Chừng hơn 10 năm về trước, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) là một xã nghèo, tỷ lệ hộ khá giả chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, kể từ ngày nghề nuôi con đặc sản (rùa, ba ba) bén duyên mảnh đất ven sông Mã này thì đời sống người dân phất lên như diều gặp gió.
Từ nuôi làm cảnh
Một buổi sáng cuối đông hửng nắng, anh Phạm Hải Hiệp, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Thiệu Hóa dẫn chúng tôi đi dọc triền sông Mã tham quan hàng chục mô hình nuôi rùa, ba ba đang mang lại thu nhập “khủng” cho người dân Thiệu Hợp.
Trên đường đi vừa tấm tắc khen những ngôi nhà hai ba tầng mọc lên san sát với đủ các thiết kế hiện đại, không khác gì chốn phồn hoa đô thị, tôi đặt nghi vấn: Chắc ở xã này nhiều người đi xuất khẩu lao động lắm? Anh Hiệp đáp lời: Không có đâu, họ giàu nhờ nuôi rùa, ba ba đó.
Tôi vẫn chưa tin cho đến khi đích thân Chủ tịch UBND xã Lê Hồng Lan khẳng định: “15 năm phát triển chăn nuôi con đặc sản đến nay toàn xã có 168/1.710 hộ nuôi rùa, ba ba; lợi nhuận bình quân mỗi năm đạt 200 - 250 triệu đồng/hộ/30 - 40 m2, góp phần nâng cao thu nhập đầu người tăng lên từ 12 triệu (2000) lên 26 triệu đồng/năm (2015)”.
Ông Lan cho hay, người “khai sinh” nghề nuôi rùa, ba ba ở Thiệu Hợp là ông Đỗ Viết Thường và Phan Văn Quyền, thôn Nam Bằng 1. Ông Quyền năm nay 65 tuổi, là một trong những người nếm mật nằm gai suốt 15 năm qua với con rùa, ba ba.
Theo lời kể của ông Quyền, sau khi đi TNXP trở về, ông không có công ăn việc làm nên gọi thêm ông Đỗ Viết Thường, cùng quê, lên các huyện miền núi phía tây Thanh Hóa làm nghề mộc kiếm sống.
Năm 1998, trong một lần làm nhà cho người dân huyện Thường Xuân, ông thấy dân bản bắt được 2 con rùa nhỏ bằng ngón tay trỏ nên mua về nuôi làm cảnh.
“Lúc đó thấy con rùa đẹp nên tôi mua với giá 100.000 đồng/con đưa về nuôi trong chậu. Sau một thời gian có một người ở TP Thanh Hóa lên ra giá 1 triệu đồng/con.
Lúc đó tôi nghĩ bụng, con rùa bé tí mà người ta trả giá cao như vậy chắc là rùa quý nên tôi để lại nuôi tiếp. Nhiều hôm sợ bị trộm tôi phải đưa vào giấu dưới gầm giường”, ông Quyền nhớ lại.
Sau 5 năm chăm bẵm, hai con rùa đến kỳ sinh sản. Rùa đẻ trứng, ông đem cho gà ấp nhưng thất bại, đưa đi lò ấp công nghiệp cũng không nở được con nào.
Mãi đến năm 2004 xã Thiệu Hợp tạo điều kiện cho một số hộ dân đi huyện Yên Mô, Ninh Bình và tỉnh Hà Tĩnh học tập kinh nghiệm nuôi con đặc sản (nhím, ếch, rùa, ba ba), lô trứng rùa đầu tiên mới ấp nở thành công.
“Sau khi rùa đẻ, chúng tôi đem trứng chôn xuống cát sâu 10cm, luôn giữ nhiệt độ ổn định ở 29 - 330C, độ ẩm 80 - 85%, khoảng 68 - 70 ngày sau thì rùa nở.
Lô trứng đầu tiên tỷ lệ nở đạt 50% (20 con/40 trứng), đến năm 2009 thì tôi làm chủ kỹ thuật nhân giống rùa, ba ba với tỷ lệ trứng nở đạt 75 - 80%.
Bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên đón những thành viên rùa con do chính tay mình cho ấp nở. Đúng là có học có khác”, ông Quyền nói.
Hiện tổng đàn rùa của gia đình ông Quyền đạt 100 con; trong đó, 16 cặp bố mẹ, tương đương 48 con (3 con/cặp).
Đến cả xã làm giàu
Rùa là động vật khá đặc biệt, chủ yếu ăn vào mùa hè, còn 3 tháng mùa đông bà con không phải cho ăn. Thức ăn của rùa đa dạng với cá, tép, thịt, ếch nhái, đặc biệt là giun đất.
“Cứ hôm rảnh rỗi chúng tôi lại đốt đèn đi man (bắt - PV) giun đất về chôn xuống cát dự trữ cho rùa ăn dần trong 3 - 4 tháng, để dành thời gian đi làm những công việc khác”, ông Quyền chia sẻ.
Cũng theo ông Quyền, để nuôi được rùa, ba ba, yếu tố quan trọng nhất là môi trường nước. Mùa hè, cứ 1 - 2 ngày phải thay nước 1 lần, mùa đông rùa không ăn nên không phải thay nước.
Tuy nhiên, bây giờ thức ăn nhiễm nhiều vi khuẩn hơn nên để đảm bảo an toàn người nuôi cần xử lý bằng cách nấu nước nóng chần qua rồi mới đem cho rùa ăn, ngoài ra thức ăn cũng không được để quá một tháng.
“Trước mua tôm, tép, thịt về là tôi thả xuống cho ăn luôn nhưng nay thuốc trừ cỏ, trừ sâu phun ngoài đồng rất nhiều nên cứ phòng bệnh cho chắc. Thực tế thì hơn 15 năm nuôi rùa tôi chưa gặp phải rủi ro nào”, ông Quyền cho biết.
Người đàn ông xấp xỉ tuổi thất tuần nói trên là người “khai sinh” ra nghề nuôi rùa, ba ba nhưng người phát triển mạnh nhất nghề nuôi con đặc sản này là ông Đỗ Hữu Nhung (60 tuổi), cùng thôn Nam Bằng 1.
Ông Nhung bén duyên nghề chăn nuôi trước những năm 2000. Thời điểm ấy ông nuôi 70 con bò lai Sind; 20 con rùa và khoảng 60 con ba ba trên diện tích bãi bồi ngã ba sông Mã.
Do điều kiện học tập qua trường lớp hạn chế nên ông Nhung phải vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm. Hầu hết rùa, ba ba sinh sản trên cát nở được con nào thì nuôi con đó.
“Năm 2007 lũ lớn quét qua trang trại gia đình tôi. Hơn chục người được huy động bơi ra cứu rùa, ba ba và bò. Sau trận lũ tôi quyết định bán hết toàn bộ bò và diện tích cây lâm nghiệp đầu tư thêm 1 tỷ đồng xây dựng trang trại rùa, ba ba trên diện tích đất vườn nhà mình.
Đến nay trang trại của tôi có hơn 100 cặp rùa bố mẹ, 60 - 70 con rùa thịt và hơn 1.000 con ba ba, trong đó ba ba bố mẹ hơn 100 con”, ông Nhung cho hay.
Nếu tính hiệu quả kinh tế thì rùa và ba ba gấp nhiều lần các đối tượng nuôi khác. Cụ thể, chi phí đầu tư chuồng trại (3 m2/bể/3 con rùa) hết khoảng 3 triệu đồng; rùa bố mẹ 60 - 70 triệu đồng/cặp, nuôi sau 4 - 5 năm rùa mẹ sinh sản đạt khoảng 24 con rùa con, bán với giá 2,5 triệu đồng/con rùa con, tổng doanh thu ước đạt trên dưới 60 triệu đồng/năm.
“Riêng trang trại của gia đình tôi, từ năm 2008 đến nay bình quân mỗi năm bán 250 con rùa giống x 2,5 triệu đồng/con = 625 triệu; ba ba giống xuất bán 500 con x 130.000 đồng/con = 65 triệu đồng; rùa thương phẩm 100 kg x 15 triệu/kg = 1,5 tỷ đồng; ba ba thương phẩm 400 - 500 kg x 550.000 đồng/kg = 220 - 275 triệu đồng/năm.
Tổng doanh thu mỗi năm ước đạt trên dưới 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận còn lại trên 500 triệu đồng”, ông Đỗ Hữu Nhung khẳng định.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi rùa, ba ba, ông Nhung bảo, vì đây là những đối tượng nuôi kén thị trường tiêu thụ nên sản phẩm cũng phải đảm bảo về số lượng và chất lượng.
Theo đó, người nuôi nên chọn rùa mẹ có mai rộng, tròn; rùa bố dài và vuông. Trong quá trình rùa nghỉ đẻ phải cân đối chế độ ăn hợp lý, nên cho ăn cá, tép, tôm và hạn chế cho ăn thịt nhằm tăng canxi cho mai rùa.
Đối với chuồng nuôi, nên xây nền xi măng, lát gạch và để mực nước vừa lút mai rùa; còn ba ba, nền chuồng phải bằng cát hoặc bùn và nuôi ở mực nước sâu.
Một lần nữa ông Nhung khẳng định, rùa và ba ba là hai đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao nhất hiện nay ở Thiệu Hợp; giúp người dân tận dụng tối đa công lao động; ít dịch bệnh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này các cấp chính quyền chưa có bất kỳ chính sách hỗ trợ nào để người dân mở rộng chăn nuôi. Đặc biệt, thị trường đầu ra đang do người dân tự thân vận động theo đường tiểu ngạch nên thiếu tính bền vững.
>> Ông Lê Hồng Lan, Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp:“Để nâng cao tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, từ nay đến 2020, chúng tôi phấn đấu nhân rộng diện nuôi rùa, ba ba lên đạt 300 hộ. Đồng thời, thành lập Hiệp hội chăn nuôi nhằm tạo điều kiện cho bà con phát triển con giống, chuyển giao KHKT và tìm kiếm thị trường tiêu thụ”. |