Thông tin thị trường

Trung Quốc muốn định giá nguyên liệu toàn cầu: Ai dám tin?

Thứ hai, 30/05/2016 08:11 lượt xem: 2218

Các chủ thể tham gia thị trường muốn một trung tâm định giá công bằng, theo quy luật thị trường để họ có thể tin. Đây là điều Trung Quốc đang thiếu.

Lợi thế lớn nhưng rào cản không nhỏ

Bình luận về tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành trung tâm định giá các loại hàng hóa, trước hết là đối với thị trường nguyên liệu thô toàn cầu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng, mong muốn của Trung Quốc là điều dễ hiểu vì bản thân quốc gia này đang muốn trỗi dậy, trở thành một cực của thế giới. Để làm được điều đó, trước hết đồng nội tệ phải được chuyển đổi và tham gia tích cực  vào các lĩnh vực kinh tế-xã hội, đặc biệt là đầu ra và đầu vào của thế giới.

Trung Quoc muon dinh gia nguyen lieu toan cau: Ai dam tin?
Trung Quốc muốn trở thành trung tâm định giá nguyên liệu thô của thế giới

"Trung Quốc luôn muốn quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, phát triển thị trường Hong Kong, Thượng Hải để trở thành thị trường tài chính của cả thế giới. Châu Á đang là khu vực trỗi dậy mạnh mẽ của thế giới, nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu thô cực lớn. Khu vực này đã có thị trường Singapore, Tokyo nhưng không phải là các thị trường lớn, khả năng phát triển có giới hạn nhất định. Chẳng hạn, Singapore chỉ là thị trường môi giới, hay Tokyo cũng không thể lớn lên được trong khi Trung Quốc có hai thị trường tương đối có tên tuổi là Hong Kong và Thượng Hải - vốn có truyền thống lâu đời, đặc biệt là Hong Kong tiếp thu được nhiều tinh hoa của thị trường London (Anh) và có hàng trăm năm nằm dưới sự thống trị của thực dân Anh nên những tinh hoa của các thị trường buôn bán, cách thức tổ chức thị trường chứng khoán, hàng hóa tương đối tốt. Đây cũng là trung tâm buôn bán nhộn nhịp của thế giới.

Ngoài ra, Trung Quốc đang là quốc gia tiêu thụ nhiều nhất các nguyên liệu thô. Bởi là người mua lớn nên Trung Quốc nghĩ rằng họ có quyền đưa ngã giá với người bán, nhất là với người buôn bán nhỏ lẻ, trở thành người quyết định giá đầu ra và đầu vào của các loại hàng hóa", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Vị chuyên gia cũng chỉ rõ những khó khăn Trung Quốc có thể vấp phải khi thực hiện ý đồ nói trên. Theo đó, nguồn nguyên liệu thô của thế giới đang ngày càng khan hiếm và người bán có sức mạnh riêng của mình dù Trung Quốc đang là người mua lớn.

Mặt khác, về mặt kinh nghiệm, các thị trường ở châu Á như Tokyo, Singapore vẫn có nhiều kinh nghiệm hơn Trung Quốc đại lục, điều này khiến Trung Quốc cạnh tranh khó khăn. Chưa kể trên thế giới, thị trường London, Frankfurt, New York... đã có truyền thống lâu đời, những người tham gia thị trường đã nắm được luật pháp, thị hiếu, thói quen của khách hàng nên họ ngại chuyển sang thị trường mới khi chưa nắm được các nguyên tắc và thông lệ của thị trường đó.

Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế tập trung bao cấp, nói cách khác nó vẫn là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, cho nên tính ổn định của luật pháp không cao. Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi, chưa phải là nền kinh tế thị trường thực thụ nên không bám sát các điều kiện thị trường, luôn luôn thay đổi chứ không đi theo tính ổn định của thị trường và thừa nhận những gì thị trường đang có.

Do đó, sự can thiệp của Nhà nước Trung Quốc vào nền kinh tế có thể khiến các chủ thể tham gia thị trường bị chèn ép, từ đó người ta ngại tham gia. Các quyết sách của Nhà nước Trung Quốc và các đường hướng kinh tế vẫn khiến các chủ thể e ngại về một thị trường có thể có những biến động ngoài dự kiến của họ.

"Kinh tế Trung Quốc thời gian qua phát triển rất nhanh và mạnh, thu hút nguồn lực lớn của thế giới nhưng trong buôn bán, những người kinh doanh, trong đó có nhiều đối tác của Trung Quốc nhìn thấy ở thị trường Trung Quốc sự thiếu ổn định. Trung Quốc có thể thực hiện theo ý muốn của họ nhiều hơn và chèn ép các đối tác ở một phương diện nào đó khi thấy đối tác có lợi thế về kinh doanh,buôn bán. Điều đó khiến các đối tượng tham gia thị trường trở nên dè dặt.

Ví dụ, khi mua bán nông sản, quặng của Việt Nam ở biên giới, nếu Trung Quốc cảm thấy họ đã được lợi, lập tức họ sẵn sàng hạ giá, đóng cửa biên giới... Điều này không chỉ xảy ra với Việt Nam mà thương nhân nhiều quốc gia khác cũng nhìn thấy sự chèn ép của Trung Quốc. Đây là một trong những trở ngại trong việc Trung Quốc muốn trở thành trung tâm định giá các loại hàng hóa trên toàn cầu.

Những người tham gia thị trường luôn muốn thị trường định giá công bằng và theo quy luật thị trường để họ có thể tin tưởng chứ không phải chỉ chăm chăm vì lợi ích của mình. Đây là điều mà Trung Quốc đang thiếu", PGS Thịnh nói.

 

Quảng cáo: chuyên cung cấp bột cá 45% đạm dùng làm nguyên liệu thức ăn hoặc nguyên liệu sản xuất phân bón (giá 5.100đ/kg); Liên hệ: 094.82.222.17

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện