
Ai cũng biết với công nghệ bảo quản hiện đại, loại trái cây này có thể duy trì chất lượng tốt trong vòng 30 - 35 ngày. Đó là lý do thương nhân Trung Quốc thường đến nhiều vùng chuyên trồng thanh long của Việt Nam để mua trực tiếp hoặc cử đại lý thu mua, xử lý ngay, vận chuyển nhanh và rút ngắn thời gian giao hàng đến nhiều thị trường trên thế giới.
Tất nhiên thương nhân Trung Quốc lấy công làm lời, nhưng tại sao chúng ta lại không làm được? Đây là vấn đề cần đặt ra một cách nghiêm túc. Với các loại hoa quả, nếu không đầu tư công nghệ bảo quản và chế biến thì suốt đời nông dân và thương buôn chúng ta chỉ vất vả đổ mồ hôi cho người khác hưởng thành quả.
Theo Bộ Công thương, trong 10 thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu, chiếm 28,6% thị phần, tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ nhưng với thị phần rất nhỏ lần lượt là4,74%, 3,76% và 3,44%.
Theo nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri), năm 2011 Mỹ nhập khẩu trái cây khoảng 10,92 tỷ USDvới các chủng loại trái cây chủ yếu là chuối (21,3%), nho (11,3%) và các loại trái cây nhiệt đới (35,2%) như dứa, xoài, đu đủ, bơ, ổi, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, thanh long…
Thông tin này gợi mở cho chúng ta một hướng đi mới. Nếu xây dựng được một chiến lược lâu dài về cây ăn trái thì Việt Nam với ưu thế về khí hậu và thổ nhưỡng, có thể trở thành một “vương quốc” trái cây nhiệt đới, nhiều khả năng thu hút vốn và công nghệ từ nước ngoài.
Cần tập trung đầu tư cho vùng trọng điểm cây ăn trái
Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vùng trọng điểm cây ăn trái của nước ta với gần 300.000ha cây ăn trái các loại, sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 38% về diện tích và 44% về sản lượng của cả nước.
Tại đây đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản với những thương hiệu nổi tiếng: bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), bưởi da xanh (Bến Tre), quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), thanh long (Tiền Giang, Long An)…
Hiện trái cây Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó thanh long là loại trái cây xuất khẩu chủ lực chiếm trên 40% tổng kim ngạch.
Chỉ riêng Đồng bằng sông Cửu Long, trong 7 tháng đầu năm 2015 đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trên 160.000 tấn trái cây đặc sản, giá trị xuất khẩu đạt 1,001 tỷ USD. Có lẽ đây là lần đầu tiên trái cây vùng này đạt được kim ngạch xuất khẩu cao như vậy.
Xuất khẩu trái cây tươi trên thế giới có xu hướng tăng với tốc độ bình quân 5,4%/năm và Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước cơ hội lớn để gia nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường toàn cầu.
Trong một hội nghị về nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long mới đây, các chuyên gia cũng như nhà vườn cho rằng xuất khẩu trái cây tăng là điều đáng mừng, nhưng so với tiềm năng thì vẫn chưa tương xứng.
Điểm yếu của ngành trái cây thời gian qua là doanh nghiệp chưa liên kết chặt với nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ, để sản xuất theo tiêu chuẩn GAP được thị trường thế giới chấp nhận, đồng thời xây dựng chiến lược tiêu thụ sản phẩm, rút ngắn thời gian giữa sản xuất và tiêu thụ, loại hẳn trung gian thương lái chạy hàng ép giá nông dân.
Cây ăn trái đang gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất - tiêu thụ với nhiều loại bệnh xuất hiện khiến một số nhà vườn thất thu tiền tỷ. Đây là vấn đề nan giải, không chỉ đối với nông dân mà là của cả cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, nhà khoa học…
Ngoài ra, để thâm nhập vào các thị trường khó tính, trái cây Việt Nam phải trải qua nhiều quy định bắt buộc theo tiêu chuẩn GlobalGAP, trong khi hiện nay chúng ta vẫn chưa đầu tư đúng mức cho kho lạnh có thể bảo quản số lượng lớn trái cây trong một thời gian dài, trong khi ai cũng biết xuất khẩu trái cây gắn liền với công nghiệp lạnh.
Chúng ta chỉ mới xây dựng được hai trung tâm chiếu xạ tại TP.HCM là chưa đủ cho nhiều vùng chuyên canh trái cây, trong đó có trái vải ở phía Bắc, trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội chưa đủ tiêu chuẩn đang cần sớm nâng cấp.
Trong khi đó chính sách tài chính, ngân hàng vẫn chưa đến với người làm ra nông sản mà chỉ mới đến với người kinh doanh. Trường hợp Ngân hàng Liên Việt đến với cây mắc-ca hay Tập đoàn Vingroup tham gia sản xuất rau quả chất lượng cao là quá hiếm và cần được khen ngợi.