Các giếng khoan được người dân sử dụng bơm nước vào ao nuôi (ảnh nhỏ).
“Thời vàng son” đã qua
Đến thời điểm này có thể khẳng định rằng, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã trở thành “thủ phủ” của mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa mùa nước nổi, bởi mô hình này đã thực hiện cách nay gần mười năm. Tập trung nhiều nhất ở các xã: Phú Thành B, Phú Cường, Phú Thọ và thị trấn Tràm Chim.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Tam Nông, năm 2005, có bảy hộ nuôi ban đầu với diện tích nuôi 23 ha đem lại lợi nhuận thấp nhất cũng 50 triệu đồng/ha/năm. Năm 2006, diện tích nuôi đã tăng “đột biến” lên gần 150 ha với 36 hộ nuôi, sản lượng thu hoạch hơn 240 tấn tôm thương phẩm, trong đó hơn 100 tấn tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nhờ hiệu quả kinh tế cao, diện tích nuôi tôm ở huyện Tam Nông tăng dần hằng năm. Đến năm 2008, diện tích nuôi tôm toàn huyện đã đạt 600 ha. Từ đó đến năm 2014, mỗi năm nông dân Tam Nông đều thả nuôi khoảng 700 ha với sản lượng từ 1.200 đến 1.300 tấn tôm thương phẩm.
Theo quy hoạch của tỉnh Đồng Tháp, diện tích nuôi tôm càng xanh toàn tỉnh sẽ là 6.000 ha. Trong đó, huyện Tam Nông sẽ nuôi 3.000 ha, còn lại ở thị xã Hồng Ngự và các huyện: Hồng Ngự, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa ở huyện Tam Nông nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân một tấn tôm thương phẩm người nuôi lãi ít nhất cũng từ 50 triệu đồng, chưa kể tạo nhiều việc làm khác như: giăng câu, thả lưới bắt cá đồng, hay bắt ốc bươu vàng bán làm mồi cho tôm. Bức tranh nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa mùa nước nổi với nhiều gam màu sáng trong nhiều năm qua là vậy. Tuy nhiên, hơn hai năm trở lại đây, khó khăn với các hộ nuôi tôm ở huyện ngày càng tăng, nhiều hộ phá sản, thậm chí có hộ phải đi làm ăn nơi khác vì cầm cố hết ruộng đất.
Ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Phú Thành B, huyện Tam Nông.
“Sáng kiến” đáng lo ngại
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tam Nông Nguyễn Văn Thông cho biết, trong ba năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài…, cho nên người nuôi tôm bị ảnh hưởng rất lớn. Người nuôi không có lãi do chi phí đầu vào tăng, kéo theo giá thành cao.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thông, hơn hai năm qua, giá thành tôm càng xanh ở Tam Nông đã vọt lên từ 130.000 đồng đến 150.000 đồng/kg, trong khi giá tôm ngoài thị trường chỉ dao động trong khoảng 200.000 đồng/kg, cộng thêm do thiếu nước và nắng nóng làm tôm không đạt kích cỡ, sản lượng tôm đạt chuẩn thương phẩm thấp… cho nên người nuôi hầu như chỉ hòa vốn hoặc lỗ. Cũng chính vì thua lỗ liên tục nhiều năm mà từ năm 2014, nhiều hộ nuôi tôm ở Tam Nông có “sáng kiến” khoan giếng nước ngầm chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Được hỏi về “sáng kiến” khoan giếng nuôi tôm, bà Thủy - một người dân ở ấp Phú Bình, xã Phú Thành B, kể: “Do thấy người anh họ ở thị xã Hồng Ngự khoan giếng lấy nước ngầm rồi pha thêm muối vào ao nuôi tôm thẻ chân trắng khá hiệu quả cho nên tôi làm theo”. Ngay vụ đầu, bà Thủy thả nuôi ba triệu con giống trên diện tích 3 ha ao nhà, và không ngờ lãi không thua gì nuôi tôm càng xanh như mấy năm trước.
Gần vuông tôm của bà Thủy là ao nuôi của ông Lê Văn Hoàng. Theo ông Hoàng, nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh với mật độ khoảng 10 con/m2 mặt nước đem lại hiệu quả rất cao, thời gian nuôi lại ngắn, chỉ hai tháng là thu hoạch, trong khi hệ số thức ăn rất thấp, chỉ từ 0,6 kg đến 0,8 kg thức ăn là đạt một kg tôm thịt. Ngoài ra, ông Hoàng còn nuôi trộn tôm thẻ chân trắng với tôm càng xanh. “Hai loài này sống cộng sinh với nhau rất tốt, chúng có cùng loại thức ăn, tôm càng xanh lại ăn xác tôm thẻ chân trắng lột làm sạch đáy ao cho nên có khi không cần phải quạt nước”, ông Hoàng cho biết thêm.
Từ một người khoan giếng, thấy nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại hiệu quả, số lượng giếng khoan càng tăng nhanh. Thống kê đến nay, toàn huyện Tam Nông có 33 giếng nước ngầm có độ sâu từ 60 m đến 80 m.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, trong tổng số 23 hộ nuôi tôm càng xanh bị thua lỗ, được ngân hàng khoanh nợ trong hai năm qua, nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng mà chỉ sau sáu tháng đầu năm 2016, chỉ còn lại sáu hộ nợ ngân hàng số tiền vay gần ba tỷ đồng.
Khó khăn trong xử lý
Theo thống kê của ngành chức năng, vụ nuôi năm nay, toàn huyện Tam Nông có 32 hộ đang thả nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích gần 120 ha. Việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nuôi tôm càng xanh bằng cách bơm nước giếng khoan và cho thêm muối vào ao nuôi về lâu dài sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Không những phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng tới môi trường, việc khoan giếng cũng sẽ làm sụt lún tầng mặt, “mặn hóa” đất ruộng, không còn sản xuất được nếu sau này địa phương chuyển đổi sang nuôi trồng các loại cây, con khác.
Ngay sau khi đoàn liên ngành nông nghiệp và tài nguyên - môi trường đến kiểm tra và đề nghị các hộ nuôi tôm thẻ lấp các giếng khoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã chỉ đạo các sở NN và PTNT, Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND huyện Tam Nông rà soát, thông báo đến các tổ chức, cá nhân không được khai thác, sử dụng nước ngầm để nuôi tôm thẻ chân trắng; kiểm tra, giám sát các giếng khoan đang khai thác; tuyên truyền, vận động người dân dừng nuôi sau khi kết thúc vụ nuôi này; tiến hành trám lấp các giếng khoan trái phép…
Trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Tam Nông Nguyễn Văn Thông cho biết, tuy biết khoan giếng nuôi tôm thẻ sẽ phá vỡ quy hoạch của địa phương, ảnh hưởng nặng đến môi trường nuôi trồng sau này, nhưng việc cấm tuyệt đối người nuôi hiện rất khó. Ngành chức năng huyện đang lúng túng trước thực trạng này và đang đề nghị tỉnh có giải pháp hợp lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm.
27/06/2016
Bài và ảnh: NHỰT TRUNG
Báo Nhân Dân,
Cần bán gấp 30 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500 tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ 0946705238,0948.2222.17 cam kết chất lượng.