Tài liệu thủy sản

Làm lồng nuôi tôm hùm bằng vật liệu mới: Dân còn băn khoăn

Thứ sáu, 03/08/2018 09:00 lượt xem: 8040

 

Làm lồng nuôi tôm hùm bằng vật liệu mới: Dân còn băn khoăn

Các đại biểu tham quan lồng nuôi tôm hùm bằng lưới hợp kim đồng ở TX Sông Cầu - Ảnh: ANH NGỌC​

Các đơn vị chuyên môn của Sở NN-PTNT vừa phối hợp với TX Sông Cầu tổ chức hội thảo về vật liệu mới làm lồng nuôi tôm hùm. Tại hội thảo này, ngư dân không chỉ quan tâm đến chất lượng, giá cả vật liệu mới mà còn quan tâm đến công tác quy hoạch, sắp xếp lại lồng bè và xử lý môi trường tại các vùng nuôi đã bị ô nhiễm…

Lồng tốt nhưng quá đắt

Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT), Phú Yên hiện có 3 vùng nuôi thủy sản lồng bè tập trung được quy hoạch ổn định lâu dài tại huyện Tuy An khoảng 650ha, vịnh Xuân Đài khoảng 747ha và đầm Cù Mông khoảng 253ha. Thời gian qua, do việc nuôi lồng bè chủ yếu mang tính tự phát, không theo quy hoạch nên vấn đề ô nhiễm môi trường đã xảy ra ở hầu hết vùng nuôi dẫn đến dịch bệnh trên thủy sản nuôi diễn biến phức tạp. Đặc biệt, sau cơn bão số 12 năm 2017, việc nuôi thủy sản này lại bộc lộ thêm điểm yếu là chất lượng lồng nuôi không đảm bảo với sự biến đổi của thời tiết hiện nay…

Ông Đào Mai Quốc Việt, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Để lồng nuôi đáp ứng với sự biến đổi của thời tiết hiện nay, đơn vị đã phối hợp với Công ty Wieland Metals Singapore thử nghiệm mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm bằng lồng lưới hợp kim đồng tại một hộ nuôi tôm hùm ở thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương (TX Sông Cầu). Lồng nuôi có kích thước 2,5x2,5x1,2m, khung lồng làm bằng sắt, lưới bằng hợp kim đồng, mắt lưới 2a (khoảng 4cm). Mô hình này triển khai từ tháng 7/2017, nhưng qua cơn bão số 12 năm 2017 đến nay lồng nuôi vẫn đảm bảo chất lượng.

Theo ông Võ Văn Thừa ở thôn Dân Phú 2 (người thực hiện mô hình), sau 12 tháng lồng nuôi vẫn còn tốt, không biến dạng sau mưa bão; đặc biệt là hàu, hà bám vào lồng không đáng kể. Loại lồng này rất thông thoáng (do mắt lưới lớn) nên tăng cường lưu thông nước, làm hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi.

Ưu điểm đã thấy rõ, nếu hơn 50 lồng nuôi tôm hùm của gia đình tôi hiện nay đều làm lưới lồng bằng hợp kim đồng thì rất yên tâm, hạn chế bão và sóng biển làm hư hỏng lồng nuôi. Tuy nhiên, lồng nuôi này rất nặng, giá thành đắt gấp 4 lần lồng nuôi truyền thống. Riêng lưới bọc lồng khoảng 24,5m2 nhưng giá thành đã 12 triệu đồng, chưa kể khung sắt và tiền công để bọc hoàn thiện vì cơ sở sản xuất chỉ bán lưới.

Còn ông Trần Quang Viên ở phường Xuân Yên cho hay: Hai loại vật liệu mới làm lồng nuôi được đề cập tại hội thảo đều rất tốt. Tuy nhiên, loại vật liệu lưới lồng bằng hợp kim đồng có mắt lưới quá lớn, chỉ thả nuôi cỡ tôm từ 4-6 tháng trở lên nên vẫn phải nuôi lồng truyền thống ở giai đoạn đầu.

Trong khi đó, nhà sản xuất chỉ bán lưới mà không sản xuất ra nguyên chiếc lồng nên ngư dân phải thuê làm thêm một công đoạn nữa là khung lồng và bọc lưới, rất tốn kém và mất thời gian. Còn với lồng bằng nhựa HDPE, kích thước nhỏ nhất nhà sản xuất đưa ra là 4x4x4m, trong khi lồng nuôi truyền thống lâu nay cỡ 2,5x2,5x1,2m. Cả hai loại lồng nuôi bằng vật liệu mới này đều đắt hơn lồng nuôi truyền thống từ 4 đến hơn 10 lần, nhiều người nuôi muốn đầu tư nhưng giá thành quá cao.

Cần hỗ trợ người nuôi

Ông Vũ Quang Đăng, đại diện Công ty Wieland Metals Singapore, cho biết: Lưới làm lồng nuôi thủy sản do công ty cung cấp được làm từ đồng thau đặc biệt, có độ bền cao. Tuy nhiên, nếu ở dưới nước lâu ngày vẫn có hiện tượng bào mòn nên công ty khuyến cáo khoảng 10 năm nên thay lưới lồng nuôi một lần. Việc ngư dân yêu cầu sản xuất ra những tấm lưới có mắt lưới nhỏ hơn hiện tại thì đơn vị vẫn đáp ứng được, nhưng giá thành sẽ rất cao. Tùy theo từng đơn đặt hàng số lượng nhiều hay ít, công ty sẽ tính toán mức giá cụ thể.

Còn theo ông Hoàng Văn Hợi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và công nghệ nuôi trồng thủy sản, lồng nuôi thủy sản bằng nhựa HDPE của công ty có độ bền khoảng 40 năm và đã cung cấp cho ngư dân ở nhiều tỉnh. Đặc biệt, hệ thống neo tự động có thể điều chỉnh cho lồng lên xuống theo mực nước thủy triều và độ cao của sóng biển. Trong mùa mưa bão năm 2017 tại tỉnh Khánh Hòa, tất cả lồng nuôi bằng nhựa HDPE của công ty cung cấp đều an toàn, còn đối với lồng nuôi truyền thống thì bị hư hỏng nặng. Hiện giá thành của một lồng nuôi bằng nhựa HDPE cỡ 4x4x4m khoảng 50 triệu đồng. Nếu bà con yêu cầu làm kích cỡ nhỏ hơn thì giá thành sẽ cao hơn.

Theo ông Trần Quang Viên, các cơ quan chức năng và nhà khoa học cần có nghiên cứu cụ thể, giúp người dân chọn lựa những vật liệu làm lồng nuôi vừa bền, vừa phù hợp với túi tiền. Để việc chuyển đổi giữa lồng nuôi truyền thống sang lồng nuôi bằng vật liệu mới đảm bảo hơn, Nhà nước và các doanh nghiệp cũng cần có chính sách hỗ trợ để người dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng cần quan tâm sớm sắp xếp lồng bè ổn định vùng nuôi, cảnh báo và xử lý môi trường tại các vùng nuôi đã bị ô nhiễm.

Còn TS Võ Văn Nha, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, đề nghị: Phú Yên và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thêm việc sử dụng hợp kim đồng làm lưới lồng nuôi tôm hùm có ảnh hưởng đến môi trường hay không.

Lưới lồng làm bằng hợp kim đồng ở dưới nước lâu ngày sẽ bị bào mòn, với số lượng lồng nuôi hiện nay ở TX Sông Cầu khoảng 83.000 lồng thì sau một thời gian nhất định vùng nuôi có khả năng bị nhiễm đồng hay không? Tỉnh cần làm việc với các nhà khoa học để có những nghiên cứu về vật liệu mới bền hơn, phù hợp hơn thay thế vật liệu làm lồng nuôi truyền thống.

Anh Ngọc Báo Phú Yên

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện