Ông Lê Huy Thành thiệt hại nặng trong vụ nuôi tôm này. Ảnh: QUANG HÀ
Cả 4 địa phương đã triển khai nuôi tôm nước lợ vụ 1 trên địa bàn tỉnh là Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành đều đồng loạt xảy ra hiện tượng tôm chết với các bệnh không thể ứng phó được là đốm trắng, hoại tử gan tụy, taura.
Các cánh đồng nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh vào những ngày này khi vụ 1 nuôi tôm nước lợ bắt đầu được 2 tháng thì tôm chết hàng loạt. Tôm được nuôi ở 4 ao có tổng diện tích 1ha của gia đình ông Lê Huy Thành (thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam, Thăng Bình) cũng trong tình trạng tương tự. “Tôi thế chấp nhà cửa để vay vốn của ngân hàng đầu tư nuôi tôm nhưng thất bát. Chỉ cần trúng 1, 2 vụ có thể gỡ gạc nhưng bây giờ nợ chồng nợ” - ông Thành nói. Bước vào vụ 1 nuôi tôm năm nay, sau khi cải tạo ao nuôi kỹ càng, ông Thành thả nuôi 1 triệu con tôm giống ở 4 ao nuôi. Cách đây chưa lâu, ông Thành phát hiện tôm nuôi đột ngột bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước rồi dạt vào bờ. Sau khi vớt tôm lên xem phát hiện nhiều đốm trắng nổi lên ở phần vỏ. Cá biệt, một số tôm nổi đỏ toàn thân...
Ngoài TP.Hội An chỉ khởi động nuôi tôm vào tháng 4, đến thời điểm này, tôm nuôi đều chết hàng loạt ở tất cả địa phương đã bước vào vụ 1. Ông Nguyễn Văn Tiến - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Kim Thành (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho biết, tôm nuôi của 40 hộ dân với tổng diện tích là 40ha đều chết. “Tôm được nông hộ nuôi khoảng 2 tháng nay mắc các bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng, taura đều chết mà không có cách nào xử lý. Do người nuôi thiếu phương án nên một số tôm mắc các bệnh do môi trường cũng đã chết hết” - ông Tiến nói. Ông Mai Huy Chương - cán bộ phụ trách thủy sản xã Tam Thăng cho biết, tôm được nuôi ở cả 50ha diện tích của vụ 1 này đều đã chết, tỷ lệ 100%.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, qua thống kê sơ bộ, vào thời điểm này, số diện tích tôm chết do bệnh đốm trắng là 28,41ha; tôm chết do bệnh hoại tử gan tụy là 1,65ha, còn tôm chết do tác động của thời tiết xấu là 66,9ha. “Thời tiết thay đổi thất thường khiến nhiệt độ nước trong ao nuôi tôm tăng giảm đột ngột là nguyên nhân khiến tôm chết. Nước sông Trường Giang ô nhiễm được lấy trực tiếp nuôi tôm trong khi đó đáy ao nuôi tôm đầy bùn bã hữu cơ khiến bệnh phát sinh rất nhanh, tôm chết hàng loạt” - bà Tâm nói. Ngành chức năng khuyến cáo nông hộ nuôi tôm cần chọn thời điểm lấy nước, thay nước thích hợp, đối với các ao nuôi có ao chứa lắng cần xử lý nước kỹ càng trước khi đưa vào ao nuôi; theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh tôm nuôi của các hộ xung quanh để cùng phối hợp xử lý…
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đã nắm được thực trạng tôm chết vào thời điểm này. Ngành nông nghiệp đề nghị UBND các huyện, thành phố ven biển chỉ đạo cơ quan chuyên ngành tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi tôm chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, không trực tiếp xả thải nước trong ao nuôi có tôm chết ra ngoài, hạn chế lây lan thành dịch. Thông tin kịp thời các thông báo về môi trường, bệnh tôm nuôi của cơ quan chuyên môn đến người nuôi tôm được biết, thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật ngăn ngừa bệnh và dịch bệnh. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các vùng nuôi tôm, kịp thời phát hiện diện tích nuôi tôm bị bệnh để phối hợp với cơ quan chuyên môn lấy mẫu kiểm tra, xác định nguyên nhân, qua đó có giải pháp phòng chống bệnh hiệu quả.
Việt Quang - Văn Hà Báo Quảng Nam