Cây Hậu phác
Nghiên cứu này của các nhà khoa học Trung Quốc đã tạo ra một nền tảng cho sự phát triển của các hợp chất chống virus phổ rộng trong ngành nuôi trồng thủy sản có nguồn gốc thảo mộc
Tác nhân gây bệnh từ virus trên cá hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, vì bản chất ký sinh nội bào của chúng. Chính vì thế, các hoạt động nghiên cứu ngành thủy sản trên thế giới và Việt Nam hiện nay nhằm mục đích kích thích các phản ứng miễn dịch tự nhiên của cá để phòng chóng các bệnh do virus gây ra. Trong đó, các loài thảo mộc nổi lên như những nhân tố đầy tiềm năng. Cây hậu phác là một đối tượng được nghiên cứu và bước đầu có những kết quả khả quan.
Nghiên cứu mới này của các nhà khoa học Trung Quốc nhằm xác định trong các loài thảo mộc sử dụng phổ biến trong Đông y cổ truyền, loài cây nào có khả năng giúp các phòng ngừa được bệnh do virus gây ra.
Cây thuốc có chứa các hoạt chất dược liệu đã được sử dụng rộng rãi trong một lịch sử. Việc thăm dò các hợp chất có hoạt tính dược lý từ thực vật có nhiều ứng dụng rộng rãi. Cây Hậu phác (Magnolia officinalis) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Magnoliaceae có nguồn gốc từ núi và thung lũng ở những vùng cận nhiệt đới và ôn đới. Trong vỏ thân cây của chúng có hai thành phần có tác dụng dược lý rất cao là magnolol và honokiol. Các nghiên trước đây cho thấy hai thành phần chính này của vỏ cây Hậu phác có khả năng kích thích các phản ứng tự nhiên của cá chống lại tác nhân gây bệnh từ ký sinh trùng (Yi và cộng sự, 2008).
Chiết xuất cây Hậu phác (Magnolia officinalis)
Nghiên cứu thảo mộc kích thích miễn dịch trên cá trắm cỏ
Các nhà khoa học đã kiểm tra biểu hiện gen mRNA của virus trong các tế bào thận cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella (CIK)) khi bị nhiễm GCRV ( là loại virus gây bệnh xuất huyết trên cá trắm cỏ) và được điều trị bằng 30 loại chiết xuất thực vật.
Các phân tích cho thấy hai hoạt chất chính là cây Hậu phác là magnolol và honokiol có chức năng bảo vệ các tế bào CIK (tế bào giúp cơ thể chống lại tác nhân virus) khi có trắm cỏ bị nhiễm bệnh do virus với nồng độ 2,00 μg/ml và 1,25 μg/ml.
Hơn nữa, phản ứng chuỗi polymerase định lượng (RT-qPCR) cho thấy cả hai hoạt chất magnolol và honokiol đều có hiệu quả để kìm hãm sự sao chép của virus GCRV trong tế bào cá chép ở các nồng độ (2.51 ± 0.51 μg/ml đối với magnolol và 3.18 ± 0,61 μg/ml đối với honokiol).
Đồng thời, các nhà khoa học cũng đã nhận thấy rằng magnolol và honokiol thúc đẩy sự biểu hiện của các gen liên quan đến miễn dịch. Với việc làm tăng đáng kể sự biểu hiện của yếu tố điều tiết interferon (IFN) trong tế bào cá trắm cỏ nhiễm virus.
Với hoạt chất honokiol từ hậu phác nó không chỉ kích thích mạnh mẽ biểu hiện của gen IL-1β, mà còn của yếu tố hoại tử tạo khối u α (TNFα) và NF-κB giúp ngăn chặn sự nhân lên của các đại bào.
Nghiên cứu này cho thấy hai hoạt chất magnolol và honokiol từ cây Hậu phác (Magnolia officinalis) đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự biểu hiện của các gen liên quan đến miễn dịch bẩm sinh nhằm tăng cường phản ứng miễn dịch của cá chống lại sự nhiễm bệnh do GCRV, góp phần hiểu rõ hơn cơ chế hoạt động ở cấp độ phân tử của các hoạt chất kháng virus từ hậu phác.
Ngoài ra, những kết quả này đã tạo ra một nền tảng cho sự phát triển của các hợp chất chống virus phổ rộng từ thảo mộc trong ngành nuôi trồng thủy sản trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
TRỊ THỦY