Tin Tức Nông Sản

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đừng đưa tôi báo cáo nữa, hãy đưa giống lúa tốt hơn!

Thứ năm, 16/10/2014 03:34 lượt xem: 675
TP - Việt Nam có nhiều nông sản đứng nhất nhì thế giới, nhưng thu nhập của nông dân còn thấp. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát thẳng thắn kêu gọi các nhà khoa học hãy thôi đưa cho ông các tuyển tập này nọ, mà hãy đưa những giống lúa, giống cây tốt hơn cho người nông dân.

Cảnh báo từ “ông hàng xóm lớn”

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT được xem là người “ngoại đạo” khi xuất hiện tại diễn đàn dành cho các DN nông nghiệp, tổ chức hôm qua 15/10. Tuy nhiên, ông nhận “có cái máu của nông dân” và cảnh báo nhiều nguy cơ cho các DN Việt Nam.

Ông Bình nói: “Nguy hiểm với Việt Nam sắp tới. Cuộc cạnh tranh sẽ rất gay gắt, khi hàng rào thuế dỡ bỏ, các DN trong nước rất khó đấu tay bo với các tập đoàn hàng đầu thế giới”.

Tuy nhiên, theo ông Bình, Trung Quốc sau mấy chục năm phát triển nóng, với tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm, nay họ phải trả giá. Bắc Kinh nhìn ngoài phố như mây mờ, môi trường và nhiều thứ bị phá hủy. Trung Quốc hiện đã thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, thậm chí vượt Mỹ để đứng đầu.

“Nay họ định hướng tăng trưởng theo chất lượng. Tức là, cái mà họ làm ồ ạt trước đây sẽ đẩy ra nước khác. Và có thể nước ta sẽ trở thành bãi rác công nghiệp của họ”- ông Bình cảnh báo.

Chủ tịch tập đoàn FPT kể lại: Lúc dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sỹ), tôi có gặp cô gái quản lý quỹ tới 4 tỷ USD của Đức. Cô ấy bảo sắp tới Việt Nam gặp Bộ trưởng NN & PTNT Cao Đức Phát.

Theo cô này, hiện đất đai ở Trung Quốc ô nhiễm rất nhiều sau những năm phát triển nóng, nên sẽ sang Việt Nam thuê đất để trồng, rồi đem về Trung Quốc tiêu thụ. Tôi hỏi lấy đâu ra nhân lực để làm? Cô ấy bảo sẽ đem người ở Trung Quốc sang trồng. Đây là áp lực khổng lồ trong tương lai.

Chủ tịch FPT cho rằng, 3 vấn đề lớn với ngành nông nghiệp lúc này là công nghệ, quy mô và đào tạo nhân lực. Theo đó, tới đây sẽ mời một số đối tác lớn từ Mỹ, Nhật, Israel… đến Việt Nam để nói về công nghệ cao trong nông nghiệp. FPT sẽ hợp tác với một tập đoàn công nghệ thông tin của Nhật, để trình diễn nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội và TPHCM; sẽ nhìn thấy rõ từ giống, sản xuất, chế biến, đến bàn ăn.

Theo bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Cty CP Giống cây trồng T.Ư, nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc cũng đặt vấn đề hợp tác với DN bà. Họ đưa người sang đào tạo, trồng dưa ở Việt Nam. Bà Liên cho biết, các đối tác nước ngoài, họ có công nghệ, vốn và bao tiêu sản phẩm; ở mình vay khó, vốn nhỏ, khoa học công nghệ hạn chế.

“Đây là một nguy cơ, nếu chúng ta không cải thiện. Có thể DN Trung Quốc hoặc nước khác nhảy vào, nông dân sẽ đi theo. Bởi vì, nông dân đang cần thị trường, thu nhập cao hơn”- bà Liên nói.

Tiêu nhiều tiền nhưng thành tựu ít

Ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Tổng Cty Giống Thái Bình (TSC) cho biết, trong nông nghiệp có ba mấu chốt là đất, nước và giống. Ở nước ta, tới 70 - 80 các đề tài nghiên cứu trong nông nghiệp là tạo giống mới, nhưng do bó buộc cơ chế, rất ít giống chất lượng từ các viện nghiên cứu đưa vào ứng dụng.

Ông Báo kể: Vừa rồi ông đi với Bộ KHCN đến thăm vườn lê ở Nhật, cây lê 52 tuổi nhưng vẫn rất xanh tốt, quả sai, to. Ông hỏi giống cây từ đâu, họ nói cây 52 tuổi, nhưng mầm họ mới ghép được 3 năm. Giống này do 3 cơ quan cùng làm, trong đó có một trường đại học và 1 DN đứng ra chủ trì.

“Tôi rất không bằng lòng, các đề tài cứ ngâm nga, rồi bỏ ngăn kéo. Xin các đồng chí đừng đưa cho tôi các báo cáo khoa học, tuyển tập này nọ, vì tôi không có chỗ để. Hãy đưa cho tôi bông lúa nhiều hạt hơn, những giống tốt hơn có lợi cho nông dân”

 Bộ trưởng Cao Đức Phát

Ông Báo nói: “Chúng tôi chỉ xin Bộ trưởng tháo tung cơ chế ra cho DN làm. Chứ nếu cho tiền chưa chắc đã hay. Vừa rồi, chúng tôi đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho đầu tư nghiên cứu, chế biến, nhưng nhà nước hỗ trợ 5 tỷ đồng, chưa thấm vào đâu”.

Ông cũng đề nghị, nên “dẹp” hoặc cổ phần hóa các trung tâm giống ở các tỉnh, vì “họ lấy đâu ra con người nghiên cứu, năng lực, máy móc”.

Theo ông, không thể để nông dân dùng thóc thịt làm giống mãi, vì chất lượng gạo kém. DN phải vào cuộc, có nghiên cứu, tạo ra giống gốc, sản xuất, bảo quản, chế biến theo công nghiệp. “Nhưng khổ nỗi là các DN kinh doanh giống mọc như nấm sau mưa. Khi có một giống tốt, lại bị hàng giả, nhái tràn lan”- ông Báo nói.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Có thời gian dài, chúng ta dựa vào cơ bắp của nông dân. Nhưng khi nhu cầu sản phẩm chất lượng cao, số lượng lớn, phải có máy móc.

“Nhìn lại, tới 99% động cơ nông nghiệp dùng trong nước là của nước ngoài. Kể cả 129.000 tàu cá, hầu hết là động cơ ô tô cũ của Nhật; chưa kể, máy kéo, máy gặt… Chúng ta có động cơ đâu”.

Theo ông Phát, một năm cả nước chi khoảng 700 tỷ đồng cho nghiên cứu trong nông nghiệp, trong đó một nửa để trả lương cho cán bộ. Cùng với khoảng 200 tỷ đồng cho khuyến nông, 100 tỷ xây dựng cơ bản, tính ra cũng gần 1 nghìn tỷ đồng. Từng đó, ít so với thế giới, nhưng không ít với Việt Nam, nhưng thành quả nghiên cứu thì khiêm tốn.

Theo Bộ trưởng Phát, trên thế giới, tới 80% những tiến bộ khoa học do các DN tư nhân có viện nghiên cứu làm ra. “Cái này, phải có những DN đứng ra chủ trì, nghiên cứu và kết nối với thị trường. Hôm rồi, tôi hơi buồn khi xem thông tin, có một giống chất lượng thấp, nhưng giá bán còn cao hơn giống của Viện lúa Ô Môn”- ông Phát nói.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện