Bình Định đã có 73 trang trại đạt tiêu chí quy định về KTTT của Bộ NN-PTNT, trong đó 69 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại trồng trọt và 3 trang trại lâm nghiệp. Huyện Hoài Ân dẫn đầu ngành chăn nuôi với 28 trang trại, Tây Sơn 13, Phù Cát 10, Hoài Nhơn 4 và TX An Nhơn 4.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, doanh thu bình quân của các trang trại trong năm 2014 ước đạt 2,6 tỷ đồng/trang trại, tăng 600 triệu đồng/trang trại so với năm 2013.
Trong đó, doanh thu bình quân của trang trại chăn nuôi đạt cao nhất với mức 4,3 tỷ đồng/trang trại, thấp nhất là trang trại trồng trọt với mức 720 triệu đồng/trang trại. Lợi nhuận bình quân của các trang trại từ 150 – 200 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, các trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động/trang trại.
Theo ông Tống Nhuệ, Chủ tịch Hội Làm vườn Bình Định, trong phát triển KTTT, vai trò của nhiều trang trại có quy mô lớn đã được thể hiện rõ nét. Không chỉ SX, các trang trại này còn đảm nhiệm dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật nuôi; tổ chức cung ứng dịch vụ thú y, BVTV và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Đặc biệt, loại hình trang trại chăn nuôi phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây nhờ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được khống chế tốt.
“Phát triển KTTT đã góp phần không nhỏ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động nông thôn”, ông Nhuệ nói.
Khó khăn
Hiệu quả là vậy, nhưng KTTT vẫn bộc lộ hạn chế về nhân lực và sự liên kết của các trang trại. Theo ông Hoàng Quốc Việt, Trưởng phòng Chính sách và Kinh tế nông thôn, Chi cục PTNT Bình Định, quy mô KTTT chưa phân bổ đồng đều ở các vùng, các địa phương.
Công tác tổ chức còn manh mún, nhiều trang trại do hình thành tự phát, nên tùy tiện trong bố trí SX; các chủ trang trại mạnh ai nấy làm, hoạt động phân tán, thiếu sự liên doanh, liên kết, tương trợ lẫn nhau.
“Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các chủ trang trại còn thấp, chưa đủ để tổ chức SX quy mô lớn. Trong bối cảnh nông sản gặp khó khăn về đầu ra như hiện nay mà các chủ trang trại còn thiếu hiểu biết về thị trường, nên thường lúng túng và chịu thua thiệt trong tiêu thụ sản phẩm”, ông Việt nói.
Tuy nhiên, bức xúc nhất hiện nay của KTTT là vấn đề vốn đầu tư phát triển SX. Theo ghi nhận, gần như toàn bộ các trang trại đều do chủ nhân tự bỏ vốn đầu tư, hoặc bỏ công xây dựng dần dần để hình thành. Các chủ trang trại rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nếu tiếp cận được thì cũng “nhát tay”, không dám vay, vì quá sợ mức lãi suất.
“Nếu KTTT được phát triển bền vững ngoài góp phần khai thác hiệu quả đất SXNN tại địa phương, còn khai khẩn được nhiều diện tích đất trống đồi núi trọc, đất hoang hóa tại các vùng trung du, miền núi và ven biển”, ông Tống Nhuệ nói.
Thêm vào đó, thời gian quy định trả nợ ngắn, trong bối cảnh giá nông sản luôn bấp bênh, đầu ra không ổn định như hiện nay, các chủ trang trại sợ không kham nổi việc trả lãi, trả nợ vay.
Ví như trang trại của ông Nguyễn Văn Nam ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn) có diện tích 7 ha, đang nuôi 27.000 con gà, doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng/năm; sau khi trừ chi phí còn lãi trên 600 triệu đồng/năm.
Ông Nam bộc bạch: “Khó khăn lớn nhất trong phát triển KTTT vẫn là nguồn vốn SX. Với đàn gà trứng giống 27.000 con, trang trại của tôi chi ít nhất 3 triệu đồng tiền cám mỗi ngày, chưa kể các chi phí khác.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng rất khó khăn do đòi hỏi nhiều thủ tục. Nếu các ngân hàng tạo điều kiện vay vốn thuận lợi, lãi suất ưu đãi, thì chủ trang trại sẽ có điều kiện để đầu tư mở rộng quy mô SX”.
Là người rất tâm huyết với ngành nông nghiệp, ông Tống Nhuệ, Chủ tịch Hội Làm vườn Bình Định cho rằng để KTTT phát triển bền vững, bên cạnh sự nỗ lực của các chủ trang trại, các ngành chức năng cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản lý SXKD, kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi cho các chủ trang trại.
Quy hoạch SX cũng cần được cơ quan chức năng phân bố, xác định rõ vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi gắn với công nghiệp chế biến; xác định từng loại cây trồng trên từng loại đất, gắn với đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện… phục vụ SX gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường công tác thông tin thị trường một cách thường xuyên cho nông dân, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù.