Tài Liệu Nông Sản

Trồng rau màu đạt 90 triệu đ/ha

Thứ tư, 25/12/2013 08:34 lượt xem: 1048
Ông Trần Minh Tân, Chủ nhiệm HTXNN Lưu Sơn, xã Lưu Sơn (Đô Lương, Nghệ An) hồ hởi cho biết, Lưu Sơn có truyền thống làm vụ đông trên đất 2 lúa đạt năng suất rất cao.

Vì trồng lúa bấp bênh, nguy cơ đối mặt với mất mùa luôn thường trực nên bà con nơi đây không quá mặn mà. Vì thế khi mô hình trồng rau màu cao cấp được đưa vào SX từ năm 2009 đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các hộ dân. Năng suất thu hoạch 4 năm qua được duy trì ổn định dù luôn phải đối mặt với rất nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết và địa hình.

Theo ông Tân, bà con phát triển cây trồng chủ lực như đậu cô ve leo, bí xanh và bí đỏ. Đậu cô ve leo chịu nóng giỏi, chống bệnh tốt, có thể trồng ở các địa hình, nhờ bộ rễ chính mọc sâu nên khả năng chống hạn cực tốt, phải làm giàn chắc chắn để cây leo khi đến kỳ phát triển.

Bí đỏ dễ trồng vì không quá kén đất, trồng trên bờ hoặc đất ruộng sau lúa đều được, nhưng tốt nhất là trên đất mới khai phá. Cây chịu khô hạn tốt nhưng lại chịu úng kém nên yêu cầu là phải khơi thông ruộng đồng, đào rãnh, tránh để nước ủ quá lâu dẫn đến thối rữa.

Trong 3 loại giống kể trên thì bí xanh đòi hỏi chế độ chăm sóc kỹ càng nhất, đặc điểm của nó là ưa ánh sáng ngắn ngày nhưng đến thời điểm thân lá sinh trưởng lại yêu cầu ánh sáng mạnh, khi ra hoa kết quả đòi hỏi ánh sáng vừa phải. Bí đỏ cần độ ẩm cao nhưng không chịu được ngập úng, nhiều công đoạn phức tạp nhưng nếu chịu khó hoàn thành đúng các bước kỹ thuật thì năng suất đạt cao.

Kết quả của vụ đông năm ngoái bà con ở đây thu hoạch bí đỏ lên đến 35 tấn/ha. Mỗi loại cây đều có những đặc tính riêng nhưng nhận thấy có nhiều điểm chung nên bà con quyết định đưa vào trồng cùng lúc.

“Lợi ích đầu tiên phải nói đến là năng suất cực kì ổn định, tiết kiệm nhiều thời gian, từ thời điểm trồng cho đến khi thu hoạch chỉ kéo dài tầm 2 tháng. Những loại cây này cơ bản đều dễ phát triển nhưng đòi hỏi phải chăm bón thường xuyên.

Sau khi thu hoạch xong lúa vụ HT, chúng tôi tiến hành vãi vôi để khử trùng. Mổ hốc, bón đạm, kali kết hợp với phân chuồng. Sau khi trỉa hạt cần phủ rơm để giữ ẩm cho giống. Đào rãnh ở bên, tiếp tục rải phân, rơm để giữ dinh dưỡng cho cây phát triển.

Vấn đề sâu bệnh cũng rất đáng ngại nên đòi hỏi phải thường xuyên theo dõi, phun thuốc kịp thời khi thấy có dấu hiệu. Hộ nào làm tốt thì năng suất chắc chắn rất khả quan”, ông Hồ Xuân Hạnh ở xóm Điện Biên, hộ có diện tích lớn trồng rau chia sẻ. Năm ngoái, nhà ông Hạnh làm 5 sào, mỗi sào thu về 4,5 triệu đồng, tính sơ sơ đã lãi ròng gần 20 triệu.

Cùng chung niềm vui là hộ ông Đào Văn Hải ở cùng xóm, trên diện tích 4 sào đã mang về cho gia đình 18 triệu đồng/vụ. “Vài năm trở lại đây, thay vì trồng lúa thì chúng tôi quyết định chuyển đổi để làm theo mô hình mới. So với trồng lúa thì hiệu quả hơn hẳn, chí ít cũng lãi gấp đôi. Năm nay gia đình tôi vẫn chỉ tập trung trồng đậu, bí xanh và bí đỏ lấy ngọn là đủ để trang trải cho cả năm”, ông Hải nói.

Vụ đông năm ngoái, tính bình quân mỗi sào đậu cô ve mang lại thu nhập từ 3,5 - 3,7 triệu đ, bí đỏ 3,8 triệu đ, bí xanh 4,6 triệu. Trừ tất cả chi phí từ phân bón, đạm, thuốc trừ sâu…, mỗi ha bà con thu về từ 80 - 90 triệu.

Từ những thành công đó, UBND xã Lưu Sơn đã chỉ đạo, khuyến khích các hộ nhân rộng mô hình, làm theo phương châm giảm diện tích ngô trên đất 2 lúa, tăng diện tích rau màu.

 

Năm nay, toàn xã có 33,5 ha trồng đậu cô ve, 6 ha bí xanh và 23,5 ha bí đỏ. Thường thì đến kì thu hoạch, các nhà máy hay thương lái đánh xe ô tô đến tận đồng để gom hàng. Trồng nhanh, tiêu thụ dễ, hiệu quả kinh tế cao nên ai nấy đều phấn khởi.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện