Tin tức thủy sản

Tứ giác Long Xuyên: Độ mặn, độ kiềm thấp không thích hợp nuôi tôm

Thứ hai, 22/10/2018 09:00 lượt xem: 13862

 

Tứ giác Long Xuyên: Độ mặn, độ kiềm thấp không thích hợp nuôi tôm

Quan trắc môi trường nuôi thủy sản Kiên Giang.​

Theo thông báo quan trắc môi trường Kiên Giang ngày 15/10, thời điển hiện nay, trên các kênh cấp nước tại vùng Tứ giác Long Xuyên có độ mặn, độ kiềm, độ trong giảm thấp không thích hợp để lấy nước vào nuôi tôm.

Ngày 12/10/2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành quan trắc môi trường đợt 19 năm 2018 tại 20 điểm đầu nguồn cấp nước cho các vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm của 09 huyện, thị xã trong tỉnh và 03 điểm tại vùng nuôi cá lồng bè tập trung của xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương.

1. Vùng U Minh Thượng

Nhiệt độ: 25 - 29,5oC, pH: 6,8 - 8,4, độ trong: 10 - 45 cm, độ kiềm: 17,9 - 89,5 mg/l, oxy hòa tan (DO): 3,0 - 6,0 mg/l, ammonia: 0 - 0,08 mg/l, tiêu hao oxy sinh học (BOD5): 3,637 - 6,446 mg/l. Phần lớn các chỉ tiêu hóa, lý môi trường nước tại các điểm quan trắc đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép.

Độ mặn, độ kiềm, độ trong trên các kênh cấp nước của vùng không thay đổi nhiều so với đợt quan trắc trước, có 6/10 điểm có độ trong thấp (10 - 15 cm), 7/10 điểm có độ kiềm thấp (17,9 - 53,7 mg/l), 9/10 điểm có độ mặn thấp (từ 0 - 4‰) không thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi nước lợ.

Nitrite dao động từ 0 - 0,5 mg/l, vượt ngưỡng giới hạn cho phép đối với động vật thủy sản nuôi từ 2 - 10 lần tại 8/10 điểm quan trắc của vùng. Phosphate dao động từ 0,1 - 0,5 mg/l, vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 2,5 - 10 lần tại 6/10 điểm quan trắc.

2. Vùng Tây sông Hậu

Nhiệt độ: 27,5 - 27,7oC, pH: 7,1 - 7,2, độ trong: 29,0 - 29,6 cm, độ kiềm: 71,6 mg/l, nitrite: 0,015 - 0,02 mg/l, phosphate: 0,02 - 0,1 mg/l, tiêu hao oxy sinh học: 4,144 - 4,285 mg/l, ammonia: 0 mg/l thích hợp cho sự phát triển của tôm nuôi.

Tuy nhiên, độ mặn vẫn tiếp tục duy trì ở mức 0‰ tại cả 03 điểm quan trắc của vùng, oxy hòa tan (DO) thấp, chỉ 2,5 - 3,0 mg/l không thích hợp cho hoạt động nuôi tôm nước lợ.

3. Vùng Tứ giác Long Xuyên

Nhiệt độ: 27,5 - 30,0oC, pH: 7,0 - 7,9, độ trong: 25 - 60 cm oxy hòa tan (DO): 4,0 - 5,5 mg/l, ammonia: 0 - 0,03 mg/l, nitrite: 0 - 0,25 mg/l, phosphate: 0 - 0,25 mg/l, tiêu hao oxy sinh học (BOD5): 2,658 - 4,475 mg/l. Phần lớn các chỉ tiêu lý hóa trên tại các điểm quan trắc nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép và thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của tôm nước lợ.

Tuy nhiên, tại một số điểm quan trắc như: cống Vàm Rầy (Hòn Đất) có độ trong, hàm lượng nitrite, phosphate vượt ngưỡng giới hạn và không thích hợp cho đời sống của tôm nuôi nước lợ.

Độ mặn (0 - 2‰), độ kiềm (17,9 - 71,6 mg/l) ở tất cả các điểm quan trắc của vùng đều giảm sâu và tồn tại ở mức rất thấp, dưới ngưỡng thích hợp cho tôm nuôi phát triển.

4. Vùng nuôi cá lồng bè tập trung của xã Hòn Nghệ - Kiên Lương

Nhiệt độ: 28,5 - 29,0oC, độ mặn: 16 - 17‰ giảm nhiều so với đợt quan quan trắc trước, oxy hòa tan (DO): 10,0 mg/l, hàm lượng NH4+: 0 mg/l, hàm lượng nitrite: 0 mg/l, phosphate: 0 mg/l, phần lớn các chỉ tiêu quan trắc nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép và thích hợp cho cá nuôi lồng bè phát triển. Mật độ vi khuẩn Vibrio.sp tại các điểm quan trắc của vùng tăng so với đợt quan trắc trước, dao động từ 115 - 3.070 cfu/ml, vượt ngưỡng giới hạn cho phép đối với động vật thủy sản nuôi tại điểm quan trắc cuối vùng nuôi ở Bãi Chướng và Bãi Nam (>1.000 cfu/ml).

5. Nhận định và khuyến cáo chung

* Nhận định:

- Tại phần lớn các điểm quan trắc tồn tại nhiều bất lợi, cần phải lưu ý, xử lý như: độ kiềm thấp (13/20 điểm), độ mặn thấp (19/23 điểm), độ trong thấp (6/20 điểm) hàm lượng nitrite cao vượt ngưỡng (9/23 điểm), hàm lượng phosphate cao vượt ngưỡng (7/23 điểm).

- Mật độ Vibrio tổng số có xu hướng tăng cao hơn so với đợt quan trắc trước tại vùng U Minh Thượng. Có 2/20 điểm quan trắc phục vụ cho nuôi tôm nước lợ có mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số tăng cao đột biến, vượt ngưỡng giới hạn cho phép (>1.000 cfu/ml) từ 3 - 7 lần, tồn tại ở mức 3.730 - 7.560 cfu/ml tại Vàm Xẻo Nhàu (An Minh) và Đầm Đông Hồ (Hà Tiên). Tại vùng nuôi cá lồng bè tập trung của xã Hòn Nghệ - Kiên Lương mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số tăng so với đợt quan trắc trước. Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus tiếp tục được ghi nhận trong 15/20 kênh cấp nước phục vụ nuôi tôm và mật độ tăng cao đột biến so với đợt quan trắc trước tại điểm quan trắc Đầm Đông Hồ (Hà Tiên) tồn tại ở mức 7.970 cfu/ml.

* Giám sát dịch bệnh thụ động:

Từ ngày 01/10 - 15/10/2018 không ghi nhận thêm ổ dịch bệnh, thiệt hại trên tôm, cá nuôi lồng bè.

* Khuyến cáo:

Đối với nuôi tôm nước lợ:

Theo Thông báo số 263/TB-SNNPTNT ngày 20/11/2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT về thông báo kế hoạch sản xuất tôm nuôi đầu vụ năm 2018 thì mùa vụ sản xuất tôm sú - lúa đến nay đã hết lịch thời vụ.

Thời điển hiện nay, trên các kênh cấp nước tại vùng Tứ giác Long Xuyên có độ mặn, độ kiềm, độ trong giảm thấp không thích hợp để lấy nước vào, còn trong ao nuôi tôm do mưa nhiều làm cho nước ngọt và thiếu khoáng vi lượng làm tôm giảm ăn, mềm vỏ, lột dính, suy giảm sức đề kháng và mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Do đó, để thuận lợi cho tôm nuôi phát triển, các nông hộ nuôi tôm cần lưu ý thực hiện các biện pháp quản lý ao nuôi tổng hợp, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết thủy văn, quan trắc môi trường, giám sát mầm bệnh để có những biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Ngoài ra cần lưu ý thực hiện tốt một số khuyến cáo như sau:

- Đối với các cơ sở nuôi tôm thương phẩm nếu không có sẵn nguồn nước dự trữ thì không nên thả nuôi mới trong giai đoạn này. Đối với diện tích tôm đang thả nuôi nên hạn chế tối đa việc lấy nước từ các kênh cấp vào ao nuôi tôm, nếu bắt buộc phải thay hay châm thêm nước thì xử lý trong ao lắng trước khi cấp vào ao nuôi. Đối với ao có mật độ vi khuẩn Vibrio cao, định kỳ 15 ngày/lần tiến hành diệt khuẩn, bổ sung các chất bổ trợ gan cho tôm ăn, sử dụng men vi sinh để khôi phục hệ vi khuẩn có lợi trong ao.

- Lựa chọn con giống khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch, nên mua con giống của những cơ sở sản xuất có uy tín. Xét nghiệm bệnh trên tôm giống trước khi thả nuôi; độ mặn trên các kênh giảm thấp trong mùa mưa do đó người nuôi cần kết hợp với trại giống để điều chỉnh 2 môi trường nuôi tương đương nhau, độ mặn không nên chênh lệch nhau quá 5‰ nhằm giảm sốc và đạt tỷ lệ sống cao.

- Hằng ngày kiểm tra các chỉ tiêu môi trường trong ao nuôi để kịp thời điều chỉnh nếu có sự bất lợi, kiểm tra sàng ăn (nhá) để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp tránh dư thừa.

- Khi mưa lớn thường xảy ra hiện tượng xì phèn đáy ao và rửa trôi phèn từ bờ bao, do đó người nuôi cần rải vôi khô dọc bờ ao trước và sau cơn mưa để duy trì hệ đệm cũng như ổn định pH trong ao. Trong cơn mưa lớn cần sục khí ao nuôi để xáo trộn nước hoặc rút bớt nước tầng mặt để tránh hiện tượng phân tầng. Sau cơn mưa cần kiểm tra hoạt động của tôm (hình dạng, màu sắc, phản xạ, đường ruột, thức ăn trong nhá) và môi trường nước (pH, kiềm, độ trong, độ mặn), giảm lượng thức ăn và bổ sung thêm khoáng vi lượng, vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm.

- Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của tôm, kiểm tra các yếu tố môi trường để kịp thời điều chỉnh nếu cần và khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh hoặc biểu hiện bất thường nên báo ngay cho cán bộ thú y địa phương, các hộ nuôi xung quanh, tuyệt đối không được xả nước, tôm của ao nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường nếu chưa qua xử lý để tránh lây lan trên diện rộng;

- Độ kiềm , độ pH và nitrit ở những điểm quan trắc ngoài ngưỡng thích hợp phải được quan tâm xử lý tốt để có giá trị thích hợp là: Độ kiềm  từ 90 - 130 mg/l đối với tôm sú và 100 - 150 mg/l đối với tôm chân trắng; độ pH thích hợp cho tôm nuôi phát triển là 7,5 - 8,5 và biến thiên pH trong ngày không quá 0,5; hàm lượng nitrite phải <0,05 mg/l.

Đối với các hộ nuôi cá lồng bè:

Do ảnh hưởng của việc xã lũ từ thượng nguồn các con sông nên nước ngọt từ trong đất liền đổ ra biển với số lượng rất lớn mang theo nhiều phù sa, chất thải làm biến động đột ngột một số chỉ tiêu chất lượng nước của các khu vực nuôi cá lồng bè, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ ven biển, ven đảo: độ mặn, độ trong, hàm lượng oxy hòa tan giảm mạnh trong khi hàm lượng amonia, nitrite, phosphate và mật độ các loại vi khuẩn có khả năng tăng cao làm cá bị sốc, suy giảm sức đề kháng dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh, thiệt hại do sốc môi trường rất cao. Do đó, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bênh trên cá nuôi lồng bè, hạn chế thiệt hại trong mùa mưa - lũ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn biện pháp như sau:

- Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế các huyện, thị xã có nuôi cá lồng bè trên biển chủ động nắm bắt tình hình nước lũ có khả năng di chuyển ra xa bờ ảnh hưởng đến hải sản nuôi để cảnh báo, khuyến cáo người nuôi chủ động ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, thiệt hại.

- Các địa phương có quy hoạch nuôi cá lồng bè ven biển, đảo cần thực hiện đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về vị trí đặt lồng, số lượng lồng, bảo vệ môi trường khu vực nuôi,...

- Hướng dẫn người nuôi phải giám sát chặt chẽ tình hình môi trường nước vùng nuôi, thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá, phân công người trực canh bè 24/24 giờ để kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường của môi trường nước và đưa ra giải pháp ừng phó thích hợp nhằm hạn chế thiệt hại.

- Hướng dẫn người nuôi tập trung thực hiện tốt quy trình phòng bệnh tổng hợp đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tập huấn:

+ Chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch, kích cỡ đồng đều, cá khỏe mạnh, không bị sây sất. Thức ăn là cá mồi thì phải tươi, rửa cá bằng nước ngọt 2-3 lần trước khi cho cá ăn để loại bỏ các mầm bệnh. Nên sử dụng thức ăn viên dành cho cá để thuận tiện cho việc bổ sung vitamin, khoáng vi lượng để nâng cao sức đề kháng cho cá.

+ Thường xuyên vệ sinh lưới lồng, vùng nuôi để loại bỏ các chất thải, sinh vật bám, tăng lưu lượng trao đổi nước và giảm mật độ vi khuẩn trong lồng;

+ Định kỳ 5-7 ngày tắm cá bằng nước ngọt hoặc nước ngọt có pha formol với nồng độ 200ppm trong thời gian 20 - 30 phút có sục khí liên tục để phòng các bệnh do ký sinh trùng, vi khuẩn cho cá. Thao tác nhẹ nhàng, hạn chế gây ra các sây sát do tác động cơ học;

- Để điều trị các bệnh do nhóm ký sinh trùng đơn bào gây ra sử dụng biện pháp treo các túi vải có chứa sulfat đồng với liều lượng CuSO4.5H2O là 50g/10 m3 lồng, thay túi 2-3 ngày/lần hoặc tắm cá với liều 0,3-0,5ppm trong 30 phút.

- Để điều trị bệnh lở loét, xuất huyết do vi khuẩn Vibrio spp gây ra người nuôi nên tách riêng cá bệnh và trị bệnh cho cá bằng cách trộn một trong các loại kháng sinh Doxycyline, Erythromycin, Florfenicol vào thức ăn với liều lượng 2 - 5g/kg thức ăn, cho ăn liên tục trong 5-7 ngày

Chi cục Chăn nuôi Thú y Kiengiang.GOV

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện