Các ngân hàng đã gửi văn bản đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (C46, Bộ Công an), đề nghị làm rõ dấu hiệu về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với công ty Trường Ngân.
Ngày 5/12, đại diện một ngân hàng (NH) trong số bảy NH (MB, MSB, VietinBank, VIB, OCB, Agribank và Techcombank) là “chủ nợ” của công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Ngân (trụ sở tại quận 4, TP.HCM, kho hàng tại thị xã Dĩ An, Bình Dương) cho biết, vừa có văn bản gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (C46, Bộ Công an), đề nghị làm rõ dấu hiệu về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với công ty Trường Ngân. Một số NH còn lại cũng gửi đơn tới công an TP.HCM hoặc Bộ Công an đề nghị làm rõ dấu hiệu hình sự đối với công ty này.
Công an bảo vệ kho hàng của công ty Trường Ngân khi lực lượng thi hành án tiến hành cưỡng chế. |
Trong đơn gửi C46, NH này cho rằng, những người đứng đầu công ty Trường Ngân dùng một lô hàng thế chấp cho bảy NH. Tới nay, công ty mất khả năng thanh toán. Công ty Trường Ngân cũng không chứng minh được nguồn tiền vay từ các tổ chức tín dụng được dùng vào việc gì, tại sao mất cân đối... Ngoài ra, một số NH cũng tiếp tục gửi đơn tới Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tuyên hủy quyết định của Tòa án nhân dân quận 4 công nhận thỏa thuận giữa NH Phương Đông (OCB) và công ty Trường Ngân, về việc xác định nợ vay và số cà phê thế chấp (Chi cục thi hành án dân sự thị xã Dĩ An cưỡng chế kho hàng của công ty Trường Ngân từ ngày 3/12 để thu hồi nợ cho OCB).
Một NH cho biết, việc Tòa án nhân dân quận 4 ra quyết định công nhận nói trên mà không mời các NH còn lại là vi phạm thủ tục tố tụng. Trong khi đó, tại kho hàng của công ty Trường Ngân, với sáu xe cà phê được lực lượng chuyển đi trong ngày 5/12 thì chỉ có ba xe là hạt cà phê, ba xe còn lại là các bao “rác” (chứa vỏ cà phê, tạp chất...).
Đại diện công ty cổ phần giám định Lửa Việt (TP.HCM) được thuê giám định, cho biết càng lấy cà phê vào sâu trong kho thì càng phát hiện nhiều bao “rác”. Đối với 11 xe cà phê chuyển đi một ngày trước thì chỉ có tám xe cà phê, ba xe còn lại là “rác”. Đây có thể là một yếu tố mới khi lực lượng chức năng xem xét dấu hiệu hình sự tại Công ty Trường Ngân, vì có thể công ty này đã dùng các bao “rác” nói trên để đánh lừa các NH khi vay vốn.
Trong một diễn biến khác, hôm qua, OCB đã lên tiếng về việc một số NH liên quan cho rằng, quyết định của tòa án cho phép OCB xử lý tài sản bảo đảm là chưa hợp pháp, vì xử lý trùng tài sản bảo đảm của các NH cũng có dư nợ tại công ty Trường Ngân. Theo OCB, có sự khác nhau giữa phương thức nhận tài sản bảo đảm giữa các NH. OCB nhận bảo đảm bằng lô hàng hóa cụ thể theo nguyên tắc tiền vào hàng ra, còn một số NH nhận bảo đảm theo phương thức vô cùng rủi ro trong quản lý tín dụng, là thế chấp hàng tồn kho luân chuyển.
“Đây là phương thức bảo đảm mà khách hàng chỉ đơn thuần cam kết với NH sẽ duy trì một khối lượng hàng hóa với mức giá trị nào đó trong kho hàng, còn quyền xuất nhập hàng hóa thuộc về doanh nghiệp, NH không thể trực tiếp kiểm soát. Do đó, các NH cho vay theo phương thức này khó có thể xác định được có đúng là có lượng hàng hóa đó trong kho không, hay đây là hàng hóa được thế chấp cho NH, OCB cho biết.