ảnh cá chép giòn tại nhà hàng ở Tp Mỹ Tho, Tiền Giang
Cá chép (Ciprinus carpio) là loài cá nước ngọt phổ biến có thể sống được trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau từ nước ngọt đến nước lợ. Những năm gần đây tên thị trường xuất hiện giống cá chép Trung Quốc hay còn gọi là cá chép “giòn” (vì được người nuôi sử dụng cá chép này để chuyển “giòn” cho cá bằng cách cho cá ăn đậu tằm) được nuôi ở các tỉnh miền Bắc nước ta từ năm 2006. Những năm gần đây, cá chép “giòn” được nuôi phổ biến ở miền Nam. Cá rất dễ nuôi, có màu sắc sáng đẹp, lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp, cho năng suất cao, thịt thơm ngon, bán được giá cao trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng nên được người dân chọn nuôi loài cá này thay thế cho cá chép truyền thống Việt Nam.
TS. Kim Văn Vạn (Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản Học viện Nông nghiệp VN) cho biết, cá chép được nuôi bằng đậu tằm để tạo ra sản phẩm cá giòn hình thành từ năm 1998 ở Trung Quốc. Tại miền Bắc Việt Nam, nghề nuôi cá chép giòn bắt đầu xuất hiện từ năm 2006. Năm 2008, Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình nuôi cá trắm, cá chép “giòn” trong lồng tại Đan Phượng (Hà Tây) khá hiệu quả, sau đó mô hình phát triển ở nhiều nơi như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương,...
Theo TS. Kim Văn Vạn, thành phần thức ăn, đặc biệt thành phần protein trong đậu tằm có fibrinozen làm thịt cá dai giòn. Cá giòn đảm bảo sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Không chỉ cá chép, cá trắm, mà một số loài cá khác nếu nuôi bằng đậu tằm cũng cho sản phẩm cá giòn tương tự. Hiện nay, cá chép “giòn” được nuôi nhiều ở ĐBSCL, trong đó An Giang và Đồng Tháp là hai tỉnh có sản lượng nuôi cá chép này nhiều nhất. PGS.TS Nguyễn Thanh Phương (Trưởng khoa Thủy Sản - Trường Đại học Cần Thơ) cũng cho rằng, khi cho cá chép ăn đậu tằm liên tục, thành phần thức ăn có thể làm thay đổi cấu trúc, thành phần protein trong thịt khiến thịt cá chắc giòn.
ThS. Võ Thanh Liêm - Khoa Thủy Sản, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM (chuyên gia đang tư vấn cho Ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai thực hiện mô hình nuôi cá chép giòn trong bè trên sông Cái và nhánh sông Đồng Nai) cho biết, việc nuôi cá chép để chuyển giòn đòi hỏi có nguồn vốn lớn (vì giá đậu tằm khá cao, khoảng trên 20.000 đồng/kg), phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc và cho ăn để tạo độ giòn và tỷ lệ chuyển giòn cho cá chép đạt tỷ lệ cao nhất (> 98% sản lượng đạt giòn, vì hiện tại người nuôi cá chép giòn phải bảo đảm cá chép bán ra phải “giòn” (bao ăn) nếu cá không giòn thì phải trả lại cho người nuôi), chất lượng và màu sắc cá giống,... nên hiện tại, cá chép giòn chỉ được nuôi ở một bộ phận người nuôi nhất định (am hiểu kỹ thuật, có kinh nghiệm nuôi, biết được nguồn cung cấp giống, đậu tằm, thương lái tiêu thụ sản phẩm...). Hiện tại, cá chép “giòn” được thu mua tại bè với giá 150.000 đồng/kg.
Theo ThS. Võ Thanh Liêm, để nuôi cá chép giòn, thực hiện qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (nuôi từ cá giống lên thương phẩm): Sử dụng cá giống cá chép “giòn” có kích cỡ 200 con/kg để nuôi lên đạt trong lượng trung bình 01 kg/con với mật độ nuôi từ 50-200 con/m3. Người nuôi có thể san thưa nhiều lần tùy theo tình hình thực tế tại nông hộ. Sử dụng thức ăn viên công nghiệp có hàm lượng đạm từ 30-40% với thời gian nuôi khoảng 5-6 tháng (tỷ lệ sống 90%).
Giai đoạn 2 (chuyển “giòn” cá chép): Cá sau khi đạt trong lượng 01 kg/ con sẽ được chuyển qua giai đoạn chuyển “giòn” để nâng cao giá trị cho cá chép nuôi thương phẩm. Cá chép giòn được nuôi trong lồng/bè có kích thước mắt lưới trung bình 15 - 20 mm, ít nhất ở phần đáy và gần đáy để tránh đậu tằm rơi ra ngoài lồng/bè nuôi với mật độ nuôi từ 30-50 con/m3. Cá nuôi trong giai đoạn này sử dụng hoàn toàn bằng đậu tằm (đậu tằm cần ngâm trước từ 12-24 giờ trước khi cho cá ăn) trong thời gian nuôi 2 - 3 tháng (tỷ lệ sống > 90%).
Mô hình nuôi cá chép “giòn” tuy mới phát triển gần đây nhưng được người tiêu dùng rất ưu chuộng với các món ăn như chép “giòn” nhúng giấm, lúc lắc, né... Hiện tại giá thành cá chép chuyển giòn nếu thực hiện đúng quy trình sẽ dao động tư 45 – 60 ngàn đồng/ kg nên người nuôi cá chép giòn có lãi rất cao khi giá thu mua tại bè dao động từ 140 – 150 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, để nuôi cá chép chuyển “giòn” hiệu quả cần có những kỹ thuật nhất định để cá nhanh chuyển “giòn” và đạt tỷ lệ chuyển giòn cao nhất (>98% sản lượng đạt “giòn”).
Hơn nữa, nếu người nuôi trong quá trình nuôi không muốn tiếp tục nuôi giai đoạn 2 vì lí do nào đó (khó khăn về tài chính, không có điều hiện nuôi tiếp, muốn thu hồi vốn cho các mục đích khác,...) thì có thể bán khi cá đạt trọng lượng thương phẩm để thu hồi vốn. Hiện nay với cá chép chưa chuyển “giòn” được thương lái thu mua tại bè với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg tại bè. Giá thành sản xuất cá chép thương phẩm dao động từ 32.000-37.000 đồng/kg nên người nuôi vẫn có lãi từ 15.000-20.000 đồng/kg.
Thành Công
Quảng cáo: cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia giá 5.500đ/kg (đạm:50%) , bột đầu tôm giá 7.500đ/kg (đạm 35%, tro < 25%), cám bắp 5.000đ/kg (tro <5%) , bột cá 50% (đạm 50%, tro <21%) giá 14.000đ, Liên hệ 08.6260 0412