Sự Kiện

Việt Nam - Ấn Độ: Chuyến thăm thúc đẩy các cơ hội hợp tác thực sự

Thứ sáu, 24/10/2014 03:53 lượt xem: 1057
Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, từ ngày 27-29/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Ấn Độ. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã trả lời phỏng vấn của TG&VN về chuyến thăm và quan hệ hai nước.


Xin Thứ trưởng cho biết mục đích, ý nghĩa chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đang có những bước phát triển mạnh mẽ?

Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hữu nghị truyền thống từ lâu đời, khởi nguồn từ những nét tương đồng về văn hóa, và gắn bó trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước của mỗi nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp nên ngày càng phát triển và đang đơm hoa kết trái.

Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược kể từ năm 2007. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đã có những bước phát triển tích cực ở trên các lĩnh vực. Hai bên đã tiến hành thường xuyên các chuyến thăm cấp cao và các cấp ở trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, cũng như hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân. Có thể kể đến các chuyến thăm quan trọng tới Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 3/2010), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 10/2011), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ tại Ấn Độ (tháng 12/2012); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11/2013). Về phía Ấn Độ có các chuyến thăm ta của Tổng thống Pratibha Patil (tháng 11/2008), Chủ tịch Hạ viện Meira Kumar (tháng 5/2011), Phó Tổng thống Hamid Ansari (tháng 1/2013) và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee (tháng 9/2014).

Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng được thực hiện nhằm đáp lại lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ngay sau khi ông nhậm chức. Phía Ấn Độ rất coi trọng chuyến thăm và thực hiện những nghi thức cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ thăm chính thức Ấn Độ. Chuyến thăm cũng là dịp nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước trong nhiệm kỳ của Chính phủ mới của Ấn Độ.

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến Ấn Độ lần này nối tiếp các chuyến thăm nói trên, nhằm thúc đẩy sâu sắc hơn quan hệ tin cậy, Đối tác chiến lược và hợp tác giữa hai nước về các mặt chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục, du lịch, hàng không... Dự kiến, hai bên sẽ trao đổi nhằm khai thác các tiềm năng, tăng cường hơn nữa hợp tác về kinh tế, thúc đẩy Ấn Độ góp phần đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp Việt Nam trong đó có ngành dệt may, da giày và một số lĩnh vực khác; đồng thời tăng cường đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam và khai thác thị trường to lớn của Ấn Độ để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trên cơ sở đó, trong chuyến thăm này, hai bên sẽ ký kết một số văn kiện hợp tác quan trọng, cụ thể hóa các cam kết hợp tác giữa hai nước. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ trao đổi với các nhà Lãnh đạo Ấn Độ về tình hình thế giới và khu vực và việc tiếp tục tăng cường tham vấn và phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn khu vực và thế giới như hợp tác ASEAN - Ấn Độ, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Phong trào Không liên kết và hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc.

Nhìn lại những thành tựu hợp tác to lớn giữa hai nước trong hơn 40 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời trong bối cảnh tình hình quan hệ hai nước đang có những diễn biến mới tích cực, chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Ấn Độ lần này sẽ mang đến động lực mới, làm sinh động, sâu sắc và cụ thể hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược Việt - Ấn, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Theo Thứ trưởng, hai bên cần có những chính sách, biện pháp nào để hiện thực hóa mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai bên đạt 7 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020 như nhất trí của lãnh đạo hai nước.

Là hai nền kinh tế đang phát triển hết sức năng động ở Châu Á, đồng thời lại có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và chính trị tin cậy, Việt Nam và Ấn Độ có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế trên cơ sở cùng có lợi. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước thời gian qua đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Hai nước hiện đã trở thành những đối tác kinh tế quan trọng của nhau; kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng trung bình 16% trong hơn 10 năm qua; tuy các số liệu còn khác nhau, nhưng có thể tin chắc sẽ đạt mục tiêu 7 tỷ USD vào năm 2015 (trong năm 2013 số liệu của ta là gần 6 tỷ USD, còn số liệu của Ấn Độ là 8 tỷ USD). Ngày càng có nhiều hàng hóa có giá trị cao của ta xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ như điện thoại di động, linh kiện máy tính, sản phẩm điện tử bên cạnh các sản phẩm truyền thống như hạt tiêu, cao su, giày dép… Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang đầu tư làm ăn hiệu quả tại Việt Nam và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Dự án lớn nhất cho đến nay của doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam là dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 trị giá 1,8 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng của Tập đoàn TATA… Tôi được biết, Tập đoàn TATA đang rất tích cực triển khai dự án này để có thể hoàn thành xây dựng nhà máy và phát điện trước thời hạn mà hai bên đã thống nhất vào năm 2022. Ngoài ra, Ấn Độ còn nhiều dự án làm ăn hiệu quả trong các lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, chế biến nông sản.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được nói trên, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này sẽ tập trung trao đổi những phương hướng và biện pháp nhằm khai thác các tiềm năng và tăng cường hợp tác kinh tế. Thực tế, đây là nhu cầu từ cả hai phía. Các điều kiện trên sẽ bảo đảm được việc hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch song phương đạt và vượt 15 tỷ USD vào năm 2020. Ngày càng có nhiều các công ty, tập đoàn lớn của Ấn Độ đã và đang đầu tư vào Việt Nam, giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung đầu vào cho các ngành sản xuất. Hai bên cũng sẽ trao đổi về việc xây dựng một hành lang và cơ sở pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác, giao lưu hàng hóa, chú trọng khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường làm ăn hợp tác tại Việt Nam trên các lĩnh vực mà phía Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang rất cần phát triển như năng lượng, dệt may, cơ khí chế tạo, chế biến nông sản, dược phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đang tham gia đàm phán nhiều FTA song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việt Nam cũng hoan nghênh và kêu gọi doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào các ngành sản xuất tại Việt Nam để đón đầu cơ hội mà các FTA này mang lại và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phía Việt Nam cũng sẽ kêu gọi Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xúc tiến hợp tác đầu tư tại Ấn Độ, tận dụng các cơ hội trong các chương trình cải cách và phát triển kinh tế mà Ấn Độ đang thực hiện như chương trình xây dựng 100 thành phố thông minh và chương trình "Sản xuất tại Ấn Độ" (Make in India).

Để thúc đẩy các cơ hội hợp tác thực sự, ta sẽ cử một đoàn doanh nghiệp lớn bao gồm các tập đoàn, tổng công ty hàng đầu tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thăm Ấn Độ lần này. Tại Ấn Độ, chúng ta phối hợp với phía bạn tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp hai nước với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu của hai bên trên các lĩnh vực ngân hàng, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, dệt may, dầu khí, dược phẩm, chế biến nông sản, du lịch… Dự kiến Thủ tướng Chính phủ ta và Lãnh đạo các bộ ngành của hai bên cũng sẽ tham dự Diễn đàn này. Đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai nước có những kiến nghị trực tiếp về chính sách đối với Chính phủ hai nước. Với những cơ hội đang có và quyết tâm của cả hai bên, tôi tin rằng hai bên hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu đề ra.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện