Sự Kiện

Nghệ An: Mong chờ mùa biển cuối năm

Thứ hai, 29/12/2014 03:18 lượt xem: 1039
Thời điểm hiện tại, thời tiết không thuận lợi, vì thế, ngư dân vùng biển huyện Quỳnh Lưu đang cho tàu cá “nằm bờ”. Đây là diễn biến khác thường so với cùng thời điểm những năm trước…

Về cảng cá Lạch Quèn, xã Tiến Thủy vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận không khí ở đây thật tĩnh lặng, hầu hết tàu thuyền đánh cá của các hộ dân đang nằm bờ. Hỏi những hộ dân xung quanh bến cảng được biết, do một số tàu cá đi đánh bắt chưa về nên không có cảnh mua, bán trao đổi; còn rất nhiều tàu cá phải nằm bờ vì ở ngoài khơi đang có gió mùa. Ông Trần Văn Huân (trú xã Quỳnh Long), chủ tàu cá NA 90376 đang bơm dầu vào tàu, cho chúng tôi biết, tàu của ông cập bến cách đây 20 ngày, hiện giờ tàu vẫn chưa thể ra khơi đánh bắt được vì đang có gió mùa. Được biết, tàu cá của ông Huân có công suất 460 CV với 16 thuyền viên, ngày 8/10 âm lịch, tàu về cập cảng Lạch Quèn. Nhưng sau khi nghe thông tin có gió mùa tràn về, tàu của ông phải ở lại cảng để tránh gió. Nếu thời tiết thuận lợi, ông và 16 thuyền viên sẽ vươn khơi xa khai thác hải sản.

Nằm chờ hơn 20 ngày, ông cũng như các thuyền viên thấy sốt sắng, mong sớm vươn khơi để thu “lộc biển” chuẩn bị đón tết. Theo ông Huân, trung bình mỗi tháng tàu của ông đi được 2 chuyến biển. Mỗi chuyến, trừ chi phí cũng thu về từ 120 đến 140 triệu đồng; mỗi thuyền viên có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/chuyến. Anh Nguyễn Bá Mạnh, thuyền viên trên tàu cá NA 90376 chia sẻ, năm nay ít bão tố, nhưng gió mùa nhiều hơn nên tàu không thể ra khơi đánh bắt được. “Tháng này, tàu chúng tôi chỉ đi được một chuyến vì có gió mùa, hi vọng thời tiết này nhanh chóng qua đi để anh em chúng tôi ra khơi đánh bắt, kiếm thêm thu nhập chứ cũng gần đến tết rồi…”, anh Mạnh cho biết. 

Cùng chung hoàn cảnh như tàu cá của ông Huân, hiện nay rất nhiều phương tiện tàu cá của ngư dân xã Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy đang nằm ở cảng Lạch Quèn chờ gió mùa tan sẽ ra khơi. Việc thời tiết bất lợi, tàu cá không ra khơi để khai thác hải sản đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân. Bên cạnh đó, dịch vụ hậu cần nghề cá như xăng dầu, đá lạnh, vận tải, cơ khí… cũng bị thất thu.

Chị Phạm Thị Xuyên, chủ cơ sở xăng dầu ngay bến cảng Lạch Quèn cho biết, do các phương tiện tàu cá không hoạt động vì gặp gió mùa nên doanh thu của cơ sở không có. Chị cho biết, để có vốn kinh doanh, cơ sở đã vay mượn tiền của ngân hàng, bạn bè để làm ăn. Mỗi chuyến tàu cá ra khơi, cơ sở xăng dầu của chị sẽ cho các phương tiện tàu thuyền chịu tiền dầu. Khi các phương tiện đánh bắt gặp thắng lợi thì sẽ hoàn trả lại số tiền dầu đó. Ngược lại, tàu cá không hoạt động vì thời tiết bất lợi, hoặc gặp sự cố phải nằm lại cảng thì cơ sở xăng dầu cũng vẫn chịu tiền lãi suất cho ngân hàng. Nếu thời tiết thuận lợi, ít biến động, tàu cá hoạt động thường xuyên thì trung bình mỗi tháng cơ sở xăng dầu của chị bán được trên 40 nghìn lít dầu, trừ chi phí, thu về 40 triệu đồng/tháng. “Tàu cá đi nhiều thì chúng tôi bán được nhiều, doanh thu cao hơn, còn tàu không ra khơi được, chúng tôi phải chịu tiền lãi suất, còn bị thất thu…”, chị Xuyên cho biết.

Đối với cơ sở sản xuất đá lạnh của gia đình chị Bùi Thị Thùy ở xã Tiến Thủy cũng bớt phần nhộn nhịp hơn những ngày trước. Từ 4 công nhân làm việc đều đặn thì giờ chỉ còn 1 công nhân làm tại đây. Cứ vào khoảng độ đầu tháng và ngày 16 - 17 âm lịch hàng tháng, cơ sở sản xuất luôn bận rộn, máy móc hoạt động liên tục để cho ra sản phẩm. Trung bình, mỗi tháng, cơ sở bán trên 10 nghìn cây đá  để  cho các tàu cá, thu về 120 triệu đồng. Nếu như tàu thuyền nằm bờ, không hoạt động thì doanh thu của cơ sở giảm xuống hơn một nửa. 

Thời tiết xấu, không chỉ các ngư dân không có thu nhập mà tất cả các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng đều thất thu. Theo thống kê, hiện tại xã Tiến Thủy có 14 ốt xăng dầu, 28 cơ sở sản xuất đá lạnh, 13 cơ sở thu gom, buôn bán hải sản, 6 xưởng cơ khí… với hàng trăm lao động. Nếu như, các phương tiện tàu cá không ra khơi đánh bắt hoặc đánh bắt hiệu quả thấp thì các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng giảm nguồn thu. Hiện nay, xã Tiến Thủy có số lượng tàu thuyền lớn nhất huyện Quỳnh Lưu với 319 phương tiện, với hơn 2.000 lao động. 70% dân số của xã sống với nghề biển, đời sống của ngư dân chủ yếu dựa vào biển. Thời gian qua, nhiều hộ nơi đây thoát nghèo, vươn lên khá giàu cũng nhờ biển. Nhiều ngư dân cho rằng vụ cá những tháng cuối năm của nhiều năm trước thường trúng đậm, đem lại nguồn lợi lớn cho bà con. Điều đó, giúp họ đón một cái Tết đàng hoàng, no ấm hơn. Trong thời điểm hiện tại, do bất thường của thời tiết, ngư dân chỉ biết “nằm bờ” mong chờ những ngày tới thuận lợi hơn… 

 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện