Tổng cục Thủy sản cho biết, Trung Quốc đang là nước xuất khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới, năm 2013 khoảng 1,3 tỷ USD. Còn xuất khẩu cá rô phi của nước ta, theo Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe, trong 10 tháng đầu năm 2014 kim ngạch 27 triệu USD. "Nhiều thị trường trên thế giới đang muốn bỏ cá rô phi Trung Quốc để mua của Việt Nam do cá rô phi Việt Nam chất lượng tốt hơn", ông Hòe thông báo.
Tuy nhiên, giống cá rô phi của nước ta hiện quá kém nên giá thành nuôi cá thương phẩm cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Theo Tổng cục Thủy sản, mỗi năm nước ta sản xuất khoảng 455 triệu cá rô phi giống. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ông Lê Văn Quang, buồn bã thông báo: "Chúng tôi nuôi cá rô phi cho công nhân cũng không ăn".
Ông Quang kể một câu chuyện dài. Minh Phú nổi tiếng với nuôi và chế biến tôm xuất khẩu, năm 2014 này đã đạt 720 triệu USD, hàng đầu cả nước. Mấy năm qua cũng gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh trên tôm và qua chống dịch bệnh đã tìm ra quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi để lấy nước nuôi tôm thì tôm kháng bệnh tốt. Quy trình là cứ một ao nuôi tôm thì kèm bên một ao nuôi cá rô phi. Tôm ít bệnh, mau lớn, chất lượng tốt trong khi cá rô phi cũng được khách hàng ở nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng vì nuôi trong nước lợ thịt rất ngon.
"Nhưng giống kém nên cá chậm lớn, hao hụt nhiều", ông Quang than thở. Thị trường thế giới ưa chuộng fillet đông lạnh và để làm được fillet, mỗi con cá rô phi cần có trọng lượng 0,8 kg trở lên. Theo ông Quang, giống cá rô phi của thế giới nuôi 4 tháng đã đạt trọng lượng mong muốn, còn của nước ta phải nuôi thời gian gấp đôi. Thế nhưng cá đạt trọng lượng yêu cầu cũng chỉ chiếm tỷ lệ thấp, còn lại cá nhỏ phải xuất nguyên con (chỉ cắt đầu bỏ ruột) không xuể, "cho công nhân không ăn".
Minh Phú có khu nuôi tôm ở tỉnh Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu rộng hơn 520 ha, năm ngoái thực hiện quy trình nuôi ghép cá rô phi và tôm, cần 3 triệu con giống tốt nhưng tìm khắp cả nước không có. Còn tính cả vùng tôm do nông dân nuôi để cung cấp nguyên liệu cho Minh Phú, tổng cộng khoảng 100.000 ha, nhu cầu cá rô phi giống mỗi năm khoảng 52 triệu con "chỉ là mơ ước".
Nỗi thất vọng của ông Quang đã lan ra nhiều đại biểu dự hội thảo, có đại diện cơ sở sản xuất giống thủy sản của Bộ NN&PTNT cùng các địa phương. Đại diện một số cơ sở sản xuất giống thừa nhận, thế giới đã sử dụng cá rô phi bố mẹ đến dòng thứ 24 - 25, nước ta vẫn sử dụng dòng 13 - 14 với đặc tính sinh học lạc hậu nên nuôi cá thương phẩm nhỏ, khó làm sản phẩm fillet. Tổng cục Thủy sản cho biết thêm, khoảng 70% đàn cá rô phi bố mẹ ở các tỉnh phía Nam còn được chọn từ cá thương phẩm, qua nhiều năm đã thoái hóa, tốc độ sinh trưởng chậm.
Thế nhưng Minh Phú muốn sản xuất cá rô phi giống lại không được, vẫn câu chuyện của ông Quang. Ông kể, Minh Phú có cơ sở sản xuất tôm giống ở tỉnh Ninh Thuận, năm ngoái chuẩn bị diện tích sản xuất cá rô phi giống (theo ông Quang sẽ tốt thêm cho tôm giống) và đã nhập về 100.000 con cá rô phi bố mẹ dòng 24, từ Israel. Nhưng tỉnh Ninh Thuận không cho sản xuất cá rô phi giống, đe dọa nếu Minh Phú cứ sản xuất sẽ cưỡng chế. "Chúng tôi phải đem đàn cá rô phi bố mẹ ấy về tỉnh Kiên Giang nuôi làm thịt, tiếc vô cùng và vẫn không biết kiếm đâu ra giống tốt để nuôi?", ông Quang nói.