Thông tin thị trường

TS Trần Du Lịch:cái gốc là chính sách với nông nghiệp

Thứ tư, 02/12/2015 07:48 lượt xem: 463

Để giải quyết được bài toán liên kết chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp thì phải đi từ cái gốc của vấn đề, tức phải thay đổi chính sách, chứ không thể có được thành công từ việc bàn đến phần ngọn, theo tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM.

Phát biểu tại hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững” được tổ chức tại Bến Tre hôm nay 1-12, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, đặt một loạt câu hỏi: “Tại sao có một bộ phận nông dân phải dùng hóa chất trong sản xuất? Tại sao chúng ta để nông dân làm như vậy? Chính sách chúng ta như thế nào?”

 

Ông Lịch cho biết, ông không trách người nông dân vì họ phải cạnh tranh để tồn tại, nhưng cho rằng cần phải thay đổi cách làm bởi giá cả tuy là yếu tố quan trọng, nhưng chất lượng sản phẩm còn quan trọng hơn vì nó mới là yếu tố để cạnh tranh và tồn tại trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

 

Theo ông Lịch, hiện đang có một hiện tượng rất đáng mừng, dù chưa nhiều, đó là một số doanh nghiệp lớn đã đi vào lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao như Him Lam (Công ty cổ phần Him Lam), Vingroup (Tập đoàn Vingroup) và một số doanh nghiệp khác đang có sự thành công trong chuỗi giá trị chăn nuôi bò…

 

“Thế thì cái gì quyết định trong chuỗi này, yếu tố nào?” ông Lịch đặt vấn đề và cho rằng trong liên kết chuỗi giá trị có bốn nhà, gồm nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp, nhưng vai trò của nhà nước là rất “mờ nhạt”.

 

“Tôi xin lỗi các đồng chí quản lý nhà nước, tôi cảm thấy nhà nước có mặt ở khắp mọi nơi, chỗ nào cũng có hết, nhưng hiệu quả mang lại thì rất ít”, ông nói.

 

Trước thực trạng như vậy, ông Lịch cho rằng, để phát triển chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp trước hết phải có được những “con sếu” đầu đàn, tức phải có doanh nghiệp và hợp tác xã.

 

Tuy nhiên, muốn hợp tác xã phát triển, thì phải có được ông chủ nhiệm để quản lý và ông này phải hội tụ được hai yếu tố là phải có cái đầu của nhà kinh doanh và có trái tim của nhà từ thiện. “Nếu thiếu 1 trong 2 thì chỉ có thể làm nhà từ thiện hoặc làm doanh nghiệp thôi, chứ không thể làm chủ nhiệm hợp tác xã được; và dĩ nhiên mối liên kết này cũng sẽ khó khăn vì hợp tác xã là tiền đề để tổ chức sản xuất lại”, ông cho biết.

 

Còn đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, theo ông Lịch, nếu không có họ cũng không làm được, cho nên cần phải có chính sách để doanh nghiệp đi vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn.

 

Con đường để thực hiện việc này, theo đề xuất của ông Lịch, là phải bằng thuế và thực hiện theo mô hình của Bắc Âu. “Ở Bắc Âu, 70% các nông trang của tư nhân là họ thuê đất của nông dân, và tôi đề nghị nếu anh (doanh nghiệp) tích tụ đất bằng cách thuê đất của nông dân, thì toàn bộ diện tích thuê đó không phải đóng thuế nông nghiệp, còn anh mua lại thì phải đóng thuế, như vậy, sẽ khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện”, ông gợi ý.

 

Theo ông Lịch, chỉ với những cách làm căn cơ, đi từ cái gốc vấn đề như vậy mới có thể thiết lập được mô hình theo chuỗi giá trị, “chứ còn chúng ta bàn cái ngọn, không nói đến cái gốc thì chưa giải quyết được vấn đề”, ông nói.

 

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng chính sách thuế phải tạo cơ hội giúp doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh công bằng.

 

“Chứ bây giờ, giữa gạo có thương hiệu và không thương hiệu, thì gạo có thương hiệu bị đánh thuế 5%, thì rõ ràng đó là rào cản làm khó những doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu”, ông cho biết.

 

Theo ông Thòn, trong giai đoạn đầu doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, thì nên miễn thuế cho doanh nghiệp, bởi việc thu thuế này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả thu ngân sách của nhà nước, nhưng lại gây khó cho doanh nghiệp.

 

Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, thì cho rằng cần phải thay đổi tư duy liên kết chuỗi giá trị theo hướng không chỉ có liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học với nông dân, mà phải liên kết cả giữa những doanh nghiệp với nhau.

 

“Ví dụ, chiếc máy bay Boeing của Mỹ có đến 117 nước tham gia trong cái chuỗi để tạo ra giá trị chiếc Boeing. Như vậy, rõ ràng yêu cầu bây giờ không chỉ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong cái chuỗi, mà bản thân doanh nghiệp phải liên kết với những ông doanh nghiệp khác nữa. Phải thay đổi tư duy theo hướng đó, thì chuỗi giá trị mình mới nâng lên được, chứ không ông nào giỏi mà làm hết tất cả các khâu được”, ông Hiệp nói.

 

Trung Chánh (thesaigontimes.vn)

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện