Thông tin thị trường

Ngành nông nghiệp: Vượt "tăng trưởng âm"

Thứ hai, 26/09/2016 07:49 lượt xem: 1770

Với những tín hiệu tích cực từ lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản… dự kiến hết năm nay ngành nông nghiệp sẽ có cú “lội ngược dòng” vượt qua được ảnh "tăng trưởng âm "của nửa đầu năm. Tuy nhiên, để phát triển ổn định, nhiều chuyên gia nhìn nhận, còn không ít những bất cập nội tại mà toàn ngành cần nỗ lực tháo gỡ.

xuat khau thuy san se phuc hoi

Dự kiến XK thủy sản cả năm sẽ đạt trên 7 tỷ USD, góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành nông nghiệp. Ảnh: NGUYỄN THANH.

Trông vào chăn nuôi thủy sản

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Nhiều năm qua, nông nghiệp trở thành “điểm đệm” của nền kinh tế, nhất là những thời điểm kinh tế khó khăn. Hiện, 70% số dân vẫn sống ở khu vực nông nghiệp và có 46% lao động trong khu vực này. Vì vậy, tăng trưởng âm của ngành gây ra tác hại lớn đối với nền kinh tế nói chung, với đời sống bà con nông dân nói riêng. Đây là sự trăn trở của toàn ngành suốt thời gian qua.

Từ nay tới hết năm, Bộ NN&PTNT sẽ đặc biệt tập trung vào các mặt hàng còn dư địa nhằm bù đắp sự sụt giảm, trước hết là chăn nuôi. Hiện, tình hình chăn nuôi đối với cả ba nhóm là gia cầm, đại gia súc và lợn đều ghi nhận thuận lợi lớn khi giá nguyên liệu đầu vào hạ hơn so với năm trước và lượng giống được chuẩn bị tích cực, dồi dào. Ngoài ra, năm nay không có dịch bệnh lớn đối với cả ba đối tượng trên.

“Thuận lợi trong chăn nuôi còn xuất phát từ tín hiệu thị trường. Hiện nay, giá lợn, bò, gà nội địa đều tốt, đồng thời còn có thể XK. Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sẽ tăng lên. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi từ nay tới cuối năm sẽ đạt mức 4-5%”, ông Cường nói.

Không chỉ chăn nuôi, tại các lĩnh vực khác như thủy sản, nông sản… cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Ông Cường phân tích: Đối với thủy sản, dự tiến tổng sản lượng tôm cả năm đạt 680 nghìn tấn với kim ngạch XK đạt trên 3 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch XK thủy sản cán đích trên 7 tỷ USD. Đề cập tới các mặt hàng nông sản XK chủ lực, ngoài các mặt hàng như gạo, cao su, sắn sụt giảm, còn lại điều, cà phê, tiêu đều tăng. Các mặt hàng có kim ngạch XK tăng đó vẫn còn dư địa phát triển nên các địa phương đang tập trung thúc đẩy XK, nỗ lực để tăng trưởng đủ bù đắp thiệt hại trong nửa đầu năm.

Khắc phục yếu kém nội tại

Đề cập tới câu chuyện "tăng trưởng âm" của ngành nông nghiệp thời gian qua, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Việc nửa cuối năm nay, nông nghiệp tăng trưởng khả quan thoát tình trạng ảm đạm nửa đầu năm hay vẫn tiếp tục tăng trưởng âm thực ra không quá quan trọng. Điều đó chỉ thể hiện sự tăng trưởng trong một giai đoạn ngắn, dễ bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Mấu chốt của nông nghiệp Việt Nam là phải làm thế nào để khắc phục các yếu kém nội tại, hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn.

Liên quan tới vấn đề này, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) phân tích thêm: Nông nghiệp "tăng trưởng âm" thực ra là chuyện đã được báo trước 5-6 năm nay. Nguyên nhân khách quan có nhiều như thời tiết không thuận lợi, rét đậm, hạn hán, xâm nhập mặn… Tuy nhiên, về phương diện chủ quan, kết quả buồn của ngành nông nghiệp thời gian qua xuất phát từ chính những khó khăn căn bản, nội tại. Đó là quy mô sản xuất  nhỏ lẻ, manh mún. Người nông dân không được tổ chức sản xuất phù hợp. Các DN tham gia đầu tư vào nông nghiệp lại khá nhỏ, năng lực yếu, ít liên kết chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó, đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, cơ sở hạ tầng lạc hậu. Đến nay, 80% sản phẩm nông sản vẫn là XK dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp

“Nhìn chung, yếu tố đầu tư ít, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng; nông nghiệp không phối hợp với công nghiệp là những nguyên nhân nổi cộm khiến nông nghiệp Việt Nam cực kỳ yếu kém. Gốc rễ trong tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu nhờ vào huy động tài nguyên. Các yếu tố như đất đai, sức lao động… đều đã được huy động hết, chỉ duy nhất vốn đầu tư là kém. Bởi thế, nếu có tiếp tục khai thác tài nguyên và dựa vào sức lao động thì tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn không thể khá lên được”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, giải pháp căn cơ để nông nghiệp Việt Nam có thể phát triển bền vững hơn là phải có chính sách mới, đột phá, đặc biệt nhấn mạnh vào đầu tư khoa học công nghệ, tăng cường cơ sơ hạ tầng, bố trí cân đối giữa nông nghiệp với công nghiệp…

Ông Phạm Tất Thắng bổ sung thêm: Muốn phát triển được, quan trọng nhất là phải làm thế nào để nông nghiệp Việt Nam trở nên hiện đại, quy mô lớn. Điều này chỉ có thể đạt được khi vấn đề tích tụ ruộng được khơi thông. Ngoài ra, cần thúc đẩy việc thu hút những DN có năng lực, mang tính chất DN “đầu đàn” tham gia đầu tư trong nông nghiệp sâu sát tới từng vùng, từng sản phẩm. DN sẽ đảm nhiệm tốt các khâu như kiếm tìm thị trường, đổi mới khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu… Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách phù hợp nhằm hướng những người nông dân trở thành những công nhân nông nghiệp, có tay nghề, có trình độ, thực sự tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh để người nông dân sống được trên mảnh đất của mình.  

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Tính tới hết tháng 6, GDP chung toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã sụt giảm 0,18%. Trong đó, nông nghiệp giảm 0,78%, lâm nghiệp tăng 5,75% và thủy sản tăng 1,25%.

Nửa đầu năm, sản xuất chăn nuôi, lâm nghiệp đã duy trì tăng trưởng khá nhưng vẫn không đủ bù đắp sự giảm sút trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi vậy, tốc độ tăng trưởng ngành chưa đạt mức kế hoạch đề ra. Đây là lần đầu tiên từ trước đến nay, toàn ngành không có tăng trưởng trong 6 tháng. Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) đánh giá

26/09/2016

Thanh Nguyễn

Báo Hải Quan,

 

Cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500đ tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ (08) 6260 0412 - 0946.705.238  cam kết chất lượng. Ngoài ra còn có Bột xương thịt, bã điều, bột đầu tôm, bột gan mực.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện