Tin Tức Nông Sản

Chính sách “tam nông” đang giúp bộ mặt nông thôn đổi mới

Thứ tư, 25/12/2013 09:37 lượt xem: 1088
Sáng nay (25/12), tại Bộ NN-PTNT, hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TW7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cùng chủ trì hội nghị.

Nghị quyết đi vào cuộc sống

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết TW7 về “tam nông”, bộ mặt nông thôn đã từng ngày đổi mới. Nền nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa với năng suất và chất lượng ngày càng cao, đáp ứng dồi dào nhu cầu trong nước với dân số mỗi năm tăng gần 1 triệu người có sức mua ngày càng tăng.

XK tăng mạnh, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có vị thế ngày càng cao trên thị trường thế giới. Trong giai đoạn 2009 - 2013, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,9%/năm; tổng kim ngạch XK tăng bình quân 15,2%/năm (năm 2013 dự kiến đạt gần 28 tỷ USD).

Về xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn gắn với phát triển các đô thị, Bộ trưởng cho rằng, việc cây dựng NTM đã trở thành phong trào mạnh mẽ, lan rộng khắp cả nước. Qua 3 năm chương trình được triển khai đã góp phần làm thay đổi diện mạo, cải thiện điều kiện sống của dân cư ở nhiều vùng nông thôn.


Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi đã thay đổi thực sự nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, đến nay đã có 93% tổng số xã hoàn thành quy hoạch, gần 80% số xã lập đề án xây dựng NTM.

Các địa phương đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động lồng ghép các nguồn lực, kết hợp vận động sự đóng góp của nhân dân tạo hiệu quả thiết thực.

 

Sau 3 năm, chương trình NTM đã huy động được hơn 105 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách TW hỗ trợ gần 5 nghìn tỷ, ngân sách địa phương và lồng ghép 30,6 nghìn tỷ đồng, còn lại là người dân đóng góp thực hiện.

Tính đến hết tháng 9/2013, bình quân mỗi xã đạt 7,87 tiêu chí, đã có 463 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 2.400 xã đạt 10 đến 14 tiêu chí.

 

Trong 5 năm, Nhà nước đã luôn quan tâm đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi. Tổng năng lực tưới của toàn hệ thống tăng 70 nghìn ha so với năm 2008, đảm bảo tưới chủ động cho gần 7 triệu ha lúa, đạt 90%.

Giao thông nông thôn cũng có sự đột phá với hơn 15 nghìn km đường mở mới, gần 75 nghìn km đường được nâng cấp, sửa chữa, 98% số xã có đường ô tô đến trung tâm.

Về xã hội, hệ thống giáo dục từng bước được xây dựng và xã hội hóa. Quy mô, mạng lưới trường, lớp ở vùng nông thôn tiếp tục tăng lên. Trạm y tế trên cả nước cũng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; tỷ lệ dân số được dùng nước sạch tăng thêm 12%, đạt 82% vào năm 2012.


Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại hội nghị.

“Một trong những mặt được nhất của Nghị quyết TW7 về tam nông là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đến hết năm 2013, tỷ lệ này ở nông thôn ước là 12,6%, giảm bình quân 2%/năm so với năm 2008. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đã đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, gấp 2,18 lần so với năm 2008. Nếu loại trừ yếu tố trượt giá thì thu nhập của người dân tăng đến 36% năm 2008. Điều này chứng tỏ Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Tốc độ tăng trưởng khu vực tam nông đang chậm lại

Tuy đã đạt được nhiều kết quả, song người đứng đầu ngành nông nghiệp thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn nhiều tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng của nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục có xu hướng chậm lại. Nông nghiệp chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp, ATVSTP vẫn còn là vấn đề nhức nhối.

“Đồng thời, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn còn thấp, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền tiếp tục doãng ra. Lao động nông thôn chậm được đào tạo, tỷ lệ thiếu việc làm còn cao”, Bộ trưởng thẳng thắn.


Nhiều địa phương đang cần vốn để đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn.

Ngoài ra, cũng theo Bộ trưởng, nông dân nhiều nơi vẫn chưa thực sự phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Cơ sở hạ tầng, nhất là vùng miền núi, còn yếu kém, bất cập. Các mục tiêu về xây dựng NTM tới năm 2020 khó đạt, nếu không có sự hỗ trợ mạnh về chính sách và nguồn lực…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao sự cố gắng của các cấp, từ xã, huyện, tỉnh, đến Trung ương và các ngành. Từ đó rút ra được những vấn đề quan trọng nhất thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

“Nông nghiệp là một mặt trận, là ngành chúng ta phải phát triển toàn diện trên phạm vi cả nước. Thứ hai, phải HĐH nền nông nghiệp và CNH-HĐH trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, rất cần phải đưa khoa học kỹ thuật, đưa cây giống mới, con giống mới vào sản xuất, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm…”, Chủ tịch Quốc hội nói.

 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nông nghiệp phải là bà đỡ của nền kinh tế. Các cụ xưa vẫn thường nhắc phi nông bất ổn. Nhưng có những địa phương chỉ nặng về phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là quan điểm sai lầm!

“Trong nghị quyết đã chỉ ra rằng: Muốn làm CNH – HĐH thì việc phải làm đầu tiên là đi lên từ nông nghiệp, rồi từ nông nghiệp mà lan tỏa ra các lĩnh vực khác. Do đó phải xây dựng một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh, một nền nông nghiệp hiệu quả”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

 

Viện dẫn, Chủ tịch cho rằng, có những vùng trồng lúa, trồng rau năng suất cao từ đó giá trị kinh tế lớn lớn do tổ chức sản xuất tốt. Trong khi đó, một số địa phương, các KCN, cụm CN bỏ hoang, lấy nhiều đất, làm sao hiệu quả bằng nông nghiệp?

Do đó, theo Chủ tịch, cần phải tập trung vào cơ sở hạ tầng, đồng thời tập trung nâng cao đời sống cho nhân dân cả về vật chất và tinh thần. Nông nghiệp phải kết hợp với các ngành, lĩnh vực khác để tạo nên một nền nông nghiệp đa dạng và phong phú.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện