Trong vài năm gần đây, một số doanh nghiệp lớn mới “nhăm nhe” đầu tư vào nông nghiệp, khiến làn sóng diễn ra khá mạnh mẽ. Có doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp sạch, thực phẩm an toàn, có đơn vị đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Thị trường nông nghiệp còn rất nhiều tiềm năng khai thác, phát triển.
Đầu tư và thâu tóm
Dù là nước xuất khẩu nhiều, nhưng cũng thiếu hụt rất nhiều, nên Việt Nam phải bỏ ra hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu từ rau, trái cây cho đến thịt bò, thịt lợn và cả sữa… Cho nên, đây được xem là “vùng đất màu mỡ” để kiếm tiền, để thu hút các “đại gia”, như Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, TH, Hùng Vương, PAN, Hòa Phát, Masan… đầu tư vào.
Bài học của những doanh nghiệp đi trước cho thấy câu chuyện làm nông nghiệp chuyên nghiệp, quy mô lớn không hề đơn giản. Không ít các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về đất đai, quy trình công nghệ, vốn, đầu ra cho sản phẩm. Những khó khăn này trở thành áp lực cạnh tranh chứ không phải cơ hội. Đó là vấn đề rất nan giải.
Chưa ai đủ khả năng vạch ra bức tranh toàn diện về nông nghiệp, nhằm khai thác chuỗi giá trị gia tăng vào toàn cầu. Hiện, toàn ngành nông nghiệp Việt chỉ có vài doanh nghiệp có quy mô doanh thu trên 1 tỷ USD, con số quá ít ỏi so với thị trường lên tới vài chục tỷ USD.
Chiến lược phát triển nhanh và mạnh ngoài đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư có thể phải mua lại mới có thể mở rộng thị trường. Các công ty tự đầu tư quy mô lớn như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Vingroup, TH Milk, Hòa Phát… phải có tiềm lực tài chính rất mạnh.
Còn Masan Group, thông qua công ty con - Masan Nutri-Science, việc mua cùng lúc hai công ty Proconco và ANCO đã đưa công ty này từ vị trí số 0 trở thành công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn thứ hai trên thị trường, với mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu trong thời gian ngắn nhất.
Điều này có thể sánh ngang với tập đoàn lớn có doanh thu trên 1 tỷ USD, gồm C.P Việt Nam - đối thủ chính của công ty trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, Vinafood 2 - xuất khẩu gạo và Intimex Group - xuất khẩu cà phê, nông sản.
Mốc 1 tỷ USD cũng là mục tiêu mà 2 doanh nghiệp thủy sản Hùng Vương và Minh Phú đang hướng tới, nhưng cũng rất bấp bênh. Thủy sản Hùng Vương là một trong những DN thực hiện M&A sớm nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Danh sách các công ty Hùng Vương mua lại gồm có Việt Thắng Feed, Agifish, Fimex và Thủy sản Tắc Vân.
Tập đoàn PAN Group cũng đã chuyển đổi thành một công ty chuyên về nông nghiệp - thực phẩm, với chiến lược cung cấp chuỗi giá trị “từ nông trại tới bàn ăn”. Nắm trong tay Vinaseed và Southern Seed, PAN đã trở thành công ty sản xuất hạt giống lớn nhất, đồng thời còn sở hữu một công ty thủy sản lớn và một công ty chuyên xuất khẩu hạt điều.
Tập đoàn Thành Thành Công lại đang hướng đến việc đầu tư từ trồng trọt mía đường quy mô lớn đến sản xuất khép kín nhằm gia tăng sức cạnh tranh.
Nông nghiệp quy mô lớn - khó!
Còn nhiều công ty, tập đoàn khác cũng muốn nhảy vào nông nghiệp, nhưng mọi thứ không hề dễ dàng. Thực tế, sản phẩm nông nghiệp luôn có sự biến động rất mạnh về giá cả, do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như đầu cơ, thiên tai, dịch bệnh… Chính vì vậy, mà đầu tư nông nghiệp dù dễ tham gia, nhưng chưa bao giờ là cuộc chơi dễ dàng. HAGL vẫn còn “ngụp lặn” với cao su, dầu cọ, bắp… gần đây mới đạt thắng lợi về chăn nuôi bò. Các doanh nghiệp mới nhảy vào nhằm khai thác thị trường lên đến 40 tỷ USD cũng không phải dễ.
Chính sách khai thác tiềm năng nông nghiệp ngày càng hoàn thiện để doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu, hiệu quả. Các tỷ phú như “bầu” Đức vẫn còn phải bám vào bất động sản. Ông chủ ngành thép Hòa Phát mới đầu tư vài trăm tỷ đồng. Còn tỷ phú Phạm Nhật Vượng tập trung vào siêu thị nhiều hơn là tạo ra các sản phẩm chất lượng, giá trị xuất khẩu cao.
Việc khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nuôi trồng các giống cây mới với quy mô lớn được mở ra, như cây mắc ca được định hướng phát triển Tây Nguyên. Công ty CP Him Lam mạnh dạn phối hợp cùng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đẩy mạnh dự án trồng cây này. Hiện nay, Việt Nam vẫn trồng và bán quả mắc ca thô đem lại giá trị không lớn, nhưng điều này sẽ được cải thiện đáng kể khi có sự đầu tư mạnh mẽ, bài bản, đến nơi đến chốn của các doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là nông dân vẫn sản xuất manh mún, lặt vặt. Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa, trồng theo phong trào rồi chặt mà không sao thoát ra được. Từ khoai lang, dưa hấu, hành tím… bị ép giá; nông sản Đà Lạt: hành tây, cà chua bỏ đầy đồng, thương lái không mua, ớt chín đỏ phải bỏ vì giá quá rẻ… thì nông sản khó có chất lượng.
Chúng ta có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư của Nhà nước, đón đầu việc hội nhập sâu rộng với quốc tế. Vì vậy, để tạo ra bước đột phá, phát triển bền vững mang tính “bước ngoặt”, cần có nhiều doanh nghiệp đầu đàn thành công. Các doanh nghiệp mới cần mở rộng quy mô lớn để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp nước nhà.
Lê Thuận (Thời báo kinh doanh)
Công ty Thiên Khôn phú chúng tôi chuyên cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như:bã hèm bia,bột xương thịt,bã nành,bột cá,cám dừa,cám bắp,bã đậu phộng, bột đầu tôm, bột lông vũ,...
Quý khách nào có nhu cầu sử dụng hoặc cần biết thêm thông tin về sản phẩm vui lòng liên hệ 0946.888.249 gặp Thảo