Vấn đề nóng

Tại sao nhiều đại gia thủy sản “đột tử”?

Thứ hai, 27/02/2017 08:00 lượt xem: 935

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, xuất khẩu thủy sản luôn đạt mức tăng trưởng bình quân trên 5% mỗi năm, thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng, thế nhưng vì sao ngày càng có nhiều đại gia” thủy sản phải lâm cảnh nợ nần, “đột tử”?

 

công ty thủy sản Thuận An

Công ty thủy sản Thuận An

Câu chuyện vợ chồng Sơn, Huệ Trinh, chủ Cty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Tafishco) ở An Giang đang làm ăn ngon lành bỗng biến mất đang gây xôn xao giới thủy sản ở ĐBSCL.

DN được chọn thí điểm chuỗi liên kết dọc

Theo cơ quan chức năng: Ông Sơn và bà Huệ Trinh đã đi Trung Quốc để tham dự hội chợ nghề cá từ ngày 29/10/2016 và từ đó đến nay chưa về . Theo báo cáo nhanh của ngành chức năng: Cty TNHH Thuận An vay Ngân hàng NN&PTNT cùng các ngân hàng khác với tổng dư nợ trên 600 tỉ đồng và còn nhiều khoản nợ khác, trong đó có nợ tiền mua nguyên liệu của 12 hộ nuôi cá…

Đáng chú ý, Tafishco là đơn vị được UBND tỉnh An Giang chọn để thực hiện thí điểm chuỗi liên kết dọc trong sản xuất cá tra theo hình thức: Tafishco đại diện phần vốn vay của những hộ dân nuôi cá liên kết. Người nuôi được vay vốn từ Argibank An Giang nhưng không nhận tiền mặt mà thông qua việc nhận thức ăn nuôi cá. Cá nuôi đến kỳ thu hoạch sẽ được bán “độc quyền” cho Tafishco, sau đó Cty này sẽ thanh toán tiền cho người nuôi sau khi trừ đi khoản tiền mua thức ăn mà các hộ dân đã nhận trong vụ nuôi do ngân hàng đã trả trước đó.

Sau khi chuỗi liên kết này gãy đổ, đại diện UBND tỉnh An Giang cho rằng: Lúc lựa chọn đơn vị tham gia, Cty Thuận An đang khỏe mạnh, nhưng có thể qua quá trình hoạt động, Cty gặp khó khăn nên mới xảy ra tình trạng như hiện nay.

Đây không phải lần đầu các đại gia thủy sản vỡ nợ gây xôn xao dư luận mà trước đó còn có nhiều đại gia khác như: Đại gia thủy sản Phương Nam (Sóc Trăng) ôm hàng ngàn tỷ đồng ra nước ngoài sinh sống; sự suy sụp nhanh chóng của Cty thủy sản Bình An, An Khang, Thiên Mã (Cần Thơ); sự xuống sức, giảm lợi nhuận của nhiều “ông lớn” ngành thủy sản một thời được xem là “Vua” thủy sản …

“Tử huyệt” lãi vay và thiếu chuyên môn sâu

Bình luận về sự “ra đi” của hàng loạt DN thủy sản, ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ cho rằng: Bên cạnh nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, chật vật trong tìm đầu ra thì cũng phải kể đến “tử huyệt” của những DN này là năng lực tài chính yếu, sử dụng chủ yếu vốn vay ngắn hạn để sản xuất, gặp lúc lãi suất tăng vọt, lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi dẫn đến thua lỗ kéo dài. Mặt khác, Nhiều chủ DN không có chuyên môn sâu của ngành mình đang hoạt động, đa phần là các DN thương mại chuyển sang nghề nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Nghiên cứu thị trường không kỹ và không am hiểu đầy đủ luật pháp của các nước nhập khẩu, chỉ cần một đơn hàng chậm thanh toán hoặc bị hủy thì DN sẽ gặp điêu đứng ngay.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá VN, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng có thời điểm lạm phát cao, lãi suất ngân hàng được đẩy lên đến hơn 20%. Với mức lãi suất này thì không một DN nào có thể chịu nỗi. Những DN thủy sản sụt đổ thời gian qua hầu hết đã “đổ bệnh” trong thời kỳ đó. “Mặt khác, cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được mô hình liên kết sản xuất tối ưu nhất. Mỗi một mô hình liên kết điều có cái hay, cái dở, điển hình như mô hình giao cho doanh nghiệp làm đầu mối theo kiểu “nắm người có tóc” mà tỉnh An Giang áp dụng đối với Tafishco, về lý thuyết thấy chắc ăn nhưng thực tế vẫn xảy ra rủi ro”, ông Thắng phân tích.

Đường bơi nào cho thủy sản Việt Nam

TS Lê Thành Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy Sản Bền Vững (ICAFIS): Cần có gói tín dụng ưu đãi

Ngành thủy sản còn có tiềm năng lớn để phát triển vì nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, sản xuất của chúng ta vẫn còn ngưỡng để tăng sản lượng, đặc biệt là tăng giá trị. Chúng ta có những đối tượng thủy sản đặc thù chiếm tới 50-100% thị trường, đủ sức để chi phối thị trường.

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chú trọng nhiều hơn cho phát triển ngành thủy sản, đây là một điều kiện thuận lợi cho ngành. Tuy nhiên, để tạo được bước đột phá thì Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về nguồn lực tài chính tương tự như gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho ngành bất động sản thời gian qua.

TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam: Nâng cao năng lực chế biến

Nước ta với hệ thống sông ngòi dày đặc và có đường biển dài rất thuận lợi phát triển hoạt động khai thác và nuôitrồng thủy sản. Sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua với mức tăng bình quân hơn 9 %/năm. Chúng ta có đối tượng chiếm ưu thế tuyệt đối như cá tra nhưng chưa phát huy được thế mạnh của mình do khâu tổ chức sản xuất chưa tốt. Đề phát huy thế mạnh thủy sản thì chúng ta cần phải tổ chức lại sản xuất, đưa công nghệ vào để chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm phụ chứ không thể để miếng cá file mà phải gánh toàn bộ chuỗi giá trị như hiện nay.

Ông Vũ Duyên Hải, Phó vụ trưởng Vụ KHCN&HTQT – Tổng cục Thủy sản:Tổ chức lại sản xuất

Cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch để hình thành các vùng nuôi chuyên canh theo hướng tập trung, quy mô hàng hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện thể chế để khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, cung ứng dịch vụ, sản xuất, kinh doanh vật tư, hàng hóa, sản phầm thủy sản. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị, phát triển mô hình HTX, tổ hợp tác khép kín ở các điều kiện phù hợp. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN đảm bảo chủ động con giống chất lượng cao, nuôi năng suất cao, giảm giá thành, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ: Đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa

Một điều kỳ lạ không sao giải thích được, chúng ta có cả một hệ thống chính trị rộng khắp nhưng không hiểu vì sao trong tất cả các nhà hàng, quán ăn… trên cả nước mà trong bữa ăn ta không khuyến mãi những sản phẩm đặc thù của từng địa phương và chưa thấy một nhân viên của một nhà hàng nào giới thiệu một đặc sản mang tính chủ động mà gần như 100% để cho khách tự chọn.

Mỗi năm chúng ta nuôi trồng đạt sản lượng hơn 1 triệu tấn cá tra, nếu mỗi người ăn khoảng 4kg cá/năm thì cũng đã góp phần tiêu thụ trên 30% sản lượng.

Theo Huỳnh Khơi

 

Công Ty Thức ăn Chăn Nuôi và Trang trại có nhu cầu mua sản phẩm bột bã hèm bia vui lòng liên hệ :

CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI BÃ HÈM BIA.

Hotline: 091 567 2347

Email: bahembianhapkhau@gmail.com

Web: bahembia.com

----------------------------------------

Đơn vị phân phối:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THIÊN KHÔN PHÚ
Adress: 63 Đường số 13 - P.Bình Trị Đông B - Q.Bình Tân - TP.HCM
Phone: 08.6260 0412 -Fax: 08.6260 2239
Email: thienkhonphujsc@gmail.com
Kho hàng: Lô F9, Khu Công Nghiệp Vĩnh Lộc, Xã Vĩnh Lộc B, Huyện Bình Chánh

 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện