Tài Liệu Nông Sản

Ứng dụng cây trồng biến đổi gen: Vẫn lúng túng

Thứ năm, 26/12/2013 07:28 lượt xem: 1063
Đến hết năm 2012, toàn thế giới đã có 170,3 triệu ha cây trồng biến đổi gen (chiếm hơn 10% tổng diện tích đất nông nghiệp)

Đến hết năm 2012, toàn thế giới đã có 170,3 triệu ha cây trồng biến đổi gen (chiếm hơn 10% tổng diện tích đất nông nghiệp), trong khi ở nước ta, việc ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến này vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

GS. Nguyễn Văn Tuất, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, lộ trình thương mại hóa cây trồng biến đổi gen (GMO) ở nước ta vẫn liên tục bị lùi thời hạn, mặc dù quá trình khảo nghiệm đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá rất tốt. 
 
TS. Clive James, Chủ tịch Cơ quan Dịch vụ quốc tế ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA) cho biết: Năm 2012 đã đánh dấu mức tăng kỷ lục 100 lần về diện tích canh tác cây trồng GMO, từ 1,7 triệu ha năm 1996 (năm đầu tiên cây trồng GMO được đưa vào canh tác đại trà) lên 170,3 triệu ha, khiến GMO trở thành cây trồng được ứng dụng nhanh nhất, lan tỏa mạnh nhất trong lịch sử. Trong đó, Sudan và Cuba đã tạo bước ngoặt khi 2 nước này lần đầu tiên đưa cây trồng GMO vào canh tác. Trong số 28 nước đang trồng cây GMO trong năm 2012, có 20 nước đang phát triển và 8 nước công nghiệp.  
 
Báo cáo của ISAAA cho thấy, diện tích trồng cây GMO ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 52% diện tích trồng các loại cây này trên toàn cầu, trong đó, riêng 5 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Argentina và Nam Phi chiếm 46%. Mỹ tiếp tục là nước dẫn đầu với 69,5 triệu ha, Brazil xếp thứ 2 với diện tích canh tác tăng 6,3 triệu ha so với năm trước, đạt 36,6 triệu ha vào năm 2012. Các nước EU cũng đạt kỷ lục về trồng ngô Bt với 129.071ha vào năm 2012. 
 
Theo TS. Clive James, cây trồng GMO đã đóng góp cho an ninh lương thực, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu bằng cách tăng năng suất và sản lượng cây trồng, với tổng giá trị sản phẩm đạt 98,2 tỷ USD trong năm qua. Cây trồng GMO còn thúc đẩy bảo vệ môi trường, nhờ đã tiết kiệm 473 triệu kg thuốc trừ sâu và giảm 23,1 tỷ kg khí CO2 mỗi năm (tương đương với khí thải của 10,2 triệu xe ô tô ). Đồng thời cây GMO còn giúp bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách tiết kiệm 108,7 triệu ha đất; giúp xóa đói giảm nghèo cho hàng chục triệu nông dân. 
 
GS.TS Võ Tòng Xuân phàn nàn: Việt Nam đã xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo, thu về 3,3 tỷ USD trong năm 2012, thế nhưng cũng tốn hơn 2 tỷ USD để nhập khẩu lúa mì, ngô, đậu nành, khô dầu đậu nành… để chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó phải nhập khẩu 1 - 1,8 triệu tấn ngô từ các nước Ấn Độ, Mỹ, Braxil, Argentina, Trung Quốc (là những nước nằm trong top 10 quốc gia trồng cây GMO mạnh nhất thế giới). Ngoài ra, mỗi năm nước ta còn phải nhập 2,5-2,7 triệu tấn sản phẩm từ đậu tương và hơn 90% nguồn này đều là đậu tương GMO. 
 
 Không chỉ với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà ngay trong thực phẩm cho người, nhiều loại sản phẩm GMO đã vào Việt Nam từ khá lâu. Trên thực tế, dù muốn hay không tất cả chúng ta đều đã từng dùng sản phẩm GMO, đặc biệt, hầu hết các loại dầu ăn, nước tương, sữa đậu nành đang lưu thông trên thị trường đều được chế biến từ đậu tương GMO. 
 
Một ý kiến khác cho rằng: “Nhà nước quy định nếu là sản phẩm GMO thì phải ghi rõ ràng trên nhãn để người tiêu dùng lựa chọn, nhưng thực tế tôi không hề thấy có sản phẩm nào ghi chú liên quan đến GMO. Ngược lại, một hãng sữa đậu nành còn quảng cáo với slogan: “Sản phẩm hoàn toàn không có yếu tố biến đổi gen”. Việc này có nguy cơ sẽ tạo ra một định kiến sai lầm rằng: sản phẩm nào không dám khẳng định trên nhãn “không có yếu tố biến đổi gen” tức là sản phẩm có GMO, và sản phẩm GMO là độc hại”. 
 
GS. Tuất nhận định: Tâm lý sợ trách nhiệm dẫn đến vô trách nhiệm vẫn còn phổ biến ở nhiều nhà quản lý nước ta. Trong Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học đối với sản phẩm GMO được cả thế giới tuân thủ và áp dụng, không có điều khoản nào quy định bắt buộc sản phẩm có chứa sinh vật GMO phải đưa thông tin này lên nhãn sản phẩm. Bởi vậy, sản phẩm GMO của các nước khi nhập khẩu vào nước ta đều không ghi thông tin trên nhãn. Lẽ ra, nước ta nên vận dụng Nghị định thư Cartagena để xây dựng hệ thống pháp lý kiểm soát nhập khẩu sản phẩm GMO, giám sát an toàn thực phẩm đối với loại sản phẩm này. Thế nhưng vì không quản lý nổi nên mới đưa ra quy định: sản phẩm GMO lưu thông trên thị trường phải dán nhãn cho người tiêu dùng tự lựa chọn. Và thực tế cho thấy, gần như không có DN nào tuân thủ quy định này.
 
Hầu hết các nhà quản lý hiểu rất ít về cây GMO, và e ngại nếu phê duyệt cho trồng thì khi xảy ra chuyện gì, họ sẽ phải chịu trách nhiệm, do đó, việc cho phép thương mại hóa cây trồng GMO bị lần khân. Điều đó khiến cả người tiêu dùng và nông dân nước ta đều bị thiệt, chỉ có các nước sản xuất thực phẩm GMO rồi xuất khẩu vào Việt Nam là được lợi”, GS. Tuất nói.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện