Kỹ thuật nuôi

Nắng nóng, thủy sản chết và chậm phát triển

Thứ ba, 15/05/2018 08:00 lượt xem: 820

 

Nắng nóng, thủy sản chết và chậm phát triển

Máy sục khí hoạt động liên tục để giảm tác hại do nắng nóng đến tôm nuôi​

Nắng nóng diễn biến phức tạp khiến tôm nuôi chết rải rác, một số loại cá có dấu hiệu chậm phát triển.

Chết rải rác

Ông Võ Văn Chương ở thôn 4, xã Quảng Công (Quảng Điền) lo lắng: “Vụ tôm thời điểm này thường gặp nhiều bất lợi do thời tiết nắng nóng. Nhưng vì ít hộ nuôi, bán được giá, lại thêm áp lực trả nợ nên tui và một số hộ nôn nóng. Từ ngày thả tôm, xen ghép một số loại thủy sản đến nay chỉ hơn 10 ngày nhưng ngày nào cũng như  “ngồi trên lửa”. Chi phí con giống, thức ăn trên 100 triệu đồng, nếu xảy ra dịch bệnh, hay tôm bị còi thì nguy cơ thua lỗ rất cao”.

Không “may mắn” như ông Chương, ao hồ ông Võ Cường ở cùng thôn đã xảy ra tình trạng tôm chết rải rác. “Hầu như ngày nào cũng vớt vài ký tôm chết. Một số con thì lờ đờ, nổi trên mặt nước có nguy cơ chết. Biết nguy cơ thua lỗ cao nhưng vì muốn tận dụng, khai thác tối đa tiềm năng, không bỏ hoang ao hồ nên một số hộ nuôi vào thời điểm như hiện nay. Nếu “may mắn” thì lãi lớn vì bán được giá”, ông Cường nói.

Thạc sĩ Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ thuộc Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh nhận định, vào thời điểm nắng nóng như hiện nay đã gây nhiều bất lợi cho các loại thủy sản nuôi. Từ 10 giờ sáng đến chiều tối, nhiệt độ trong các ao nuôi tương đối cao, cộng với độ mặn thấp, nồng độ NH3 cao, các loại khí độc phát sinh gây ra hiện tượng thủy sản bị còi, đề kháng kém dễ xảy ra dịch bệnh. Tại nhiều ao hồ nuôi tôm trên cát ở Ngũ Điền và một số diện tích vùng đầm phá có dấu hiệu tôm, cá chết rải rác, ước khoảng 15-20ha.

Chủ động ứng phó

Ông Võ Đông Thi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công thông tin, ngay sau khi thu hoạch vụ thủy sản đầu năm, Đảng ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo các hộ không nên nuôi tôm vào thời điểm nắng nóng nhằm hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, một số hộ do nôn nóng đã thả nuôi tôm và nhiều hộ nuôi xen ghép tôm-cua-cá với diện tích khoảng 15ha. Những ngày này, địa phương cử cán bộ thủy sản thường xuyên theo dõi môi trường nguồn nước, độ mặn, độ PH và các khi độc, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý, hạn chế tối đa nguy cơ thiệt hại. So với năm trước, thời điểm này thủy sản nuôi chết ít hơn, song nguy cơ chết khá cao trong thời gian đến do nắng nóng gay gắt.

Chủ tịch UBND xã Điền Hòa (Phong Điền), ông Nguyễn Đăng Phúc nan giải: Mặc dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân không nên nuôi tôm trên cát vào thời điểm này mà nên chọn thời điểm thích hợp từ khoảng tháng 8-9 mới thả nuôi. Tuy nhiên một số hộ đã không chấp hành, lén lút thả nuôi gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý. “Mọi sự đã rồi”, chính quyền địa phương yêu cầu người dân thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, nhiệt độ trong ao để có biện pháp xử lý như chêm thêm nước, thay nước làm giảm nhiệt độ, đảm bảo cho tôm sinh trưởng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh yêu cầu, người dân cần tuân thủ, chấp hành các quy định, quy trình nuôi trồng thủy sản an toàn. Với các hộ đã thả nuôi tôm trong thời điểm này cần đảm bảo mực nước trong ao luôn đạt 1,2m. Người dân thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường, nồng độ PH, nhiệt độ trong ao, các khí độc để có sự điều tiết, điều chỉnh phù hợp. Riêng đối với cá phải thường xuyên theo dõi, loại nào đạt trọng lượng, kích cỡ thì nên thu tỉa vừa hạn chế thức ăn, vừa tránh thiệt hại do nắng nóng.

Hơn 10 ngày nay, Chi cục Thủy sản tỉnh cử cán bộ thường xuyên bám cơ sở, các vùng nuôi để theo dõi các vấn đề liên quan, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ an toàn cho thủy sản nuôi, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất có thể. Theo đó, quá trình nuôi, người dân cần sử dụng các chế phẩm sinh học, sử dụng lá trầu, chiết xuất từ tỏi trộn với thức ăn nhằm tăng đề kháng, hạn chế nguy cơ dịch bệnh; thường xuyên vận hành máy sục khí đảm bảo cho tôm sinh trưởng.

Thời điểm này, toàn tỉnh thả nuôi 7.300ha thủy sản, trong đó nuôi xen ghép các đối tượng trên vùng đầm phá 4.220ha (tôm sú là đối tượng chính); thủy sản nước ngọt 2.000ha; nuôi tôm chân trắng trên cát và trong vùng đầm phá 500ha (trong đó, nuôi trên cát 400ha, đầm phá 100ha).

Hoàng Triều Báo Thừa Thiên Huế

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện