Thông tin thị trường

Tham vọng biến hơn 256 ha đất lúa thành đại dự án của Tập đoàn FLC...

Thứ hai, 21/03/2016 13:17 lượt xem: 500

Sau khi chuyển đổi hơn 7 ha đất nông nghiệp để xây dựng Vĩnh Thịnh Resort, Tập đoàn FLC đang tham vọng lấy thêm 256,8822 ha đất nông nghiệp ở các xã Vĩnh Thịnh và An Tường (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) để thực hiện giai đoạn hai của dự án...

Những thông tin về việc hơn 256 ha đất nông nghiệp sẽ biến thành siêu dự án của FLC ngày càng rõ rệt, trái với sự hồ hởi của một số lãnh đạo địa phương, những người nông dân đứng trước nguy cơ mất đất lại tỏ ra bất bình.

Siêu dự án có gì?

Theo tài liệu và thông tin của NNVN, ngày 3/3/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định 272/QĐ-UBND với chữ ký của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2000 Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, do Công ty cổ phần FLC Travel làm chủ đầu tư.

Quyết định này nêu rõ, tổng diện tích thiết lập qui hoạch dự án là 256,8822 ha, phía Đông giáp đất nông nghiệp xã Vĩnh Thịnh, phía Tây giáp đất nông nghiệp xã An Tường, phía Nam giáp sông Hồng và đất nông nghiệp, đất khu dân cư xã Vĩnh Thịnh, An Tường, phía Bắc giáp đất nông nghiệp, đất khu dân cư xã Vĩnh Thịnh, xã An Tường với quy mô dân số khoảng 24.000 người.

Tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng với một số hạng mục quan trọng như học viện golf, khu tâm linh, khu công viên giải trí Disleyland, khu vườn thú tự nhiên và khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao quốc tế…

Đúng 3 ngày sau, đêm 6/3/2016, Tập đoàn FLC đã tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2 FLC Vĩnh Thịnh Resort cực kỳ hoành tráng.

Tối hôm ấy, bà Hoàng Thị Thúy Lan,  Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã nói rằng, sau khi hoàn thành toàn bộ dự án, bao gồm cả 2 giai đoạn, với diện tích trên 250 ha, được quy hoạch hiện đại, FLC Vĩnh Thịnh Resort sẽ trở thành tổ hợp nghỉ dưỡng đa chức năng cao cấp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương huyện Vĩnh Tường nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Tối hôm ấy, ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC.

Và cũng tối hôm ấy, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn này khẳng định, tập đoàn FLC cam kết sẽ bắt tay triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án, tập trung các nguồn lực để ngay trong năm 2017 tới sẽ đưa toàn bộ các hạng mục của dự án vào vận hành, đón chào du khách đến với quần thể này.... 

Người đứng đầu Tập đoàn FLC cũng kỳ vọng, để có thể triển khai dự án, tập đoàn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền các cấp, các cơ quan ban ngành tỉnh Vĩnh Phúc và người dân địa phương, sự đồng hành của các cơ quan truyền thông báo chí…

Với những động thái ấy, có thể nói rằng, gần như chắc chắn, Tập đoàn FLC sẽ biến 256,8822 ha đất nông nghiệp thành siêu dự án của mình. Kể cả khi, những người nông dân sẽ nhường đất cho dự án thậm chí còn chưa được tham dự bất kỳ một cuộc họp nào.

Những câu hỏi lớn chưa lời đáp

Sau đêm 6/3, phóng viên NNVN đã về xã An Tường và Vĩnh Thịnh, hai xã chịu ảnh hưởng của đại dự án này. Những cánh đồng xanh mướt ven bãi sông Hồng như thể muốn nói rằng, đây là một trong những vùng nông nghiệp phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc. Tự xưa đến giờ, nông dân Vĩnh Thịnh, An Tường sống dựa vào đồng ruộng, chăn nuôi.

Đặc biệt, từ khi các dự án nuôi bò sữa, bò thịt ở Vĩnh Phúc phát triển, vùng đất này chính là một trong những thủ phủ chăn nuôi của tỉnh. Bằng chứng rõ ràng nhất là từ năm 1999, họ được đầu tư các dự án, hay như năm vừa rồi, trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, bò sữa cũng được đưa lên làm mục tiêu số một trong những ngành hàng chủ lực.

Tất cả trái ngược hoàn toàn với báo cáo của chủ đầu tư: “Chủ yếu là đất nông nghiệp, trũng, thấp, người dân chỉ cấy được một vụ, hiệu quả từ việc cấy lúa và trồng hoa màu thấp”....

Và có lẽ cũng vì vậy nên khi chúng tôi hỏi về dự án chuyển đổi, từ đường làng, ngõ xóm ra đến tận những cánh đồng, tất cả những người nông dân địa phương đều một mực khẳng định, họ sẽ không bao giờ đồng thuận nhường đất. Điều này, chính Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, ông Nguyễn Văn Trường xác nhận một phần.

Ông Trường nói rằng, từ năm 2015, khi có thông tin về giai đoạn II của dự án, Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Thịnh đã tổ chức một cuộc hội nghị triệu tập các Bí thư chi bộ, trưởng thôn của 16 thôn trong địa bàn xã, đặc biệt chú trọng đến 8 thôn ảnh hưởng trực tiếp gồm: 4 thôn An Lão, thôn Trại Trì, thôn Liễu, thôn Trì, thôn Hệ. Trách nhiệm của xã là vận động các thôn nhường 170 ha đất lúa cho dự án.

“Hầu hết các Bí thư, trưởng thôn đều không đồng thuận với dự án này”, ông Trường khẳng định chắc nịch.

Lý do, theo ông Phó Chủ tịch xã, toàn bộ đất ấy là đất lúa, người dân địa phương đã chuyển đổi sang trồng cỏ phục vụ dự án chăn nuôi bò từ năm 1999. Sau 17 năm, tổng đàn bò của xã bây giờ khoảng 6.000 con và tập trung vào 8 thôn này nhiều nhất. Nếu nhường đất cho dự án thì số bò này giải quyết thế nào? Bán phá giá thì thiệt thòi cho người dân quá....

Rồi còn số phận người dân sống chủ yếu dựa vào đồng ruộng nữa. Dân họ nghĩ, dự án này chỉ là vui chơi giải trí, số lao động được giải quyết việc làm khá ít. Theo thông tin, chỉ có khoảng 2.000 lao động có việc làm trong khi cả xã Vĩnh Thịnh xấp xỉ 12.000 dân, chưa kể xã An Tường. Đấy là những bài toán, những câu hỏi của người dân mà chúng tôi không trả lời được.

Ông Trường còn nói thêm, cái đêm 6/3 ấy, chỉ có cán bộ xã được mời dự còn người dân xem qua truyền hình. Ngày hôm sau họ hỏi: Tại sao dân chúng tôi chưa đồng tình mà tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư? Chúng tôi cũng không thể trả lời cho dân bởi vì đến thời điểm này, xã chưa có bất cứ văn bản, thông tin nào về phương án bồi thường hỗ trợ người dân cả. Lại là những câu hỏi không thể trả lời.

Bán đất ruộng đi khác gì giết con giết cháu

Ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư chi bộ thôn Hệ là một trong những người đầu tiên đứng dậy bỏ về trong các cuộc hội nghị bàn về dự án. Một hình thức phản đối rất rõ ràng, và cho đến bây giờ, quan điểm ông vẫn vậy: “Tôi không đồng ý với dự án nên không cần nghe, tôi phản đối bằng cách đi về...

Nếu anh cần, chúng tôi sẽ tổ chức họp dân để anh nghe tâm tư nguyện vọng của họ thế nào. Tôi cam đoan, cùng lắm thì chỉ có những trường hợp con cái làm ăn không được, sa ngã, bố mẹ lười lao động, kinh tế kém, nợ nần nhiều nên muốn bán ruộng đi thôi chứ dân chúng tôi không ai muốn, không ai đồng tình với dự án”. Theo ông Phong, thôn Hệ có 198 hộ dân, sống chính nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Một nền nông nghiệp không chỉ là hạt lúa, củ khoai mà còn rất quan trọng với chăn nuôi....

Vì vậy, nếu là chiến lược quốc gia, nhất thiết phải mất ruộng thì dân chịu, chứ còn bảo doanh nghiệp tư nhân, dân chẳng biết đâu vào đâu thì sự lãnh đạo của Chi bộ chúng tôi, nhân dân chúng tôi không đồng tình.

Tôi nói thật, các cấp muốn quy hoạch thế nào thì quy hoạch, ý kiến lãnh đạo từ trên xuống ra sao chúng tôi không biết, quan trọng là họ có lo được cho dân không? Có lo được cho tất cả các hộ dân chịu ảnh hưởng trong khu vực dự án này không? Chúng tôi nghe nhiều nơi kêu ca doanh nghiệp này rồi. Thực tế giai đoạn I của dự án cũng chứng rồi.

Nông dân bên An Lão bán 72 triệu đồng một sào ruộng bây giờ giống như kiểu giết con giết cháu, muôn đời không lấy lại được, kêu như vạc.

Bán ruộng xong có tiền mua sắm đấy, nhưng rồi rã họng ra, con cái hư hỏng, thất nghiệp chỉ có mà chết. Lúc ấy ai chịu? Hơn nữa, dân ở đây làm nông nghiệp có thể sống khỏe. Thậm chí nếu có người bán tầm 200 triệu/sào chúng tôi sẵn sàng mua đầu tư sản xuất ngay.

Đứng trước cánh đồng Trượng của thôn Hệ, nông dân Nguyễn Xuân Ngọc (52 tuổi) phân tích thế này: Tôi làm ruộng từ năm 1975, từ đời ông bà bố mẹ dựa vào nông nghiệp hết. Bây giờ gia đình tôi 4 người, đang làm 8 sào. Hai sào mười đất trồng mầu, 5 sào ruộng cấy, rồi trồng ngô nuôi lợn, trồng cỏ nuôi bò. Sống rất khỏe.

Mỗi năm gia đình tôi nuôi 4 con bò, sinh sản 4 con bê, trị giá mỗi con 15 triệu khi tách mẹ. 5 con lợn nái, đẻ đâu nuôi đấy, mỗi năm theo giá thị trường cũng được 100 triệu đồng. Thành ra tôi nói mỗi sào ruộng ở đây có trả cho chúng tôi vài trăm triệu thì dân cũng không bao giờ chịu..

 

Chuyên cung cấp:

  + NLTA cho gia súc-gia cầm: Bã Hèm Bia, Bột Xương Thịt, Cám bắp, Bã nành,DDGS, bã đậu phộng,...

  + NLTA cho thủy sản: Bột đầu tôm, bột cá 45% - 65% đạm, bột gan mực, bột huyết, bột vỏ cua....

 ***LH để có giá tốt : Tell-zalo : 0946 705 238

 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện