Lăng Kính Doanh Nhân

Xuất khẩu cá tra đang gặp khó

Thứ ba, 15/08/2017 08:00 lượt xem: 569

Giá cá tra sẽ không tăng thời gian tới, cả người nuôi và doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin để cân đối diện tích và sản lượng nuôi...

 

fillet cá tra

Kim ngạch xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm ước 996,5 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo quý 3/2017, giá cá tra trung bình tại Đồng bằng sông Cửu Long tương đối ổn định, dao động từ 22.000 - 26.000 đồng/kg, người nuôi có lãi. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm nay, những diễn biến xuất khẩu tại các thị trường chính đã và đang ảnh hưởng sâu sắc đến sản xuất trong nước. Do vậy, trong thời gian tới, giá cá tra sẽ không tăng, cả người nuôi và doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường để cân đối diện tích và sản lượng nuôi cho phù hợp.

Trong tháng 7/2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 160,088 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm ước 996,5 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Top 3 thị trường chính, gồm: Mỹ ước đạt 223,531 triệu USD, giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm gần 22% tổng giá trị xuất khẩu cá tra cả nước; Trung Quốc ước đạt 201,091 triệu USD, tăng 46%, chiếm 20,3% tổng giá trị xuất khẩu và EU ước đạt 120,072 triệu USD, giảm 23,1%, chiếm 12,1% tổng giá trị xuất khẩu. 

Trong 7 tháng đầu năm, dù giá trị xuất khẩu sang Mỹ giảm không đáng kể (1%) và Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số một của cá tra Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra lo lắng do Luật Trang trại (Farm Bill) triển khai sớm nên việc chuyển giao từ Cục Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) sang Cục Kiểm tra và An toàn thực phẩm (FSIS) - Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ diễn ra nhanh hơn trong khi năng lực kiểm tra của hai cơ quan này khác nhau, nhất định sẽ gây ra những tác động không mong muốn.

Bên cạnh đó, ngày 31/7, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã kết thúc đợt rà soát hành chính lần thứ 14 đối với cá tra (POR 14) từ 1/8/2016 - 31/7/2017 thuế chống bán phá giá cá tra, và kể từ ngày 1/8/2017 sẽ bước sang kỳ POR mới. Dự kiến khoảng tháng 9/2017, DOC sẽ có kết quả sơ bộ của kỳ POR13.

Hai vấn đề trên là rào cản thương mại lớn, ảnh hưởng trực tiếp lên xuất khẩu cá tra vào Mỹ, có khả năng giá trị xuất khẩu sang thị trường này trong các tháng cuối năm tiếp tục đổ dốc.

Bà Ngô Vi Tâm, Phó Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn Corp cho biết, do lo ngại không đủ kho chứa hàng cũng như nguồn nhân lực của FSIS chưa quen việc, các container hàng bị nằm cảng lâu, gây tốn kém nhiều nên từ 1/8, Vĩnh Hoàn đã chủ động giảm khoảng 10-15% khối lượng hàng xuất qua Mỹ, sau đó, tuỳ tình hình thực tế mà sắp xếp lại.

Riêng chi phí lưu kho chờ kiểm hàng do nhà nhập khẩu chịu nên họ sẽ đưa chi phí này vào giá bán, dự kiến tăng khoảng 10% so với cách đây 1 tháng và mức tăng này người tiêu dùng phải chịu.

“Tôi nghĩ mức tăng này sẽ chưa có vấn đề gì nhưng nếu thời gian lưu kho chờ kiểm càng lâu thì giá thành càng tăng cao hơn”, bà Vi Tâm chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám, để đối phó với những diễn biến ảnh hưởng không mong muốn đối với hoạt động xuất khẩu cá tra, từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho cá tra tại 3 thị trường lớn, gồm: Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, ngành cần tiếp cận quan điểm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Đồng thời, rà soát, tổ chức lại sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường. Bởi Hoa Kỳ vẫn luôn là thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam.

Đối với thị trường EU, ngành cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng thực hiện khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực; đồng thời, chủ động ứng phó với các rào cản, đặc biệt là xử lý thông tin bôi nhọ sản phẩm cá tra Việt Nam trên các phương tiện truyền thông quốc tế tại khu vực này.

Riêng thị trường Trung Quốc, sản phẩm cá tra đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Đây là lợi thế nhưng cần phải tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng và cần có giải pháp quản lý hợp lý, đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch và xuất khẩu tiểu ngạch.

Hiện nay, giá cá tra trung bình tại Đồng bằng sông Cửu Long tương đối ổn định, dao động từ 22.000 - 25.600 đồng/kg. Đây được xem là chu kỳ giá cá tra tăng kéo dài nhất và có thể tiếp tục kéo dài đến hết năm 2017.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, quý 3/2017, giá cá tra ổn định và tiếp tục dao động ở mức từ 22.000 – 26.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long có lãi, tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay do diễn biến xuất khẩu tại các thị trường chính đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trong nước.

Do vậy, trong thời gian tới, giá cá tra khả năng không tăng, cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt thông tin thị trường để cân đối diện tích và sản lượng nuôi cho phù hợp. Để tăng giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần thay đổi tư duy và chiến lược kinh doanh để lấy lại cân bằng và bứt phá.

Nguyễn Huyền

 

CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI BÃ HÈM BIA.

Hotline: 091 567 2347

Email: bahembianhapkhau@gmail.com

Web: bahembia.com

----------------------------------------

Đơn vị phân phối:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THIÊN KHÔN PHÚ
Adress: 63 Đường số 13 - P.Bình Trị Đông B - Q.Bình Tân - TP.HCM
Phone: 08.6260 0412 -Fax: 08.6260 2239
Email: thienkhonphujsc@gmail.com
Kho hàng: Lô F9, Khu Công Nghiệp Vĩnh Lộc, Xã Vĩnh Lộc B, Huyện Bình Chánh

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện