Tin tức thủy sản

Sóc Trăng: Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp

Thứ tư, 19/09/2018 10:00 lượt xem: 892

 

Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp

Nuôi tôm Sóc Trăng. Ảnh STV​

Hiện nay tại Sóc Trăng đã có hơn 10.528,8 ha bị thiệt hại do dịch bệnh chiếm 21,6% diện tích thả (cùng kỳ 2017). Dưới đây là tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của chi cục thủy sản tỉnh Sóc Trăng.

Hiện tại độ mặn ở tất cả các tuyến kênh rạch ngoài tự nhiên hầu như đã ngọt lại 0‰ không thích hợp để lấy nước nuôi. Nếu nuôi tôm có thể tái sử dụng nguồn nước của vụ trước có độ mặn cao để nuôi tôm. Bà con cần tuân thủ lịch thả giống chung của ngành kết thúc thả giống vào ngày 30-9 DL và riêng đối với vùng Mỹ Xuyên bà con nên ngừng thả giống vào thời điểm này theo Công văn số 64/CV-PNN&PTNT ngày 08/08/2018 của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mỹ Xuyên về việc ngừng thả giống vụ tôm 2018 để đảm bảo giữ vững mô hình luân canh tôm-lúa, ổn định về môi trường, có thời gian cách ly mầm bệnh chuẩn bị tốt hơn cho mùa vụ tôm năm 2019.

- Tình hình thiệt hại trên tôm: trong tuần thiệt hại 419,8 ha. Lũy kế 10.528,8 ha chiếm 21,6% diện tích thả (cùng kỳ 2017 thiệt hại 16%). Trong đó, Vĩnh Châu là địa phương có diện tích thiệt hại cao nhất trong tuần 414 ha (Vĩnh Phước 347 ha, Phường 2 - 48 ha).

- Đối với diện tích thiệt hại hoặc sau khi thu hoạch, bà con nuôi tôm tuyệt đối không xả thải nước thải, bùn thải khi chưa được xử lý ra môi trường tự nhiên bên ngoài, mà phải có khu chứa bùn thải và xử lý nước thải sau đó mới thải ra môi trường tự nhiên. Để góp phần quản lý ao tôm tốt hơn trong giai đoạn mùa mưa hiện nay, bà con cần lưu ý một số vấn đề như sau:

1. Ổn định môi trường trong ao tôm

Hiện tại đang trong mùa mưa nên ao nuôi thường đối diện với 2 hình thế thời tiết là nắng nóng và mưa dầm đột ngột sẽ làm cho môi trường ao nuôi dễ biến động (chênh lệch nhiệt độ, tuột kiềm, sụp tảo, khí độc bùng phát,...) làm cho tôm dễ stress và dễ nhiễm bệnh. Do đó cần quản lý theo dõi thật chặt chẽ đặc biệt 03 yếu tố môi trường :

(1) độ pH (đo và chuẩn lại độ pH sau những cơn mưa kéo dài);

(2) độ Kiềm nên giữ độ kiềm từ 100 mg/l trở lên;

(3) Giữ hàm lượng oxy hòa tan ≥5 mg/l, thường oxy thấp nhất là vào nữa đêm đến gần sáng. Đồng thời chuẩn lại các thông số môi trường khác trong ao tôm sao cho nằm trong ngưỡng thích hợp và ổn định cho tôm nuôi.

2. Quản lý sức khỏe tôm nuôi:

- Bắt giống phải có giấy kiểm dịch và xét nghiệm các mầm bệnh nguy hiểm trên tôm (Đốm trắng, gan tụy cấp, Còi (EHP, MBV), TSV...) và phải thực hiện thuần dưỡng cho quen dần với 4 yếu tố đó là pH, nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm trong bọc giống với nước ao nuôi ít nhất 1 giờ rồi mới thả. Chỉ thả giống khi nhiệt độ trong ao <30oC (sáng sớm hoặc chiều mát).

- Thường xuyên theo dõi các biểu hiện bên ngoài của tôm (gan, ruột, mang...) để có biện pháp xử lý sớm và chữa trị kịp thời. Thường xuyên kiểm tra sự xuất hiện của vi khuẩn Vibrio sp trong ao nuôi để có biện pháp diệt khuẩn hoặc dùng vi sinh khống chế kịp thời, thường kiểm Vibrio 1-2 lần/tuần từ ngày thứ 20 trở đi. Mật độ vi khuẩn Vibrio trong nước ao nuôi tôm nên duy trì <400 khuẩn lạc/ml để hạn chế bệnh chết sớm EMS và các bệnh do vi khuẩn Vibrio gây nên. Bổ sung các vitamin, CPSH, Beta-Glucan…vào thức ăn giúp tăng cường sức đề kháng trên tôm và chống chọi thời tiết cực đoan.

*Lưu ý: Đối với các bệnh do tác nhân là virut (điển hình là bệnh đốm trắng -WSSV) hiện nay chưa có thuốc điều trị; đối với các bệnh do tác nhân là vi khuẩn (điển hình là bệnh hoại tử gan-EMS/AHPND) có khả năng điều trị được nếu tỉ lệ tôm bệnh <30%. Kháng sinh không có tác dụng tăng sức đề kháng hoặc phòng bệnh trên tôm và điều trị kém hiệu quả, dễ kháng-kháng sinh nếu không có phát đồ điều trị đúng, dễ mất an toàn thực phẩm do tồn lưu kháng sinh trong tôm nuôi khi xuất bán.

3. Quản lý cho ăn vừa đủ:

Tôm nuôi nhất là tôm thẻ là loài rất háo ăn, tôm là loài ruột thẳng, tiêu hóa và hấp thụ chỉ 30-40% lượng thức ăn và 60-70% lượng thức ăn còn lại thải ra ngoài ở dạng phân tôm, gây ô nhiễm hữu cơ, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại, khí độc và tảo độc phát triển. Do đó nên cho tôm ăn ít, vừa đủ khoảng 80-90% lượng khuyến cáo/bảng cho ăn thông thường. Đối với ao thả mật độ thưa thì ban đầu nên gây tạo nhiều thức ăn tự nhiên (Copepoda/trứng nước) và trong giai đoạn đầu (trước 20 ngày) nên cho tôm ăn ít và hạn chế tối đa lượng thức ăn cho tôm ăn. Những ngày trời lạnh, âm u, mưa dầm nên chủ động giảm 30-50% lượng thức ăn sau đó cho ăn lại bình thường khi thời tiết tốt. Đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong nước ≥ 5 mg/l để giúp tôm khỏe và tiêu hóa chuyển hóa tốt thức ăn. Không nên sử dụng kháng sinh trộn cho tôm ăn để chữa trị hoặc phòng bệnh mà nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học hoặc các loại thảo dược như tỏi, trái cau, lá ổi, cây mật gấu, diệp hạ châu… để phòng ngừa bệnh đường ruột và gan tụy.

* Lưu ý:

Bà con cần chủ động đo đạc các yếu tố môi trường trong ao nuôi, đồng thời theo dõi sát kết quả quan trắc môi trường nước cũng như thông tin cảnh báo dịch bệnh, thông tin về bản tin thời tiết, giải pháp khuyến cáo của ngành chức năng để có cách xử lý ao tôm kịp thời, chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan.

Hiện nay thị trường tôm trên thế giới không những cạnh tranh về sản lượng mà còn cạnh tranh về chất lượng, cạnh tranh về giá thành làm ra sản phẩm (chi phí sản xuất)  do đó nuôi tôm bà con hạn chế tối đa việc lạm dụng thuốc hóa chất vào ao tôm và quản lý cho ăn vừa đủ, tiết kiệm thức ăn, tiết kiệm điện, chủ động kết nối liên kết tất cả các vật tư đầu vào (giống, thức ăn, thuốc men, bạt phủ, lưới che, cánh quạt,…) cũng như liên kết đầu ra nhằm giảm tối đa giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Phan Bạch Vân Chi cục Thủy Sản Sóc Trăng

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện