Kỹ thuật nuôi

Mô hình nuôi cá tra dòng Pangi theo chuẩn VietGAP tại xã Nhơn Mỹ

Thứ bảy, 11/06/2016 08:28 lượt xem: 2310

Trước tình hình nuôi và xuất khẩu cá tra khó khăn hiện nay, một số địa phương vẫn thả nuôi cho hiệu quả khả quan bằng việc nuôi theo VietGAP. Trong đó giống cá tra được tuyển chọn thuộc dòng Pangi chất lượng cao đã góp phần rất lớn cho thành công của mô hình.

thu ca tra theo vietgap

Thu hoạch cá tra theo mô hình nuôi chuẩn VietGAP tại xã Nhơn Mỹ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, năm 2015, các thị trường xuất khẩu chính của cá tra Việt Nam chiếm tỉ trọng cao nhất vẫn là Mỹ (20,16%), EU (18,22%), còn lại là Trung Quốc, Hồng Kông và các nước ASEAN. Tuy nhiên từ đầu năm 2016 đến nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ ngày càng bị thu hẹp, việc Mỹ áp dụng thuế chống phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn đã đặt ra cho người nuôi thủy sản Việt Nam những vấn đề thật sự khó khăn.

Thực tế những năm qua, tại Sóc Trăng, người nuôi cá tra luôn bị lỗ do giá bán cá tra không cao hơn giá thành sản xuất. So với năm rồi, giá cá tra nguyên liệu năm nay vẫn không có nhiều cải thiện, người nuôi đối mặt với nhiều khó khăn, chính vì vậy diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh chỉ khoảng 71 ha vào cuối năm 2015, thì nay diện tích được thả giống vẫn chưa đạt tới con số này. Ông Hà Văn Sang ở huyện Cù Lao Dung cho biết: “Nhìn chung mô hình nuôi cá tra thì khâu chăm sóc tương đối dễ hơn nuôi các loại thủy sản khác, nhưng cái khó là đầu ra không ổn định và khó tiêu thụ”.

Theo quyết định số 1673 của Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2015 sẽ thay thế toàn bộ đàn cá bố mẹ không đảm bảo chất lượng bằng đàn cá do Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II chọn lọc. Vì nhìn chung chất lượng cá tra giống hiện nay chưa ổn định, tỉ lệ hao hụt trong quá trình nuôi cao, khả năng kháng bệnh kém, tăng trưởng chậm, dẫn đến chi phí đầu vào cao. Nguyên nhân chính là do nguồn cá bố mẹ bị thoái hóa, một số cơ sở sản xuất giống chọn cá bố mẹ chưa đạt kích cỡ khai thác và khai thác quá mức dẫn đến nguồn con giống kém chất lượng.

Năm 2015, được sự cho phép của Sở NN&PTNT tỉnh, Trung tâm giống vật nuôi Sóc Trăng đã thực hiện 3 mô hình nuôi cá tra dòng mới (dòng Pangi) và nuôi theo chuẩn VietGAP tại xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách. Ưu điểm của dòng cá này bước đầu được cán bộ theo dõi và hộ nuôi đánh giá cao. Ông Trương Hán Kiều – Chuyên viên kỹ thuật Trung tâm giống vật nuôi Sóc Trăng cho biết: “Qua theo dõi quá trình nuôi của bà con, chúng tôi nhận thấy cá phát triển tốt, tỉ lệ hao hụt ít, tăng trọng nhanh. Chỉ sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 800gram - 900gram/con”.

pangi
Nông dân Sóc Trăng phát triển diện tích nuôi cá tra theo dòng cá tra Pangi theo chuẩn VietGap

Theo ông Phan Minh Cường – hộ có 2.000m2 tham gia mô hình cho biết: sau hơn 5 tháng nuôi cá tra đã đạt kích cỡ 800 gram/con, tổng ao nuôi ước đạt 65 tấn. Nuôi cá tra giống chất lượng cộng với các kỹ thuật trong quy trình VietGAP đã giảm được giá thành đầu tư, khoảng 19.000 đồng cho 1kg cá, mà chất lượng phi lê cao, đầu ra và giá cả cũng tốt hơn so với các ao nuôi khác. Ông Cường nhận xét: “Cá tra Pangi là dòng F1 nên có sức đề kháng cao hơn cá giống bán trôi nổi ngoài thị trường. Giống cá tra Pangi tăng trọng nhanh, cho tỉ lệ thịt cao hơn, chi phí thuốc để chăm sóc cá cũng ít hơn”.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã – Phó giám đốc Trung tâm giống vật nuôi Sóc Trăng cho biết: “Từ năm 2012, Trung tâm giống vật nuôi Sóc Trăng đã phối hợp Trung tâm giống thủy sản An Giang, lai tạo và nhân ra được dòng cá tra chọn lọc di truyền. Từ đó chúng tôi tiến hành sản xuất con giống và cung cấp cho các hộ nuôi trong tỉnh. Mục tiêu của Trung tâm là sản xuất con giống chất lượng tốt để giúp hộ nuôi giảm được chi phí sản xuất, nâng cao giá trị của cá. Bước đầu qua đánh giá của các hộ nuôi, thì dòng cá tra Pangi tăng trưởng tốt, ít dịch bệnh, tỉ lệ sống cao… Thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường sản xuất con giống này nhiều hơn, đồng thời nhân rộng các mô hình nuôi dòng cá tra Pangi để người dân có thể tiếp cận và áp dụng thay đổi con giống cho phù hợp, tăng giá trị sản xuất”.

Tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch mở rộng mô hình nuôi cá tra dòng Pangi theo chuẩn VietGAP tại các hộ nuôi, vừa góp phần tăng diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh, vừa đảm bảo sản phẩm chất lượng, để thuận lợi tham gia các thị trường xuất khẩu thế giới./.

11/06/2016

Ngọc Khuê

Đài PT-TH Sóc Trăng,

 

Quảng cáo: chuyên cung cấp bột cá 45% đạm dùng làm nguyên liệu thức ăn hoặc nguyên liệu sản xuất phân bón (giá 5.100đ/kg); Liên hệ: 094.82.222.17

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện