Tin tức thủy sản

Quảng Ninh: Dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn chưa được khống chế triệt để

Thứ sáu, 24/08/2018 08:00 lượt xem: 774

 

Quảng Ninh: Dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn chưa được khống chế triệt để

Ông Bùi Văn Trình, thôn Đông, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái, kiểm tra tôm nuôi vụ hè thu.​

Từ đầu năm đến nay, công tác phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi được triển khai quyết liệt, hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến địa phương được thiết lập và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan nông nghiệp, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn chưa được khống chế triệt để, các loại bệnh nguy hiểm trên tôm như hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng... vẫn còn xảy ra trong vụ nuôi và ở hầu hết các vùng nuôi.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh đã thả nuôi 3,56 tỷ con giống các loại trên diện tích 21.425ha, sản lượng đạt 23.204 tấn; trong đó, tôm nuôi đạt 10.821ha, số lượng giống thả 3,075 tỷ con (tôm sú 275 triệu, tôm thẻ 2,8 tỷ con), sản lượng đạt trên 4.170 tấn (tôm sú 410 tấn, tôm thẻ 3.760 tấn).

Hiện trên địa bàn Quảng Ninh có 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, trong đó 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống, sản lượng tôm giống ươm dưỡng, cung ứng đạt 470 triệu con (17,4% nhu cầu). Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng nuôi tập trung tôm thẻ chân trắng, tôm sú kết hợp cua biển. Nhiều vùng nuôi quảng canh, hiệu quả thấp đang dần chuyển sang nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nhiều mô hình nuôi năng suất 30-40 tấn/ha/vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và doanh nghiệp.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nói chung và tôm nuôi nói riêng, ngay từ đầu năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có văn bản phân công cán bộ phụ trách địa bàn; thống nhất với các địa phương trong công tác thông tin, báo cáo tình hình dịch bệnh; cách thức tiếp nhận thông tin, điều tra, báo cáo, xử lý các ổ dịch nằm trong danh mục bệnh phải công bố dịch và phối hợp xử lý các tình huống bất thường trong sản xuất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Chi cục đã tổ chức 20 lớp tập huấn hướng dẫn cách nhận biết, biện pháp phòng, chống một số loại bệnh dịch nguy hiểm, thường gặp trên tôm nuôi cho 480 lượt nông dân, chủ trang trại đang trực tiếp tham gia nuôi tôm tại 8 vùng nuôi trọng điểm; tổ chức 2 lớp tập huấn trang bị, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thú y thủy sản cho 50 nhân viên thú y, chăn nuôi thú y cấp xã, làm nòng cốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản tại địa phương.

Đặc biệt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các địa phương thu 108 mẫu tôm nước lợ, 46 mẫu bùn nước, 7 mẫu nhuyễn thể, 17 mẫu cá nước ngọt và 11 mẫu cá biển để xét nghiệm, phục vụ giám sát chủ động dịch bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh. Trong đó, phát hiện 23/108 mẫu tôm và 11/46 mẫu bùn nước dương tính với vi khuẩn mang gen gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND). Kết quả giám sát chủ động, quan trắc môi trường vùng nuôi được các Chi cục gửi đến các địa phương kèm theo khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp xử lý các yếu tố môi trường vượt ngưỡng cho phép, vùng nuôi có lưu hành mầm bệnh và thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Sở NN&PTNT để người dân, cơ quan quản lý nhà nước biết và có phương án sản xuất và chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.

Thu hoạch tôm tại xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên.

Bên cạnh những yếu tố về thời tiết, môi trường ao nuôi biến động, người nuôi tôm chưa có ý thức trong quản lý, bảo vệ môi trường, như: Xả thải bùn, nước trong ao chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm; thả nuôi tôm giống chưa qua xét nghiệm; cải tạo và xử lý không đúng kỹ thuật để mầm bệnh còn tồn lưu trong ao nuôi...

Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có 103,38ha tôm nuôi của 224 hộ tại 17 xã thuộc 6/10 địa phương bị thiệt hại do dịch bệnh (tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2017 về diện tích và số hộ). Trong đó: Móng Cái có 84,25ha của 170 hộ tại 6 xã có nuôi tôm, Hải Hà có 5,61ha của 15 hộ tại 3 xã, Đầm Hà có 2,79ha của 5 hộ tại 2 xã, Hoành Bồ có 0,8ha của 4 hộ tại 1 xã, TP Hạ Long có 0,53ha của 3 hộ tại 1 phường, Tiên Yên có 9,4ha của 27 hộ tại 4 xã.

Tỷ lệ mất trắng do bệnh dịch khoảng 30-35%, số còn lại chết ở giai đoạn 35-50 ngày tuổi đều được tận thu. Nguyên nhân tôm chết chủ yếu do dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng do vi rút, một số do thả sớm (từ giữa tháng 3), giống không đảm bảo chất lượng, quản lý chăm sóc chưa tốt.

Theo Kế hoạch số 85/UBND-KH ngày 26/12/2017 của UBND tỉnh, năm 2018 Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện thí điểm xây dựng 1 vùng nuôi tôm chân trắng an toàn dịch bệnh đốm trắng do vi rút, làm cơ sở nhân rộng, tiến tới xây dựng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh, phục vụ cho xuất khẩu; quy mô 30-40ha diện tích nuôi với khoảng 20-30 hộ nuôi tham gia; thời gian thực hiện từ tháng 2 đến 11/2018. Tuy nhiên, đến tháng 4/2018 Chi cục Chăn nuôi và Thú y mới được giao kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch. Vì vậy, một số nội dung về lấy mẫu giám sát chủ động, điều tra, khảo sát, tập huấn các biện pháp kỹ thuật; quản lý nguồn giống thả... không thể thực hiện được do chậm mùa vụ. Hiện nội dung này Chi cục đã có văn bản báo cáo Sở NN&PTNT cho phép không thực hiện do không đảm bảo về tiến độ thời gian, các yêu cầu kỹ thuật…

Thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết có những diễn biến phức tạp, do đó công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi cần được tăng cường hơn nữa. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nâng cao ý thức cho các hộ nuôi tôm về công tác phòng chống dịch.

Hiểu Trân Báo Quảng Ninh

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện