Kiến Thức Trồng Trọt

Mô hình luân canh "tôm - lúa" thích ứng xâm nhập mặn

Thứ ba, 19/04/2016 14:58 lượt xem: 2951

Mô hình luân canh tôm - lúa đã xuất hiện từ lâu, nhưng diện tích không ổn định, do nhiều nông dân cố giữ nước lợ để nuôi tôm trong thời điểm nước ngọt, bởi vì lợi nhuận trồng lúa thấp. Tuy nhiên, trải qua quá trình sản xuất lâu dài, mô hình này ngày càng thể hiện nhiều ưu thế phát triển như: Rủi ro dịch bệnh thấp, tạo ra sản phẩm sạch, hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định, nhất là khả năng thích ứng cao với những vùng gần biển có điều kiện nước lợ, ngọt đan xen nhau (6 tháng nước lợ, 6 tháng nước ngọt).

mô hình tôm lúaMô hình luân canh tôm - lúa ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.

Mô hình tôm - lúa có hiệu quả cao

Hàng chục năm trước đây, mô hình tôm - lúa đã hình thành khi nông dân thấy tôm sú tự nhiên phát triển tốt trong thời điểm nước lợ trên ruộng không trồng lúa được. Tuy nhiên, mô hình này dần bị lãng quên do giống lúa chất lượng kém, dễ sâu bệnh, năng suất thấp và nhất là hiệu quả kinh tế không cao, trong khi nuôi tôm được coi là nghề "siêu lợi nhuận".
Qua nhiều năm giữ nước lợ nuôi tôm thâm canh liên tục, ao tôm bị lão hóa, mầm bệnh ngày càng nhiều, nghề nuôi tôm bộc lộ nhiều rủi ro, một số nông dân lại nghĩ đến việc đưa cây lúa trở lại luân canh với nuôi tôm. Lúc này, hiệu quả mang lại thật bất ngờ, vì môi trường ao nuôi tôm được cải thiện, mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả khá cao.

Ông Nguyễn Văn Trí, nông dân có đầm nuôi luân canh tôm - lúa hơn 2 ha ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông cho biết, đầu năm 2015, ông thả 200.000 con tôm sú giống với giá 20 đồng/con được mua từ Vũng Tàu về thả nuôi. Sau khi thu hoạch tôm xong, ông tiến hành cải tạo đầm nuôi, tiếp tục gieo sạ 250 kg lúa giống, với giá 13 ngàn đồng/kg. Kết thúc vụ sản xuất năm 2015, ông thu hoạch được 900 kg tôm sú, bán giá khoảng 120.000 đồng/kg, bên cạnh đó, ông còn thu hoạch được 8 tấn lúa, bán 5.000 đồng/kg và 900 kg tôm, cua, cá tự nhiên, với giá bán bình quân 60.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, ông còn lãi hơn 120 triệu đồng.

Theo Chi cục Thủy sản, thông thường các hộ nuôi tôm luân canh tôm - lúa ở xã Phú Tân, Phú Đông (huyện Tân Phú Đông) thả tôm giống với mật độ 10 con/m2, kích cỡ tôm giống thả nuôi trung bình là post 15, với giá tôm sú giống bình quân khoảng 29 đồng/con. Tôm giống chủ yếu có nguồn gốc từ Vũng Tàu, miền Trung, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trại tôm giống ở địa phương. Đến nay, diện tích tôm - lúa trên địa bàn huyện khoảng 568 ha, chủ yếu ở 2 xã Phú Đông 48,6 ha, với 38 hộ và Phú Tân 520 ha, với 362 hộ.

Trong mô hình luân canh tôm - lúa ở huyện Tân Phú Đông, thời gian thả tôm giống trong tháng 11-12 hay từ tháng 2-3 (âm lịch) do trong thời điểm này nước lợ, còn thời gian xuống giống lúa từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7 âm lịch do nước ngọt. Thông thường nông dân thả tôm với mật độ từ 3-7 con/m2, năng suất tôm đạt 350-500 kg/ha, cỡ tôm thu hoạch từ 20-40 con/kg, bán 140.000 - 250.000 đồng/kg. Đối với canh tác lúa, giống lúa canh tác chủ yếu là các loại giống OM 4900, OM 6162, Hai bông,... với năng suất đạt từ 3,5-4 tấn/ha. Sau khi trừ tất cả chi phí, nông dân canh tác theo mô hình này có thể đạt lợi nhuận trên 60 triệu đồng/ha (lợi nhuận từ cả tôm và lúa).

Mô hình canh tác "thông minh"

Thực tế sản xuất của nông dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông cho thấy, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm không không xảy ra sự "xung đột" nào về nhu cầu sử dụng nguồn nước lợ, ngọt trong quá trình sản xuất mà còn là mô hình sản xuất rất "thông minh". Vào mùa khô, nước ngoài sông rạch mặn, thì lấy vào nuôi tôm, đến khi mưa xuống, nước ngọt từ thượng nguồn đẩy nước lợ ra biển, nông dân lại lấy nước ngọt vào trồng lúa.

Hơn nữa, những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau vụ tôm sẽ làm cho ruộng lúa trở nên màu mỡ, nên trong vụ lúa nông dân chỉ bón một lượng nhỏ phân là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây lúa. Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi, người thực hiện mô hình phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (giảm 70-80%).

Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được khoáng hóa, hạn chế được tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu dài; đồng thời cắt mầm bệnh trong ao nuôi, môi trường ao tôm ổn định hơn, nên khi nuôi tôm không cần phải sử dụng nhiều thuốc, hóa chất dẫn đến lợi nhuận cao hơn.

Mặt khác, mô hình canh tác tôm - lúa giúp hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm và mùa trong năm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí tượng thủy văn, tạo ra những sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); từ đó, giúp nâng cao giá trị hàng hóa cho cả tôm và lúa. Mô hình luân canh này cũng giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước, lão hóa vùng nuôi tôm, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh trong nuôi tôm, từ đó, giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững.

Mặc dù luân canh tôm - lúa mang lại hiệu quả cao, bền vững, nhưng sự phát triển của mô hình này ở địa phương còn gặp một số khó khăn. Hiện nay, các vùng sản xuất tôm - lúa nằm xen lẫn trong các khu nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, hệ thống thủy lợi phục vụ mô hình này chưa đồng bộ nên vấn đề quản lý nguồn nước, quản dịch bệnh đối với mô hình chưa chặt chẽ. Người nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nuôi truyền thống, chưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhiều vào trong canh tác. Còn thiếu sự liên kết, hợp tác trong cộng đồng người dân ở từng khu vực và giữa các bên có liên quan để phát triển mô hình tôm - lúa.

Tôm giống sử dụng trong mô hình chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng, trong khi đó sự quan tâm của người dân đến chất lượng tôm giống chưa cao. Sản xuất lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn nước ngọt, chưa có các giống lúa đặc thù cho từng vùng sinh thái khác nhau, nên năng suất và chất lượng lúa còn thấp. Người dân còn thiếu vốn sản xuất trong khi giá các sản phẩm vật tư nông nghiệp không ổn định và chi phí đầu tư khá cao so với khả năng đầu tư của nông hộ.

Để mô hình luân canh tôm - lúa tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, theo một số chuyên gia ngành Nông nghiệp, cần quy hoạch hợp lý các vùng luân canh tôm - lúa để có các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp và chính sách tín dụng hỗ trợ cho sản xuất, khuyến khích sản xuất theo hướng hợp tác. Cơ quan khuyến nông cần tăng cường tập huấn kỹ thuật cả về lúa và tôm, nhất là về quản lý môi trường nước và phòng trị bệnh trên tôm nuôi. Tổ chức các điểm trình diễn mô hình tôm-lúa để nông dân tham quan học hỏi kinh nghiệm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

Đồng thời, Nhà nước cần có kế hoạch nạo vét hệ thống kênh, rạch, đảm bảo nguồn nước lưu thông tốt, đủ nước để phục vụ cho sản xuất. Các Bộ, ngành, trường, viện có liên quan cần quan tâm nghiên cứu tìm ra các giống lúa có chất lượng tốt, năng suất cao, kháng được sâu bệnh, có khả năng thích nghi trong vùng nhiễm phèn, mặn. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, thời gian vay trung hạn hoặc dài hạn để người nuôi có nguồn vốn tiếp tục tái sản xuất; hỗ trợ con giống cho vùng nuôi luân canh tôm - lúa, để góp phần thúc đẩy mô hình nuôi phát triển ngày càng bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước tình hình mặn xâm nhập sâu vào nội đồng như hiện nay, giải pháp đối phó với tình hình xâm nhập mặn được đưa ra là cần thực hiện rà soát quy hoạch chi tiết phát triển nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh theo hướng thích nghi với xâm nhập mặn, ưu tiên phát triển mô hình tôm - lúa. 

19/04/2016

Thành Công

Tiền Giang

 

Chuyên cung cấp các loại bột cá biển khô xay, sản phẩm được làm từ nguyên liệu là các loại cá tạp sau khi đã qua quá trình phơi và sấy khô, sau đó được nghiền mịn. Sản phẩm được dùng trong sản xuất thức ăn gia súc, thủy sản, đồng thời làm nguyên liệu phân bón.

bột cá biển khô xay - Thành phần: + Đạm: 37%, 40%, 45% ,Không melanin và vi sinh vật gây hại, Xuất xứ Việt Nam   Giá 5.100đ.kg =>>> Liên hệ: 0938.985.387  

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện