Thông tin thị trường

Tăng trưởng GDP: Việt Nam trông đợi gì?

Thứ sáu, 26/08/2016 08:02 lượt xem: 1206

Lần đầu tiên nông nghiệp tăng trưởng âm, còn công nghiệp tiếp tục phụ thuộc vào FDI, sản xuất, xuất khẩu dù nhiều nhưng phần Việt Nam nhận được ngày càng ít.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chia sẻ với Đất Việt một số đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam qua số liệu tăng trưởng GDP.

Sản xuất nhiều, nhận được bao nhiêu?

Thống kê về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 của Tổng cục Thống kê cho thấy, sau 10 năm kể từ năm 2005, lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 0,78%, còn khu vực công nghiệp tăng trưởng 6,82%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ do ngành khai khoáng suy giảm.

Đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2016, TS Lưu Bích Hồ cho rằng, sự tăng trưởng của nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm là quá thấp bởi trước đây nếu có suy giảm lắm cũng chỉ dừng ở con số 1-2%. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề ở ĐBSCL khiến Việt Nam ước tính thất thu khoảng 1 triệu tấn lúa, xuất khẩu nông sản không được như kỳ vọng.

Trong khi đó, đối với công nghiệp, TS Hồ tỏ ra băn khoăn với con số thống kê. Ông cho rằng, thực chất ngành công nghiệp chỉ nhích lên một chút nhưng không đáng kể bởi khu vực FDI vẫn chiếm ưu thế; ngành khai khoáng suy giảm; ngành chế biến, chế tạo tăng tưởng không đáng kể; dệt may cũng gặp khó khăn về thị trường...

Tang truong GDP: Viet Nam trong doi gi?
Lần đầu tiên sau 10 năm, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm. Ảnh: Dân Việt

Lý giải thêm, TS Lưu Bích Hồ dẫn nghiên cứu tốc độ tăng trưởng của công nghiệp trong giai đoạn 2000-2013 của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh chỉ ra rằng, giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp mà nền kinh tế nhận được ngày càng nhỏ đi khá nhiều so với giai đoạn trước. Nó cũng cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang tính gia công, lắp ráp một cách toàn diện.

"Điều này vẫn đúng với cơ cấu nền kinh tế Việt Nam hiện nay, bởi dù nghiên cứu dừng đến năm 2013 nhưng nó vẫn không thay đổi bản chất của vấn đề.

Sự tăng trưởng của công nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhờ đóng góp của khu vực FDI. Tính đến cuối năm 2015, xuất khẩu của khu vực FDI đã chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, ngay cả giá trị sản xuất của khu vực FDI cũng chiếm gần 70%, trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chỉ đóng góp được 30% dù cũng phải ghi nhận rằng doanh nghiệp trong nước đã rất cố gắng.

Thế nhưng rõ ràng, tốc độ tăng của giá trị giá tăng trong tổng GDP ngày càng giảm đi, trong khi tốc độ tăng của giá trị sản xuất lại tăng lên, đặc biệt nếu so giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước. Lợi nhuận FDI chuyển về nước họ là quá nhiều, nên nếu tính về GDP thì Việt Nam tăng, nhưng tính theo GNI thì Việt Nam không tăng được bao nhiêu và khoảng cách giữa GDP - GNI ngày càng giãn ra.  

Ngoài ra, có thể thấy công nghiệp Việt Nam ngày càng gia công, lắp ráp toàn diện bởi chưa có gì mới trong công nghiệp chế biến, chế tạo. Nếu có chăng thì những thứ Việt Nam có thể tự lực được cũng không đáng kể, chỉ là một ít linh kiện, phụ tùng, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu, mà chủ yếu lại nhập từ Trung Quốc", TS Lưu Bích Hồ phân tích.

Trước ý kiến cho rằng, bởi tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, nhất là trong xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào FDI dẫn đến sự ưu ái, nuông chiều khối FDI, bỏ rơi doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chỉ ra rằng, sự ưu ái của Việt Nam đối với khối doanh nghiệp FDI đã có từ trước chứ không phải đợi đến bây giờ.

"Ngay từ đầu Việt Nam đã trải thảm đỏ với đủ thứ ưu đãi cho FDI. Thế nhưng, đến lúc này, yêu cầu đặt ra là phải giảm bớt ưu đãi, phải bình đẳng hơn, phải theo tuân thủ Luật Doanh nghiệp. Chỉ trường hợp nào đặc biệt, theo những dự án cụ thể, thuộc những ngành nghề cụ thể, cần phải ưu tiên thì mới cho phép ưu tiên. Gần đây, Việt Nam đã có sự chấn chỉnh nhưng cũng mới chỉ trên văn bản chứ chưa chấn chỉnh được trong thực tế.

Đã đến lúc Việt Nam phải xoay chuyển lại định hướng cho FDI, chúng ta vẫn cần sự đóng góp của khối doanh nghiệp này nhưng dứt khoát phải chọn lọc: chọn lọc công nghệ cao, chọn lọc môi trường tử tế, chọn lọc sự kết nối với doanh nghiệp trong nước. FDI phải đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, rồi dần dần doanh nghiệp Việt Nam sẽ vươn lên, thay thế họ.

Các nước chỉ dùng FDI vài chục năm là cùng và khi doanh nghiệp trong nước trưởng thành lên, họ không dùng FDI nữa, nếu là công ty xuyên quốc gia thì khi vào hoạt động sẽ được biến thành công ty của quốc gia đó, không thể cứ phụ thuộc một chiều.

Việt Nam đã có định hướng rõ ràng nhưng thực hiện chưa được. Vấn đề không phải chỉ ở TƯ, các bộ ngành, mà quan trọng nhất chính là ở các địa phương, nơi được giao cấp phép cho FDI", TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Việt Nam mong đợi

Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm kém sắc chính là lời cảnh báo cho Việt Nam rằng 6 tháng cuối năm còn khó khăn. Mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% rất khó thực hiện mà có thể chỉ đạt mức 6%, TS Lưu Bích Hồ dự báo.

"Trên thế giới, các nền kinh tế khác trừ Mỹ đều hạ tăng trưởng so với đầu năm. IMF và WB cũng hạ 0,1 - 0,2% so với đầu năm. Gánh nặng tài chính, ngân sách của những năm trước để lại cho năm 2016 khiến kinh tế Việt Nam không thể kích cầu thêm được nữa. Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, bây giờ đã tới hạn về sự kích cầu, do đó phải tìm cách tháo gỡ cho phần cung, tức là cho doanh nghiệp.

Từ nay đến cuối năm, Việt Nam mong đợi trước hết ở nông nghiệp, nếu làm ăn tốt hơn, đó vẫn là ngành cho Việt Nam dựa vào. Phải hỗ trợ bằng được cho nông nghiệp, nhất là tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Công nghiệp không hy vọng nhiều nhưng đối với dịch vụ, có những ngành vẫn có thể làm ăn được như vận tải, du lịch, thương mại... Bên cạnh nỗ lực cải cách hành chính, Chính phủ cần quyết tâm tạo dựng môi trường cạnh tranh thực sự hữu hiệu, thu hẹp khu vực doanh nghiệp Nhà nước".

Vị chuyên gia đặc biệt lưu ý, nông nghiệp Việt Nam phải giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhiều năm nay, nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc thị trường Trung Quốc ở cả hai phía: nguồn cung và xuất khẩu. Ở nguồn cung, đó là giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc nông nghiệp... Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu nông sản rất lớn của Việt Nam. Chỉ có vươn lên Việt Nam mới giảm được sự phụ thuộc vào Trung Quốc, và TPP chính là cơ hội cho Việt Nam, nó sẽ mở ra thị trường lớn, đem lại nhiều lợi ích dù đòi hỏi cạnh tranh gay gắt hơn. 

Đối với công nghiệp, theo TS Hồ, phải giảm bớt dần tỷ trọng của khu vực FDI bằng cách doanh nghiệp Việt phải vươn lên. Đó là lý do Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng chương trình khởi nghiệp.

"Đường hướng đó là đúng và để thực hiện được cần có thời gian, nhưng quan trọng nhất là có thực hiện đến nơi đến chốn không", ông nói.

Thành Luân

 

Cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500đ tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ (08) 6260 0412 - 0946.705.238  cam kết chất lượng. Ngoài ra còn có Bột xương thịt, bã điều, bột đầu tôm, bột gan mực.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện