Kiến Thức Trồng Trọt

Thời cơ sản xuất giống..

Thứ năm, 07/01/2016 08:48 lượt xem: 930

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đã định hướng tập trung cho mô hình xây dựng cánh đồng liên kết giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, chủ trương tái cơ cấu ngành giống lúa được tỉnh quan tâm thực hiện..

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2015 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định, năm 2016 các nước châu Á sẽ gặp nhiều khó khăn trong SX lương thực do hạn hán, mất mùa.

 Do đó, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội XK sản phẩm lúa gạo. Đây là một tin vui với nông dân vùng ĐBSCL, đặc biệt là nông dân Đồng Tháp, địa phương đứng thứ ba về sản lượng lúa gạo trong vùng.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cao hơn, không những XK gạo đạt chỉ tiêu sản lượng mà phải nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo Việt với giá XK ngày càng nâng lên, không phải trong một thời gian ngắn mà việc đầu tiên là phải qua quá trình cơ cấu lại ngành giống lúa, áp dụng triệt để các tiến bộ kỹ thuật trong SX..

Quy hoạch vùng sản xuất

Đồng Tháp hiện tại có 2 vùng SX lúa được hình thành từ nhiều năm qua. Các huyện phía Nam sông Tiền gồm Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành gần như trên 90% diện tích SX giống IR50404, đây là một loại giống nông dân quen SX, năng suất vượt trội so với các loại giống khác nhưng chỉ đáp ứng XK gạo cấp thấp từ 15 - 25% tấm. Hiện tại các DN, cơ sở SX-KD giống lúa, HTX đã ký hợp đồng với nông dân SX mỗi vụ hàng trăm ha giống IR50404 cung ứng cho nông dân trong và ngoài tỉnh.

Các huyện phía Bắc sông Tiền tiếp giáp Đồng Tháp Mười gồm Cao Lãnh, Tháp Mười, Tam Nông, Thanh Bình, Tân Hồng, Hồng Ngự... có nhiều cánh đồng lớn tập trung SX một số giống lúa chất lượng cao như OM 4900, OM 6976, OM 7347… Đặc biệt là các loại giống lúa thơm có giá trị XK cao như VD 20, Jasmine 85, Nàng hoa 9… Đây là vùng trọng điểm quy hoạch hàng ngàn ha SX giống lúa chất lượng cao mỗi năm trên 20.000 tấn giống phục vụ các cánh đồng liên kết ngày càng phát triển trong tỉnh...

Cánh đồng liên kết

Giai đoạn từ 2003 - 2010 ngành nông nghiệp tỉnh được đầu tư thực hiện dự án (DANIDA), hàng trăm nông dân tham gia SX giống lúa đã được tập huấn quy trình SX giống.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong SX lúa như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm… và áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng đã được nông dân SX giống hưởng ứng triệt để. Cụ thể là đầu tư xây dựng các trạm bơm điện phát triển thủy lợi nội đồng, sử dụng công cụ sạ hàng, đầu tư máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy phun xịt thuốc trừ sâu…

Bên cạnh việc áp dụng tiến bộ KHKT trong SX, các địa phương cần có biện pháp tác động hình thành các tổ giống, câu lạc bộ, hợp tác xã SX giống thông qua các mô hình cánh đồng liên kết. Các doanh nghiệp SX-KD giống lúa cần hợp đồng xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ đầu vào đến bao tiêu lúa nguyên liệu giống đầu ra.

Hiện tại toàn tỉnh đã có trên 50 mô hình cánh đồng liên kết theo chuỗi khép kín chuyên SX giống lúa tập trung ở các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Tam Nông, Thanh Bình, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành...

Nâng cao chất lượng hạt giống

Quyết định số 68/2013/QĐ-TTG ngày 14/11/2013 về “Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp” cùng với quyết định số 62/2013/QĐ-TTG ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết SX gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn” đã tạo ra một cú hích mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp cả nước nói chung và Đồng Tháp nói riêng phát triển đúng hướng, bền vững.

Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp (DOSECO) được Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho vay đầu tư dự án xây dựng nhà máy chế biến, cung ứng giống lúa Tân Phú (Thanh Bình) với số tiền giải ngân gần 3 tỷ đồng để đầu tư hệ thống điện 3 pha, hệ thống máy sàng lọc, lò sấy lúa giống, kho chứa, hệ thống băng tải, cân điện tử… Đây là cơ hội để DN nâng cao chất lượng lúa giống đảm bảo thực hiện đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-54:2011/TTBNNPTNT về chất lượng hạt giống lúa....

Ngoài ra, Ngân hàng NN-PTNT Đồng Tháp còn cho vay trên 200 tỷ đồng cho các nông hộ SX giống, các HTXNN trong tỉnh để xây dựng lò sấy lúa, trang bị máy sấy, máy gặt đập liên hợp từ năm 2014 đến nay.

Nâng cao hiệu lực quản lý chất lượng

TS Trần Ngọc Thạch, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, đến năm 2015 các tỉnh ĐBSCL đã hình thành 1.362 cơ sở SX-KD giống lúa. Như vậy, nếu tính trên 50 Cty giống, trung tâm giống cây trồng với hàng ngàn cơ sở nhỏ SX giống ở ĐBSCL thì sản lượng giống xác nhận cung ứng cho nông dân sẽ đáp ứng nhu cầu SX lúa hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và XK.

Nhưng một vấn đề rất nan giải cho ngành giống lúa Đồng Tháp cũng như các tỉnh ĐBSCL là chất lượng giống lúa còn thả nổi, hàng trăm cơ sở SX giống không có cán bộ kỹ thuật đủ điều kiện chuyên môn theo quy định của ngành nông nghiệp, công tác kiểm định ruộng giống còn qua loa, chiếu lệ..

Thậm chí còn nhiều cơ sở thu mua lúa lương thực làm giống bán ra thị trường với mức giá thấp mà vẫn thu lãi cao. Việc kiểm tra, xử phạt vi phạm về chất lượng giống của các đơn vị có thẩm quyền quản lý chất lượng giống chưa đủ răn đe, các đơn vị sẵn sàng đóng phạt để rồi vẫn tồn tại việc SX lúa giống không cần đến chất lượng. Hiện tại các Cty giống, trung tâm giống trong vùng ĐBSCL rất bức xúc về tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến lợi ích của DN và nông dân.

Việc thực hiện cơ cấu lại ngành giống lúa hiện nay cần thông qua các giải pháp về quy hoạch vùng SX giống, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng chuỗi đầu tư SX giống lúa khép kín từ đầu vào đến bao tiêu sản phẩm, triển khai mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước để phát triển ngành giống..

 

 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện