Môi chất R22 đang được sử dụng phổ biến trong các thiết bị cấp đông của hệ thống lạnh thủy sản. R22 có những ưu điểm như không độc, không cháy, giá tiền thiết bị thấp, hiệu suất phát lạnh cao… Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, môi chất này gây nhiều ảnh hưởng nguy hại tới môi trường như hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ô zôn. Các nước công nghiệp phát triển đang loại bỏ chất này, nhưng tại Việt Nam, năm 2014 vẫn có một lượng đáng kể thiết bị lạnh chạy trên R22 được lắp mới.
Thông qua việc phân tích tác hại của việc sử dụng R22, hội thảo đã kêu gọi các doanh nghiệp hạn chế sử dụng R22. Những doanh nghiệp mới không nên đầu tư thiết bị cũ, còn doanh nghiệp đang sử dụng R22 cần cẩn thận, tránh để thất thoát ga.
Ông Lương Đức Khoa, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân có quy mô sản xuất hộ gia đình vẫn lắp đặt thiết bị trên trong khi chế tài quản lý chưa có. Tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra, nhu cầu sử dụng R22 tăng lên, trong khi nhập khẩu ngày càng giảm bớt, dẫn tới giá ga tăng và nếu kéo dài sẽ dẫn đến thiếu ga trầm trọng. Do đó, các chính sách đề xuất được đề ra như: Cấp phép nhập khẩu các chất R22 theo hạn ngạch với lượng nhập khẩu giảm dần theo hạn định loại trừ R22, không cấp phép thành lập mới các thiết bị sử dụng R22, giảm sử dụng môi chất trên cho dịch vụ sửa chữa thiết bị làm lạnh… Lộ trình thực hiện, từ năm 2015 đến 2019 Việt Nam được phép nhập 3.600 tấn, từ năm 2020 đến 2024 được phép nhập khẩu 2.700 tấn, từ năm 2015 đến 2029 là khoảng 1.000 tấn ga được phép nhập về nước. Quốc gia sản xuất cũng theo lộ trình và nghĩa vụ như vậy.
Đồng thời, hạn chế việc sử dụng môi chất này bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất, tìm kinh phí và hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi công nghệ, sử dụng công nghệ mới, tiến tới loại bỏ sử dụng R22.