Tin tức thủy sản

Thả lưới ven bờ mùa biển động

Thứ ba, 30/12/2014 10:59 lượt xem: 666
Mùa biển động, không thể ra khơi cho những chuyến biển dài ngày, ngư dân xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã mưu sinh bằng nghề thả lưới ven bờ. Đó là câu chuyện của hai vợ chồng ngư dân Huỳnh Tấn Nuôi và Nguyễn Thị Biên (thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ)...

Mới 5 giờ sáng, với cái lạnh cắt da cắt thịt vợ chồng ông Huỳnh Tấn Nuôi (61 tuổi) và bà Nguyễn Thị Biên (59 tuổi) đã tất bật sành soạn "đồ nghề" của mình để bắt đầu cho một buổi sáng với nghề thả lưới ven bờ. Gắn bó với nghề biển trên 30 năm, vợ chồng ông bà làm đủ "kiểu" để sống với biển. Mùa xuân, ông bà đi câu mực. Mùa hè, hai vợ chồng lênh đênh ngoài biển khơi đánh cá xa bờ. Đến mùa biển động từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch này, ông bà lại "giành giật" từng con cá với biển cả bằng lưới. Mùa biển động, mặt biển chẳng bao giờ êm ả. Sóng lại càng như đánh to hơn khi ập vào bờ. Nhưng những nơi đó, các bọt nước biển đục ngầu tung tóe khiến cho đàn cá (trong đó có các loại cá như cá cồi, cá đối, cá hanh, cá tiêu, cá chét...) vô cùng thích thú đến kiếm ăn, tạo ra nguồn sống cho người dân nơi đây.

Sợi dây thừng giữ lưới dài khoảng 200 đến 300 m và đoạn lưới (mắc 15 cm, dài khoảng chừng 50m) bắt đầu được thả ra. Khi người vợ vẫn đang  thoăn thoắt tháo ra từng đoạn dây thừng thì người chồng cầm mảnh lưới tiến thẳng ra biển, mặc cho những con sóng đang ầm ầm lao đến. Khi mảnh lưới được buông ra và cuốn phăng phăng theo dòng nước biển thì mực nước cũng đã đến ngực người chồng. Cái lạnh của sóng, cái rét của gió biển càng làm cho con người trở nên bé nhỏ nhưng đầy kiên cường trước thiên nhiên.

Khi lưới đã được thả xong và đang trôi theo dòng nước biển thì việc giữ cho các đoạn dây thừng cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Người vợ từ từ thả dây trong khi đó người chồng phải cố làm sao giữ dây ở một mức độ vừa phải, không để dây quá chùng do sóng đẩy vào cũng không được để dây quá căng theo sức nước lôi ra. Khi đó, mảnh lưới dưới nước kia mới phát huy tối đa tác dụng "đánh bẫy" đàn cá. Sóng vẫn đánh tả tơi những bãi cát, bọt biển văng tung tóe và đàn cá vẫn đang tranh nhau dưới nước. Chỉ đến khi sa vào lưới, chúng mới dừng lại.

Khoảng hai giờ đồng hồ trôi qua, với sự tập trung cao độ cho việc giữ dây và men theo con nước, hai vợ chồng cũng đã thấm mệt. Khi đã linh tính được đàn cá đang vùng vẫy vì mắc trong lưới, ông bà quyết định thu dây. Người vợ làm nhiệm vụ quấn dây còn người chồng sẽ băng ra giữa các con sóng để lôi dây và kéo lưới vào. Không ai bảo ai nhưng họ, người quấn dây, người thu lưới, nhịp nhàng và đều đặn như bao đời nay họ vẫn làm như vậy.

Ông Nuôi và bà Biên cho biết, đối với nghề thả lưới ven bờ mùa biển động, phải có những kinh nghiệm thì mới có thể bắt được nhiều cá. Thường thì những nơi có sóng êm sẽ dễ được cá hơn. Thả vào ban đêm thu được cá nhiều hơn ban ngày. Kinh nghiệm là vậy nhưng nghề biển là nghề "may nhờ rủi chịu", và lắm khi bỏ công sức làm việc cả ngày nhưng đổi lại thành quả chẳng có là bao. Nghề này thường đem lại cho các ngư dân nơi đây mỗi ngày khoảng vài chục đến một trăm ngàn đồng. Số tiền không nhiều nhưng cũng đủ cho họ có cái ăn, cái sống trong mùa biển động nghiệt ngã. Nhưng cũng có những lúc trắng tay như hôm nay, một buổi trời dầm nước và lăn lộn quần quật với từng con sóng dữ, nhưng mẻ lưới nào kéo lên, ông bà cũng chỉ thu được vài con cá nhỏ. Hai vợ chồng lặng lẽ thu đồ ra về nghỉ ngơi để tiếp tục công việc này vào buổi chiều.

Nói về những khó khăn và nghiệt ngã của nghề thả lưới ven bờ mùa biển động, bà Biên cho biết: "Cái nghề ni cực lắm chứ chẳng chơi. Chịu gió rét và dầm nước biển cả ngày mà nhiều lúc chẳng bắt được con cá nào. Bữa mô "trúng mánh" thì có cá bán kiếm tiền thêm, chứ thường, người làm nghề như vợ chồng tui chỉ để đủ ăn qua ngày. Nghề ni cũng nguy hiểm chẳng kém đi những chuyến biển xa. Ở xã Tam Thanh đã có nhiều trường hợp bị sóng cuốn khi đang cố níu giữ dây thừng và lưới. Những lúc đó, người may mắn thoát chết thì cũng bị mất cả dây lẫn lưới...".

Nhưng biển là vậy, càng nghiệt ngã bao nhiêu khi có những cơn bão dữ, sóng lớn, lại càng hiền hòa bấy nhiêu với những ngày mặt biển yên bình. Và người dân nơi đây bao đời vẫn thế, vẫn yêu biển như yêu máu thịt mình dù có lúc biển đã cướp đi của họ những thứ quý giá nhất. Ông Nuôi tiếp lời: "Nói rứa chứ nghề chi cũng có cái vui của nó. Đến mùa, cả một vùng biển rộn ràng người đi đánh lưới. Có những ngày biển động mạnh, sóng lớn, ngư dân tụi tui không đánh lưới được cũng rủ nhau ra biển ngó chừng miết. Không thấy biển một ngày là ăn cơm chẳng thấy ngon, uống rượu chẳng thấy vui".

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện