Sự Kiện

Tín dụng cho ngư dân: Vì sao vẫn khó?

Thứ sáu, 19/12/2014 03:30 lượt xem: 1539
Sau gần 4 tháng triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về gói hỗ trợ cho ngư dân; nhưng đến nay, nguồn vốn này vẫn chưa được khơi thông.

Vẫn còn vướng mắc

Từ ngày 25/8/2014, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ chính thức được áp dụng; Theo đó, các doanh nghiệp và cá nhân được vay vốn tới 70 - 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với thời hạn vay vốn 11 năm và lãi suất phải trả chỉ 1 - 3%/năm, phần còn lại do ngân sách nhà nước cấp bù.

Hiếm có nghị định nào mà từ khi hình thành chủ trương đến khi ban hành và có hiệu lực chỉ mất có vài tháng như Nghị định 67; cùng đó là hơn chục quyết định, gần chục thông tư hướng dẫn được ban hành, nhằm sớm đưa Nghị định vào thực tiễn. Điều này cho thấy, Chính phủ quyết tâm cao trong việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao đời sống người dân, khẳng định chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó, rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu trực tuyến được tổ chức, nhằm tìm ra những điểm còn ách tắc để kịp thời sửa đổi, tháo gỡ khó khăn, giúp ngư dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn.

Các ngân hàng thương mại đã đưa ra các gói tín dụng với quy mô lớn (như Agribank trích 5.000 tỷ đồng, BIDV 3.000 tỷ đồng, Vietinbank 3.000 tỷ đồng, MHB 2.000 tỷ đồng, Vietcombank 1.000 tỷ đồng...).

Tuy nhiên, đến lúc này, xem ra mọi nỗ lực của các cấp, các ngành vẫn chưa đem lại kết quả như kỳ vọng; thậm chí nhiều ngư dân, doanh nghiệp bắt đầu nản.

           Nhiều ngư dân chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi 

 

Chưa như kỳ vọng

Câu hỏi “Làm gì để khơi thông dòng vốn tín dụng cho ngư dân, sớm đưa nghị định của Chính phủ vào áp dụng, phát huy hiệu quả trong thực tiễn?” được phóng viên Thủy sản Việt Nam đặt ra với một số chuyên gia kinh tế, lãnh đạo ngân hàng… Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc triển khai Nghị định 67, trong đó có giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho ngư dân, thực sự quan trọng, cần triển khai quyết liệt nhưng không nên nóng vội.

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng mới sau gần 4 tháng triển khai thì đó cũng là việc bình thường, không thể chính sách đưa ra hôm nay, ngày mai đã có kết quả ngay. Theo ông Kiên, việc xét duyệt theo các tiêu chí rồi cẩn thận trong khâu cho vay như cách làm hiện nay của Nghị định 67 là cần thiết, tránh “vết xe đổ” như chương trình cho vay đánh bắt xa bờ hơn chục năm trước.

Ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV cũng khẳng định, BIDV đã sẵn sàng giải ngân vốn cho ngư dân, doanh nghiệp ngành thủy sản. “Ngay từ khi Nghị định 67 bắt đầu có hiệu lực, nhân viên BIDV đã trực tiếp đến một số địa phương, nắm bắt nhu cầu của ngư dân. Qua tiếp xúc ngư dân, Ngân hàng đã nắm được danh sách nhiều hộ đủ điều kiện vay vốn. Chỉ cần có văn bản phê duyệt của cấp tỉnh, BIDV sẽ lập tức giải ngân, cấp vốn cho các hộ này”.

Tuy nhiên, theo ông Thành, để ngư dân thấy rõ trách nhiệm của mình với vốn vay ngân hàng, rằng đây là vốn vay ưu đãi, được hỗ trợ lãi suất chứ không phải cho không, thì cũng cần có thời gian, cần tuân thủ các quy định, tiêu chí mà địa phương đưa ra.

Để xúc tiến nhanh hơn, không để ngư dân rơi vào cảnh "sau hy vọng là… thất vọng", cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ngành, chính quyền địa phương.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa 4 bên: ngư dân, hiệp hội nghề cá; các bộ ngành; chính quyền địa phương; các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm, là đặc biệt quan trọng. Nếu sự phối hợp này không tốt, có thể dẫn đến có khoảng cách không nhỏ giữa các tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng và tiêu chí xét duyệt của các cơ quan nhà nước. Khi đó, thời gian thẩm định hồ sơ vay vốn sẽ kéo dài, đồng nghĩa đồng vốn đến tay ngư dân thêm chậm. 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện