Mô hình nuôi tôm sử dụng cỏ của anh Võ Hữu Phương ở Vàm Ðình, xã Phú Thuận, đạt hiệu quả cao.
Anh Võ Hữu Phương, ấp Vàm Ðình, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, đã thực hiện một biện pháp xem ra đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất cao. Ðó là sử dụng rạ lúa sau thu hoạch, sử dụng cỏ trên bờ phơi khô, thả xuống vuông để cải tạo môi trường nước và tạo thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi. Thực chất đây là việc làm quen thuộc mà bấy lâu bà con nuôi tôm không chú ý, thậm chí không tin tưởng về hiệu quả của nó.
Trong khi mọi người ồ ạt làm đầm nuôi tôm công nghiệp với hy vọng nhanh chóng đổi đời, anh Võ Hữu Phương, ấp Vàm Ðình, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, vẫn bền bỉ với loại hình nuôi tôm quảng canh truyền thống. Thực tế cho thấy, khi làn sóng nuôi tôm công nghiệp lắng dịu, một số người ngậm ngùi san ủi đầm, trở về với nuôi quảng canh. Bởi lẽ, bà con cũng kịp nhận ra rằng mình chưa đủ điều kiện để nuôi tôm công nghiệp, ít nhất là về khả năng quản lý, vốn liếng… trong khi đó, nuôi quảng canh như anh Phương thì vẫn bền bỉ. Song, để nuôi quảng canh đạt hiệu quả cũng không phải dễ.
Cải tạo môi trường - tạo thức ăn cho tôm
Không bao giờ sử dụng hoá chất hay bổ sung thức ăn cho tôm nuôi bằng việc đi mua thức ăn ở các cửa hàng vật tư nông nghiệp cho tốn kém, lại chưa chắc đảm bảo môi trường nuôi tôm, mà anh Phương lại có cách làm riêng của mình. Yếu tố trước tiên là đảm bảo sự phát triển bền vững, tạo môi trường tự nhiên và thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi. Anh Phương khẳng định, chỉ thích nuôi truyền thống, do thiếu lao động nên không thể chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến hay công nghiệp được. Nuôi kiểu này cũng không thể cho ăn, mà nếu không có thức ăn, tôm sẽ không phát triển, môi trường không ổn định thì tôm chết.
Mấy lần đi canh vuông ban đêm, vô tình anh thấy những đám cỏ mình phát trên bờ rơi xuống nước có con tôm đu theo trong đó. Rọi đèn kỹ, thì ra nó đeo theo những con sinh vật nhỏ. Cầm đám cỏ mục lên xem thì có rất nhiều con sinh vật nhỏ này. Theo anh, đây chính là thức ăn mà con tôm ưa thích. Anh quyết định không phát cỏ bỏ nữa mà đợi tới khi cỏ đúng lứa, phát phơi khô, sau đó đem thả xuống vuông. Chỉ biện pháp đơn giản này mà hiệu quả. Tôm nuôi rất ổn định, không “quậy”, lại còn lớn nhanh.
Ðối với mọi người, cỏ dại là thứ bỏ đi, song đối với anh Phương, đây là thứ rất tốt để cải tạo môi trường và tạo nguồn thức ăn cho tôm. Cỏ phải để tới lứa mới phát phơi khô, sau đó, gom lại thả xuống vuông. Kinh nghiệm này, anh Phương chia sẻ cho bà con xung quanh.
Ông Thái Văn Kía, cùng ấp Vàm Ðình, xã Phú Thuận, cũng áp dụng thực hiện có hiệu quả việc nuôi tôm bằng cỏ cũng cùng chung nhận định: cỏ khô có tác dụng cải tạo nước rất tốt. Khi cỏ mục, trong cỏ sinh ra nhiều loại côn trùng rất nhỏ. Những con trùng ấy chính là thức ăn tuyệt vời cho tôm nuôi. Phần lớn bà con không tin, vì cho rằng cỏ một khi bỏ xuống vuông sẽ làm thối nước. Song, cũng có người áp dụng và lại cho hiệu quả tốt.
Giải pháp thay thế
Ðáng lưu ý là 16 năm nay, từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, năm nào anh Phương cũng duy trì việc làm vụ lúa trên đất nuôi tôm. Khỏi nói cũng biết trồng được lúa, nuôi tôm sẽ có hiệu quả như thế nào. Bởi rơm rạ sau khi thu hoạch lúa sẽ làm cho môi trường nuôi tôm ổn định và tạo nên nguồn thức ăn cho tôm nuôi. Thế nhưng, khoảng 4 năm nay, việc sản xuất lúa trên đất nuôi tôm gặp khó khăn. Thực chất là do làm không đồng loạt, nhiều hộ không có ý thức làm nên một mình cũng không thể thực hiện được.
Không làm được dưới ruộng, anh Phương lại chuyển sang làm trên bờ. Tận dụng diện tích cải tạo vuông hằng năm bơm lên thành sân, anh Phương đắp bờ bao ví lại để trữ nước mưa, làm lúa trên cạn. Mặc dù không thể nào bằng làm dưới ruộng, nhưng chí ít cũng thu hoạch được lúa và góp phần cải tạo vuông nuôi. Với khoảng 1.500 m2, năm nào anh cũng thu hoạch từ 40 giạ lúa trở lên. Anh Phương cho biết, thu hoạch từ lúa hằng năm gia đình ăn không hết. Còn rơm rạ thì để cải tạo môi trường nuôi tôm, làm phân bón trồng hoa màu, cây ăn trái.
Theo Kỹ sư Trần Thanh Ðông, Phòng NN&PTNT Phú Tân, cỏ khô hay rạ đều là những vật liệu tự nhiên dùng để nuôi tôm đạt hiệu quả, nhất là việc cải tạo môi trường nước, làm sinh sản nguồn thức ăn cho tôm. Song, chỉ sử dụng cỏ khi thiếu rạ, rạ lúa mới là thứ tuyệt vời nhất để cải tạo môi trường và sinh ra thức ăn cho tôm. Ðiều đáng nói là dùng với lượng vừa phải và phơi khô để tránh nước bị thối thì đạt hiệu quả cao.
Với cách làm này, từ ngày chuyển dịch cơ cấu sản xuất đến nay, mặc dù năng suất chưa cao bằng nuôi quảng canh cải tiến, song chưa năm nào anh Phương nếm mùi thất bại và giữ mức bình quân hằng năm khoảng 300-350 kg tôm sú/ha. Tôm thường đạt trọng lượng 30 hoặc 20 con, thậm chí 15 con/kg. Với khoảng 4 ha đất sản xuất, năm nào anh cũng cầm chắc 200-250 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Anh cũng nuôi cua xen canh với tôm, cua cũng đạt hiệu quả khá, có lẽ một khi môi trường ổn định thì cua cũng như tôm đều có điều kiện phát triển tốt.
Ở mô hình này, yếu tố bền vững thể hiện rất rõ. Chất lượng tôm nuôi thật sự là sản phẩm sạch. Môi trường vẫn ổn định do không có hoá chất tác động mà chỉ tác động từ yếu tố cây cỏ tự nhiên. Với mô hình hiệu quả này, chưa bao giờ anh Phương có ý định chuyển sang nuôi tôm công nghiệp. Bởi theo anh, thà chậm mà chắc chắn còn hơn là được một vài lần rồi treo đầm. Mà tính ra nuôi theo hình thức này đâu tốn chi phí bao nhiêu, nếu tính theo tỷ lệ vốn bỏ ra, thu vào thì rõ ràng lời hơn nuôi tôm công nghiệp rất nhiều.
Hiệp Đoàn
Quảng cáo: cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia giá 5.500đ/kg (đạm:50%) , bột đầu tôm giá 7.500đ/kg (đạm 35%, tro < 25%), cám bắp 5.000đ/kg (tro <5%) , bột cá 50% (đạm 50%, tro <21%) giá 14.000đ, Liên hệ 08.6260 0412