Kỹ thuật nuôi

Lận đận với nghề nuôi cá tra - Bài 3: Cách nào để tháo gỡ?

Thứ sáu, 29/07/2016 08:12 lượt xem: 1992

Thời gian qua, đã có không ít chủ trương, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá tra trong tỉnh, nhưng tất cả đều bất thành.

phile dong lanh

Phi lê đông lạnh vẫn là sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu.

Thông tin từ Chi cục Thủy sản Hậu Giang, người nuôi cá tra trong tỉnh đang đối mặt với khó khăn lớn nhất là giá bán luôn thấp hơn giá thành sản xuất, mất cân đối cung - cầu, một số doanh nghiệp thu mua chiếm dụng vốn (chủ yếu là hình thức mua cá tra trả chậm) dẫn đến người nuôi khó chủ động được chi phí để tái đầu tư sản xuất. Mặt khác, trước những tác động từ các rào cản về thương mại, kỹ thuật, chương trình giám sát an toàn thực phẩm của một số quốc gia nhập khẩu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất và tiêu thụ cá tra của tỉnh.

Chờ thời cơ vực dậy

Một điều dễ thấy rằng, hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản tại một số địa phương trong tỉnh như thủy lợi, đường giao thông, lưới điện... ở các vùng nuôi cá tra đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư cải tạo kịp thời. Hầu hết người nuôi chưa có mối liên kết trong sản xuất, thiếu hợp đồng bao tiêu sản phẩm làm phát sinh nhiều rủi ro. Bởi có không ít hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ trong tỉnh đang cầm cự với nghề bằng cách trực tiếp đem sản phẩm ra chợ bán, chờ cơ hội tái đầu tư sản xuất.

Ông Trương Văn Dương, ở ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Mục đích tôi nuôi cá là để cải thiện sinh kế gia đình. Có lúc tôi am hiểu nghề này đến nỗi chỉ cần con cá lên ngớp là biết có bệnh hay không. Mặc dù lỗ nặng mấy đợt nhưng tôi vẫn cố nuôi theo hình thức bán tự nhiên, chờ thời cơ vực dậy”. Thực tế là hơn 2 năm nay, ông Dương luôn thả nuôi trên diện tích hơn 4.000m2 nhưng mật độ thả nuôi rất ít. Đây là cách mà ông cho rằng vừa thỏa lòng đam mê, vừa tạo nên “đồng ra đồng vô”, ổn định cuộc sống gia đình, tìm ra hướng đi mới cho nghề nuôi cá tra trong tương lai.

Tương tự, để duy trì nghề nuôi cá tra đến thời gian này, ông Lâm Văn Dũng, ở khu vực 7, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, luôn tính toán khá kỹ từ hệ số thức ăn đầu tư cho đến việc áp dụng đúng quy tình kỹ thuật thả nuôi nhằm tiết giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, kết hợp phân bố hợp lý diện tích thả nuôi, tức là nuôi theo kiểu rải vụ để có sản phẩm xuất bán thường xuyên trong năm. Theo đó, khoảng 2 tháng trước, ông vừa thu hoạch hầm cá gần 2.000m2, bán với giá 19.500 đồng/kg, tính ra chỉ huề vốn. Mặc dù vậy ông vẫn không nản chí với nghề nuôi cá tra tiềm ẩn nhiều rủi ro này.

Theo ông Dũng, dù nhiều người đã neo hầm cá lại và ở địa phương cũng đã có nghe thông tin đối với các thương lái một số nơi đặt vấn đề mua cá tra quá lứa, nhưng hầu hết người nuôi cá tra trong vùng đều không vỗ béo để bán theo hình thức này. Người nuôi cá cũng hiểu, nếu nuôi cá vượt trọng lượng, nhà máy không thu mua cá để chế biến xuất khẩu thì mọi thiệt thòi đều thuộc về hộ nuôi nên nhiều người rất cảnh giác.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

“Trên thực tế, giá cá tra đang trên đà lao dốc mạnh, có người xuất bán thua lỗ, có người chưa bán được nên cảm thấy bất an. Vì vậy, trước mắt, người dân có thể tận dụng diện tích mặt nước sẵn có để thả nuôi các loài thủy sản khác như cá thát lát, rô phi, lóc đồng nhằm cải thiện kinh tế gia đình. Còn về lâu dài phải chờ cấp có thẩm quyền của tỉnh ban hành chủ trương quy hoạch vùng nuôi tập trung mới có chính sách hỗ trợ cụ thể, giúp người nuôi yên tâm sản xuất”, ông Lê Hùng Chiến, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, đề xuất.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hậu Giang Nguyễn Thị Thùy Lam cho biết: Mặc dù thời gian qua, về phía đơn vị đã đề xuất nhiều giải pháp cho người nuôi cá tra vượt qua khó khăn nhưng vẫn chưa thể triển khai thực hiện được. Vì lẽ đó, tới đây, bà con cần liên kết thành các tổ, câu lạc bộ hay hợp tác xã để giúp đỡ nhau về kỹ thuật, vốn. Đồng thời, phải nuôi theo quy chuẩn kỹ thuật an toàn; quản lý chặt chẽ môi trường nuôi và kiểm soát dịch bệnh, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, mang tính cạnh tranh cao.

Theo bà Lam, phía đơn vị chuyên môn sẽ chủ động cập nhật thông tin thị trường, cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất thông qua công tác đào tạo, tập huấn và xây dựng các mô hình nuôi thủy sản thí điểm có hiệu quả; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại với các địa phương lân cận để tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ thủy sản, làm cầu nối cho các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, thức ăn, thuốc... với người nuôi cá nhằm từng bước ổn định tình hình sản xuất, góp phần duy trì nghề nuôi cá tra đầy tiềm năng của tỉnh.

Đến nay, cấp có thẩm quyền của Hậu Giang đã thẩm định xong dự án quy hoạch vùng nuôi cá tra 500ha và đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo cơ quan chuyên môn tỉnh, khi quy hoạch chính thức được thông qua sẽ hình thành khu vực thả nuôi tập trung, dễ quản lý, góp phần thúc đẩy mối liên kết, hợp tác với doanh nghiệp thu mua, ổn định đầu ra, cũng như tìm nơi cung cấp con giống đáng tin cậy hơn cho người nuôi. Đây cũng được xem là một hướng mở cho nghề nuôi cá tra ở Hậu Giang trong thời gian tới.

29/07/2016

Chí Công

Báo Hậu Giang,

 

Cần bán gấp 30 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500 tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ 0946705238,0948.2222.17 cam kết chất lượng.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện